Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2015, tỷ lệ trẻ em được tiêm vắcxin phòng ba bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đạt 85% (116,2 triệu trẻ). Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu với DTP3 vẫn duy trì ở mức 85%, song điều đáng chú ý việc tăng thêm 4,6 triệu trẻ sơ sinh được tiêm chủng trên toàn thế giới trong năm ngoái so với năm 2010 chủ yếu do dân số toàn cầu tăng.
Trên thực tế, vắcxin phòng DTP3 và sởi có thể giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi – một trong những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, để có thể đạt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu, WHO ước tính khoảng 20 triệu trẻ em trên thế giới cần được tiêm vắcxin phòng DTP 3; 45 triệu trẻ được tiêm mũi thứ hai phòng sởi và 76 triệu trẻ phải được tiêm đủ cả ba liều vắcxin phòng phế cầu khuẩn. Mục tiêu này đòi hỏi các nước trên thế giới phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là tại những nước mà người dân đang phải sống trong tình trạng xung đột hoặc cần trợ giúp nhân đạo.
Thống kê cho thấy trong số gần 20 triệu trẻ sơ sinh không được tiêm chủng đầy đủ DTP3, gần 8 triệu trẻ (tương đương 40%) sống trong môi trường bất ổn hoặc cần được viện trợ nhân đạo. Khoảng 5,6 triệu trẻ trong số này sống ở ba nước thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột là Afghanistan, Nigeria và Pakistan. Trong năm ngoái, 10 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng DTP3 dưới 50% gồm Angola, Cộng hòa Trung Phi, Guinea Xích đạo, Chad, Guinea, Somalia, Nigeria, Nam Sudan, Syria và Ukraine.
Đối với tỷ lệ tiêm phòng sởi, tỷ lệ tử vong do bệnh này trên toàn thế giới đã giảm 84%, theo đó, có tới 85% trẻ được tiêm mũi đầu và 67% được tiêm mũi thứ hai. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc có tới 45 triệu trẻ em cần được tiêm phòng mũi thứ hai. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng trên toàn cầu đối với rotavirus (gây tiêu chảy) mới chỉ đạt 28%, còn phế cầu khuẩn là 44%.
Do đó, WHO và UNICEF khuyến cáo trong bối cảnh dân số đang ngày một tăng, các quốc gia cần củng cố hệ thống y tế, đưa thêm vắcxin mới vào chương trình tiêm chủng quốc gia, đảm bảo mọi trẻ em có thể tiếp cận với vắcxin, cũng như hoàn thành đầy đủ việc tiêm chủng các loại vắcxin theo khuyến nghị.
Về phần mình, WHO và UNICEF đang mở rộng khả năng tiếp cận tiêm chủng thông qua việc tăng cường chất lượng, nhắm đến các nguồn lực tốt hơn và đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng.