“Linh miêu – Quỷ nhập tràng”: Tấn bi kịch về trọng nam khinh nữ ẩn sau trong vỏ bọc kinh dị

Tiếp tục chiều lòng sự tò mò của khán giả, ê-kíp “Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng” hé lộ phân cảnh đang nhận nhiều sự đồng cảm và mang đến nhiều xúc động cho người xem. 

Bên cạnh những phân đoạn ma mị của các hiện tượng tâm linh và những tấn bi kịch diễn ra trong nhà Dương Phúc, hình ảnh Mỹ Kim (Thiên An) ngồi ăn ở mâm dưới, trong khi những người đàn ông ở gia đình như Vĩnh Thái (Văn Anh), Vĩnh Trọng (Samuel An), Gia Cường (bé Bảo Duy) cùng Mệ Bích (Hồng Đào) ngồi ở mâm trên đã để lại khoảnh khắc sâu sắc cho khán giả. 

Cận cảnh phân đoạn “mâm trên mâm dưới”  trong “Linh miêu – Quỷ nhập tràng” khiến nhiều khán giả đồng cảm.

Theo đó, phân cảnh vừa được nhà sản xuất hé lộ, Mỹ Kim không chỉ ngồi mâm dưới, cô còn phải ăn lại những đồ ăn thừa của mâm trên – món mà những người đàn ông đã thưởng thức chán chê. Biểu cảm nhịn nhục của Mỹ Kim khi dùng lại đồ thừa mà cậu cả Vĩnh Trọng dùng xong càng làm người xem gợn lên những suy nghĩ, đau đáu cho thân phận người phụ nữ khi phải làm dâu trong một gia đình trọng lề thói phong kiến. Thêm vào đó, biểu cảm dửng dưng của Mệ Bích – một người phụ nữ cũng làm cho khán giả tin tưởng chính bà cũng từng trải qua hoàn cảnh như Mỹ Kim, cũng phải chịu ngồi mâm dưới và hầu những người đàn ông. Thế nhưng, thay vì mạnh mẽ thay đổi, bà lại chọn duy trì nề nếp phong kiến đó cho đời con của mình. 

Biểu cảm nhịn nhục của Mỹ Kim (Thiên An) khi dùng lại đồ thừa mà cậu cả Vĩnh Trọng (Văn Anh) dùng xong.

Hình ảnh mâm trên mâm dưới là một ngôn ngữ mạnh mẽ khi đề cập về sự phân biệt nam nữ trong gia đình. Mâm trên đụng đũa thì mâm dưới mới được ăn theo. Bởi người ta tin rằng đàn bà mang thân phận thấp hèn, không được can dự vào chuyện của đàn ông mà chỉ cần phục tùng, nghe lời. Mâm trên – mâm dưới là một ví dụ rất sinh động về vai trò của người phụ nữ trong thời xưa.

Mệ Bích (Hồng Đào) – người duy trì nề nếp “mâm trên mâm dưới” trong gia đình Dương Phúc.

Chia sẻ về câu chuyện mâm trên – mâm dưới, đạo diễn Lưu Thành Luân bày tỏ: “Vì sao lại có chuyện mâm trên, mâm dưới. Thực tế, đây là hình ảnh mà đến tận hôm nay vẫn được bắt gặp ở nhiều gia đình trong các dịp giỗ chạp như một luật bất thành văn. Đàn ông ngồi phản trên, yên vị vào các mâm và đụng đũa thì đàn bà mới tính đến lượt của mình. Đối với tôi, đây là một quan điểm cổ hủ và mang nặng tư tưởng phân biệt khắt khe đối với người phụ nữ. Và khi thực hiện kịch bản của “Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng”, tôi hy vọng có thể khắc họa nó một cách chân thật để khán giả có thể phần nào hiểu được sự hà khắc của việc trọng nam khinh nữ. Nếu chúng ta đồng cảm với thân phận của người phụ nữ và dần dần nghĩ mâm trên – mâm dưới là một lối sinh hoạt bình thường, tôi nghĩ đó mới là giá trị lớn nhất mà bộ phim mang đến”.

Đạo diễn Lưu Thành Luân chia sẻ câu chuyện mâm trên – mâm dưới trong “Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng”.

Đồng tình với ý kiến của đạo diễn Lưu Thành Luân, giám đốc sản xuất – sáng tạo Võ Thanh Hòa cũng thẳng thắn bày tỏ: “Truyền thống, nề nếp gia phong là yếu tố cốt lõi để tạo nên văn hóa. Nhưng vì sao chúng tôi lại chọn một gia đình tại Huế, có những bi kịch về tư tưởng phong kiến để kể câu chuyện của mình bằng một ngôn ngữ thời đại hơn, tôi nghĩ rằng sự va đập của tư tưởng cũ và mới sẽ phần nào đó mang lại góc nhìn đa dạng hơn cho người xem, để chúng ta có thể suy ngẫm liệu tư tưởng truyền thống thì cái nào cũng cần được gìn giữ hay không. Với chúng tôi, “Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng” là một tác phẩm giải trí phục vụ gu điện ảnh của khán giả, đồng thời mang đến một câu chuyện có lớp lang và nhiều tầng nghĩa để khi ra về mọi người đều có câu chuyện để tranh luận và suy nghĩ của riêng mình”.

Dưới đây là phân cảnh mâm trên – mâm dưới khiến khán giả phải suy ngẫm: 


From the same category