Quay nược lại thời gian, tôi nhớ dốc Bắc Sum quanh co khúc khuỷu, đèo Cổng trời hôm ấy mờ sương, vượt tiếp dốc Thẩm Mã như sợi chỉ vắt ngang lưng trời, chúng tôi vào Phó Cáo rồi thênh thang giữa thung lũng Sủng Là với hàng sa mộc xanh ngắt trước khi lại nhọc nhằn leo dốc vào nơi biên cương của tổ quốc. Nơi ấy dù cách đường quốc lộ không xa, nhưng cũng chẳng mấy ai vào đó làm gì vì là đường cụt, là “chẳng có gì nổi tiếng” như những địa danh Sà Phìn, Lũng Cú.
Đó là một bản nhỏ mang tên Lao Xa nằm cheo leo trên những sườn núi đá, và chỉ vài bước chân theo con đường mòn nhỏ là tới cột mốc biên giới để sang đất Trung Quốc. Nhưng chính ở đó, lại có một sức hút kỳ lạ với những kẻ đã ngang dọc mảnh đất Hà Giang quá nhiều lần như chúng tôi, chỉ đơn giản, vì Lao Xa có người đàn ông chế tác trang sức bạc gần như cuối cùng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Mà tôi vẫn thường gọi là “Người giữ những mảnh hồn của bạc”.
Nếu như với đại đa số người Việt, vàng được coi là trang sức quý giá nhất, đắt tiền và là thước đo, vật cất giữ thì với những người H’Mông, bạc lại là thứ tài sản có giá trị nhất. Từ bạc trắng, người H’Mông có thể chế tác các đồ trang sức cho con trai, con gái khi đi lễ hội, là lễ vật không thể thiếu trong các đám cưới, đám hỏi, của hồi môn, là vật bất ly thân của những thiếu nữ. Đặc biệt hơn, bạc làm ra những chiếc “vòng vía” cho trẻ em đeo để trừ tà ma, khỏi ốm đau, trúng gió. Nếu như ở Hà Nội có hẳn một con phố mang tên Hàng Bạc với hàng chục cửa hàng chế tác, thì trên miền núi cao (mà cụ thể là ở Đồng Văn) giờ những người làm bạc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Đó là lý do vì sao, chúng tôi đã phải nhọc nhằn vượt những con dốc quanh sườn núi, qua làn sương mỏng đến với Lao Xa để vào nhà ông Mua Sè Sính. Ngôi nhà nằm cách đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc chỉ chừng 300m, tường cũng được trình bằng đất dày, mái ngói âm dương như bao ngôi nhà truyền thống khác của người H’Mông. Ở cái độ tuổi đã gần 70, ông Mua Sè Sính vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh (tuổi thọ của người H’Mông thường rất thấp) để tiếp tục làm đẹp cho đời, cho bao gia đình hay bao lứa đôi nên duyên vợ chồng.
Gia đình ông đã có hơn 5 đời làm bạc, ông có 9 người con trai mà không có con gái, lò luyện bạc thủ công ở ngay ngoài hiên nhà đã có tuổi đời hơn 100 năm từ đời cụ truyền lại. Mua Sè Sính bắt đầu làm bạc khi chỉ mới là một cậu bé thiếu niên, cho tới bây giờ khi đã ở vào cái tuổi “gần đất xa trời” ông không thể nhớ nổi đã thổi bao nhiêu canh lửa, đã làm bao nhiêu chiếc vòng, chiếc lắc cho đồng bào trên khắp miền cao nguyên đá Đồng Văn. Bạc của nhà ông nổi tiếng khắp vùng, có những ông bố, bà mẹ, những đôi trai gái đi cả ngày trời để nhờ ông làm một món đồ. Giờ thì cả con trai của ông cũng đã nối nghiệp cha cùng giữ hồn của bạc cho một nền văn hóa H’Mông độc đáo.
Từ xưa đến nay, người con gái H’Mông khi đi lấy chồng không thể thiếu trang sức bằng bạc, thường là một bộ vòng 2 chiếc. Một chiếc thường đúc rỗng chạm trổ hoa văn ở bên ngoài, và một chiếc khác được kết từ các vòng nhỏ lại với nhau. Bạn thử đoán xem giá của một bộ vòng như thế là khoảng bao nhiêu tiền? Câu trả lời là từ 10 – 20 triệu đồng, bởi cái công để làm nên được bộ trang sức đó là vô cùng vất vả.
Cũng có những chiếc vòng vía được làm cho trẻ em đeo cổ hoặc chân tay để trừ tà ma, khi đứa trẻ bị ốm thầy cúng sẽ làm lễ với chiếc vòng để giữ cho ma quỷ không thể xâm nhập vào người, cũng là giữ cho hồn vía của đứa trẻ ở lại không bay đi. Có những chiếc vòng vía bằng bạc lại được đeo suốt cả cuộc đời như tấm bùa hộ mệnh cho mỗi người H’Mông.
Chén rượu ngô trong vắt cứ vơi rồi lại đầy, trong ánh sáng ấm áp nhưng mờ ảo tỏa ra từ bếp lửa, ngoài trời sương giăng kín cả lối đi, rét căm căm, chúng tôi cứ chuyện trò với người đàn ông đã già nhưng vóc dáng vẫn rất nho nhã. Đôi bàn tay chai sạn vì đã khắc biết bao hoa văn họa tiết, đã uốn hàng ngàn chiếc vòng lắc cho đồng bào. Trong câu chuyện giữa vùng biên viễn này, đôi khi sự bất đồng ngôn ngữ làm gián đoạn nhưng những gì mà cả một đời người đã gắn bó, đã thổi hồn giữ lửa cho bạc thì chúng tôi đã ngấm và rất thấm như men say của thứ rượu làm từ ngô trồng trên núi đá vậy.
Chỉ dăm bữa nửa tháng nữa thôi, hàng cây lê trước hiên nhà sẽ bung nở hoa trắng, cành đào thắm sà trên mái ngói âm dương đã ngả màu theo thời gian cũng sẽ đỏ thắm. Con đường nhỏ vắt mình trên sườn núi vẫn là thử thách cho bất cứ tay lái nào, đá trở nên xám xịt hơn và làm nền cho bức tranh tuyệt sắc của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Đó cũng chính là mùa làm bạc bận rộn nhất bởi khi ấy người H’Mông sẽ làm đám cưới rất nhiều. Vào khoảng thời gian đẹp đẽ ấy, hàng trăm người sẽ lại vượt núi, vượt đèo, băng qua những khu vườn cải vàng, vườn mận đào đang khoe sắc để mang tới những mảnh bạc vụn nhờ ông Mua Sè Sính “biến hóa” thành những món trang sức cho mùa lễ hội.
Dọc dòng sông Miện trở về phố thị, chúng tôi chẳng thể quên đôi bàn tay, ánh mắt cũng như câu chuyện về người đàn ông đã dành cả cuộc đời để giữ những mảnh hồn bạc ở lại mãi trên mảnh đất địa đầu của đất nước. Người H’Mông anh hùng chọn những ngọn núi cao nhất để ở với câu nói “Thái theo nước, H’Mông theo mây” (người dân tộc Thái thường sống cạnh các con suối, người H’Mông thì cứ theo mây mà lên núi cao). Giữa lưng chừng trời đó, trong bản nhỏ giữa biên cương, ngọn lửa của lò thổi bạc vẫn bập bùng mặc gió lạnh gào thét…