Con đường di sản văn hóa Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.
|
Và con người cũng dọn dẹp đống đổ vỡ của quá khứ theo nhiều mục đích khác nhau, chứ không hẳn chỉ để làm sống lại hình ảnh xưa cũ. Những thập kỷ hậu chiến chứng kiến sự song hành của hai quá trình – tái thiết và phát triển – nhiều khi triệt tiêu, nhiều khi cộng hưởng. Có những tòa nhà đổ bị dỡ bỏ hoàn toàn, nhiều tòa khác lại được bảo tồn; có tòa được phục chế, cũng có tòa được xây lại theo nguyên bản.
Riêng ở Dresden, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chính quyền muốn tạo ra diện mạo mới cho thành phố, biến đô thị phong kiến xứ Saxon thành trung tâm nghiên cứu công nghệ XHCN tầm cỡ của Đông Âu. Vào thời kỳ này, Dresden có may mắn hơn. Tuy một số ít nhà thờ, cung điện và nhà hát hoàng gia bị phá dỡ “để xóa đi hình ảnh một Dresden cổ lỗ và phù hoa”, rất nhiều công trình tuyệt đẹp đã lần lượt được khôi phục bằng tiền đầu tư của chính phủ, các nhà băng, các quỹ viện trợ từ nước ngoài hoặc các cá nhân hảo tâm. 180 triệu euro đã được bỏ ra để xây dựng lại nhà thờ Frauenkirche. Mái vòm Baroque cầu kỳ như nguyên bản của nó được cất nóc vào năm 2005, trước lễ kỷ niệm Dresden 800 năm. Trước khi nước Đức thống nhất, từng có kế hoạch chỉ giữ nguyên trạng nền nhà thờ cũ để làm chứng tích chiến tranh và để “răn đe những cuộc tàn phá trong tương lai”.
Ở những thành phố Đức khác mà tôi đã đi qua, như Frankfurt, Munich, Berlin, Aachen, các công trình kiến trúc thuộc hàng di sản văn hóa liên tục được sang sửa. Đâu đâu cũng ngổn ngang dàn giáo và cần cẩu. Những thanh chắn đường hay những tấm bạt phủ làm du khách nản lòng, vì không thể chụp được một tấm ảnh ưng ý. Sau nhiều năm ở tình trạng như vậy, Dresden giờ nom rất tươm tất. Giới chuyên môn cho rằng Dresden tỏ ra thành công nhất về chất lượng cũng như số lượng những tòa nhà cổ được bảo tồn, phục chế hay xây lại. Bất kỳ du khách nào cũng phải nín thở hay trầm trồ trước vẻ đẹp của thung lũng Elbe vừa cổ kính vừa hoang dã.
Muenzgasse, phố đi bộ nổi tiếng, mới được trùng tu, nối khu quảng trường nhà thờ với đại sảnh Elbe Terrace.
Một bức tranh cổ khuyết danh miêu tả quang cảnh Elbe Terrace, Đại sảnh bên bờ Elbe năm 1855.
Thực ra thì dự án xây cầu đã từng bị xếp xó cả trăm năm trước. Vừa mới được Hội đồng thành phố lôi ra phê duyệt đã bị UNESCO cho ngay một án treo kèm theo lời cảnh cáo “nếu tiếp tục xây sẽ tước danh hiệu di sản của Thung lũng”. Vì lời cảnh cáo này mà việc xây cầu đã bị đình chỉ vào năm 2006. Song số đông vẫn thấy nạn kẹt xe là đáng sợ hơn, như kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. Tranh luận tràn từ ngoài đường vào trong tòa án. Trong “một ngày buồn của nước Đức” (theo lời Phó Tổng thống đương nhiệm Bundestag), tòa án thành phố phán quyết cho tiếp tục dự án, bỏ qua kiến nghị với hơn 40 ngàn chữ kí (chỉ ít hơn số người tán thành việc xây cầu một chút). Thung lũng Elbe trở thành di sản UNESCO đầu tiên ở châu Âu và thứ hai trên toàn thế giới bị tước danh hiệu vào năm 2009.
Cầu Augustus, cây cầu cổ nhất trên sông Elbe
Câu chuyện của Dresden là câu chuyện muôn thuở trong thế giới hiện đại, khi lợi ích phát triển mâu thuẫn với việc gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hóa. Nhưng dù sao mặc lòng, thung lũng Elbe trong mắt tôi vẫn đẹp và nên thơ, kể cả khi cây cầu kia được hoàn tất. Và việc tái thiết Dresden vẫn là một kỳ công đáng nể phục. Phải có tình yêu, lòng quyết tâm, sự khôn ngoan và nỗ lực phi thường, người Đức mới làm được như vậy.
Bức tranh nổi tiếng trên tường mô tả đám rước các hoàng tử trên con đường sau cung điện và nhà thờ Hoàng gia Dresden.
Trời vẫn oi bức sau cơn mưa. Tôi nốc cạn li Rhabarbersaft (một loại rau chua ép), cũng là đặc sản của vùng. “Mình có bao giờ trăn trở về những gì đã xảy ra với ga Hàng Cỏ, tháp Rùa, Hoàng Thành, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên, đại nội Huế, phố cổ Hội An, hay những tòa nhà cổ của thành Gia Định, Sài Gòn, chợ Lớn xưa… như cách của những người Dresden chưa nhỉ”? Chị phục vụ có mái tóc bạch kim và đôi mắt nâu thẫm hóm hỉnh hỏi tôi có muốn uống thêm một li nữa không. Không biết tiếng Đức nên tôi không cảm nhận được giọng của chị khá “tỉnh lẻ”, như lời bạn tôi nhận xét. Giọng nói, đồ ăn thức uống, kiểu cách ăn mặc, tóc tai mỗi vùng một khác. Kiến trúc và cảnh vật cũng vậy. Không thể nói một cách hời hợt rằng châu Âu nhỏ và chỗ nào cũng na ná như nhau. Dresden là Dresden, dù ai đó có gọi đây là Florence trên sông Elbe.
Đứng giữa những tòa nhà được xây dựng lại giống như bức tranh năm 1855, thấy ngưỡng mộ dân Đức và hổ thẹn với thái độ thờ ơ trước di sản văn hóa của mình.
Ý nghĩ về sự thờ ơ vẫn dai dẳng khi tôi dạo bước qua sân Bảo tàng Giao thông. Bố tôi, một nhà khoa học giao thông vận tải, chắc đã từng vào đây nhiều lần trong thời gian làm luận án tiến sĩ ở Dresden. Có lẽ những ý tưởng về phát triển giao thông đô thị Việt Nam được manh nha từ những ngày ông sống ở đây, sau đó được trình bày một cách tâm huyết và cặn kẽ trong các cuốn sách và bài viết của mình. Nhưng tôi chưa từng lưu tâm đến những gì ông viết, chưa từng tham gia hay theo dõi một hội thảo nào về di sản văn hóa nhân dịp Sài Gòn 300 năm, Thăng Long – Hà Nội 1000 năm… Nếu ai cũng thờ ơ như tôi, không đóng góp gì cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nước mình, thì liệu kì tích có thể xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, như thành cổ Warszawa, liệu có được tái thiết như ngày nay không nhỉ? Câu hỏi dường như không ăn nhập gì với món thịt om và li nước ép rau chua Dresden, đưa hồi ức của tôi đến một thành phố khác vừa đi qua – một “nơi chốn kém may mắn của lịch sử”, bị phá hủy nặng nề nhất sau Thế chiến II.
Trước nhà thờ Hoàng gia được xây dựng lại, nếu không có chiếc xe điện thì giống như một đường phố thế kỷ 19.
Bài và ảnh: Lã Hoa