Thông qua đường dây nóng nhằm tố cáo những đối tượng quấy rối tại sự kiện cho đến tờ rơi kêu gọi những người tham gia cư xử đúng mực, bà Schiappa bày tỏ hy vọng có thể sử dụng sức nóng của Cannes để gây sức ép giúp chấm dứt tình trạng này.
Theo bà, ngành điện ảnh phải là một phần của giải pháp. Bộ trưởng Schiappa nhấn mạnh việc ban tổ chức Liên hoan phim Cannes quyết định tham gia chống lại nạn quấy rối tình dục nhằm vào các nữ diễn viên, nhân viên hay khán giả tại Liên hoan phim là một động thái chưa có tiền lệ và là một bước tiến lớn.
Trước đó, vụ bê bối lạm dụng và tấn công tình dục của nhà sản xuất điện ảnh Harvey Weinstein đối với hơn 100 phụ nữ trong 40 năm qua đã làm chấn động kinh đô điện ảnh Hollywood và thế giới.
Vụ việc đã châm ngòi cho làn sóng “Me too” (Tôi cũng vậy), trong đó các nạn nhân lên tiếng chia sẻ về câu chuyện của mình.
Năm nay, nhằm hưởng ứng Time’s Up – phong trào chống lại nạn xâm hại tình dục, các ngôi sao đã mặc đồ đen tại Giải thưởng Điện ảnh Viện hàm lâm Anh (BAFTA) và Quả cầu Vàng của Mỹ tại Los Angeles.
Liên hoan phim Cannes lần thứ 71 sẽ diễn ra vào ngày 8-19/5 tại thành phố cùng tên của nước Pháp.
Tháng 4 vừa qua, Quốc vụ khanh Schiappa đã khởi xướng một chiến dịch với các nhà tổ chức Liên hoan phim nhằm giải quyết nạn quấy rối tình dục. Các sáng kiến này bao gồm một đường dây nóng và tờ rơi về cách hành xử đúng mực và lời kêu gọi chấm dứt vấn nạn quấy rối với hashtag #nerienlaisserpasser (tạm dịch: Đừng bỏ qua bất cứ điều gì).
Tại Liên hoan phim Cannes 2018, nữ minh tinh Cate Blanchett, người đã tham gia chiến dịch Time’s Up, sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch ban giám khảo, trở thành người phụ nữ thứ 11 giữ cương vị này trong lịch sử Liên hoan phim Cannes.