“Chơi vơi” đến Venice – Mốc son của điện ảnh Việt. |
Thường thì không có tài năng điện ảnh nào bị bỏ sót cả, bởi số lượng phim thương mại hàng năm trên thế giới sản xuất ra rất lớn nhưng đó chưa chắc đã là đối tượng của các Liên hoan phim (LHP). Vì bản thân các nhà làm phim thương mại không nhằm hướng đến LHP và một điều rất quan trọng mà ở Việt Nam không phải ai cũng biết: gửi phim đến các LHP rất dễ mất bản quyền!
Hãy cảnh giác!
Trường hợp phim “Dòng máu anh hùng” là một ví dụ “đau đớn”. Sau khi trình chiếu ở Việt Nam, nhà sản xuất vừa bán bản quyền cho Warner Bros (một trong những hãng phát hành phim và DVD lớn nhất trên thế giới) vừa chuẩn bị dọn đường để DVD vào thị trường trong nước thì đĩa lậu (in đẹp bởi được in ra từ bản phim nhựa gốc) đã xuất hiện bất ngờ còn nhanh hơn cả tưởng tượng của chính họ.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, dù trước khi gửi phim đi, Johnny Trí Nguyễn (em trai anh) đã cẩn thận in code (mã số nhận diện) vào screener (bản phim sẽ trình chiếu). Nhưng nhiều LHP mà chỉ có một code nên sau đó, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm có theo đuổi vụ kiện rồi cũng chẳng đến đâu!
Thực tế cho thấy, phim bị mất bản quyền nhiều nhất là phim gửi đến tranh giải Oscar vì Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ có đến cả ngàn người, và các bản đĩa lậu nhan nhản trên thị trường vẫn còn in nguyên dòng chữ “đây là bản phim chỉ dành cho người chấm giải, không được phổ biến rộng rãi”! Có lẽ một vị nào đó đã vô tình hoặc cố ý lộ ra.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của người viết bài này, bà Ellen M. Harrington, giám đốc phụ trách triển lãm và sự kiện đặc biệt, phụ trách đối ngoại, thành viên Ban tuyển chọn phim nước ngoài tham dự giải thưởng Oscar đến từ Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ đã thừa nhận: “Chúng tôi khẳng định rằng hơn 6.000 thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ không bao giờ cố ý để lọt các bản phim gửi đến dự thi ra ngoài.
Chúng tôi đảm bảo đến 100% cho điều đó. Tuy nhiên, phải nói rằng có nhiều thành viên vì lý do gì đó không xem bản phim nhựa tại nơi được quy định trình chiếu, họ sẽ nhận được bản in DVD để xem ở nhà. Và có thể các bản in lậu đã lọt ra từ studio được chỉ định để in phim chăng?”
Nhưng vẫn phải trổ cửa
Không thể vì sợ mất trộm mà không làm cửa, khi cái mất không tày cái được. Chưa nói, “mất” ở đây, với một nền điện ảnh “thấp cổ bé họng” như của ta, có khi còn là một… vinh dự và cơ may (?)
Chúng ta sẽ không có cơ hội nếu chúng ta không có một đường hướng để vươn đến các LHP tầm cỡ, mà để thực hiện được việc đó thì có quá nhiều việc cần được làm ngay. Đó là nới lỏng việc kiểm duyệt phim và có chính sách rõ ràng trong việc xác định tính hội nhập của điện ảnh Việt Nam.
Cụ thể ở đây là phải mở rộng liên kết quốc tế bằng cách tham gia có hệ thống vào các diễn đàn, các mạng lưới phát triển điện ảnh tại châu Á và trên thế giới. Hiện tại ngay một gian hàng mang tính quốc gia của điện ảnh Việt tại các LHP lớn chúng ta cũng chưa có.
Thêm nữa, muốn đến các LHP hàng đầu phải là những phim cách tân và quyết liệt – chắc chắn không phải thứ phim dễ xem, dễ gật, thậm chí phải chấp nhận đó là những tiếng nói phản đối với thực tại… Không thể hô khẩu hiệu đổi mới và hội nhập suông mà không biết cách vận hành và tiếp nhiên liệu cho cỗ máy điện ảnh.
Tại sao chúng ta không tham khảo cách làm của Trung Quốc, với những tác phẩm điện ảnh quá nhạy cảm thì họ hạn chế phát hành ở nội địa nhưng vẫn mạnh dạn cấp phép cho phim được ra nước ngoài (“Phải sống” của Trương Nghệ Mưu chẳng hạn, đã giành được đến 4 giải của LHP Cannes 1994 và đã trình chiếu chính thức ở Việt Nam mà chưa bao giờ được phát hành ở đại lục).
Về đối ngoại, Trung Quốc rõ ràng đã được tiếng cởi mở để văn hoá của họ có điều kiện chứng minh với thế giới. Về đối nội, họ đã không làm mất lòng và nhụt chí những nghệ sĩ tài năng mà giá trị của những Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca rõ ràng hiện tại đã được chính thức thừa nhận cả ở đại lục và trên thế giới.
Poster “I come with the rain” – Bộ phim có kinh phí 18 triệu đôla của đạo diễn Trần Anh Hùng. |
Đường đua cho Việt Nam: Phim nghệ thuật
Không thể phủ nhận việc tạo ra một hệ thống các phim ăn khách là rất quan trọng và nó phải là phần chính của một nền công nghiệp điện ảnh lành mạnh nhưng cần nhớ điện ảnh là nghệ thuật và đã là nghệ thuật thì phải có những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Nếu thiếu đi khía cạnh này thì điện ảnh chỉ còn là món hàng.
Nếu chúng ta cứ mải chạy theo những phim giải trí đáp ứng nhu cầu ngắn hạn về thẩm mỹ của một số đối tượng khán giả bình dân thì chúng ta mãi mãi thụt lùi đằng sau các cường quốc điện ảnh thành danh cả với phim thương mại và nghệ thuật.
Đạo diễn Trần Anh Hùng trong một lần về Việt Nam đã tâm sự: “Ngay bây giờ, Hùng nghĩ khó mà 20 năm nữa Việt Nam có những phim ăn khách như Hollywood. Điện ảnh Việt Nam nên đặt mục đích với những phim nghệ thuật, vì chỉ với dòng phim này mới có thể đi đến những LHP lớn và đại diện một cách xứng đáng cho điện ảnh Việt Nam”.
Khi các nghệ sĩ thành công với các giải thưởng uy tín, họ đã tạo ra một “quyền uy” nhất định với các nhà đầu tư. Không những thế, họ còn góp phần quan trọng quảng bá tên tuổi của quốc gia mình bởi thực tại cho thấy điện ảnh đang là một công cụ truyền thông không biên giới tốt nhất.