Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 75 đã chính thức khai mạc vào ngày 13/02 vừa qua, quy tụ những tác phẩm điện ảnh xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Với dàn giám khảo danh tiếng, các bộ phim tranh giải đầy ấn tượng và những sự kiện đặc biệt, Berlinale 2025 được kỳ vọng sẽ mang đến một mùa điện ảnh sôi động, tôn vinh nghệ thuật và những câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn.
Liên hoan phim Berlin, hay còn được biết đến với tên gọi Berlinale, là một trong những sự kiện điện ảnh quan trọng và uy tín bậc nhất trên thế giới. Được thành lập vào năm 1951, chỉ sáu năm sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ Hai kết thúc, liên hoan phim này không chỉ là nơi tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc mà còn là diễn đàn để thảo luận về các vấn đề chính trị và xã hội nóng bỏng. Năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Berlinale – kỷ niệm 75 năm ngày thành lập. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Liên hoan phim Berlin 2025 là sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc và thái độ thù ghét người Do Thái. Ban tổ chức đã thể hiện tinh thần chống lại những hiện tượng tiêu cực này bằng nhiều hoạt động, trong đó có buổi chiếu đặc biệt bộ phim tài liệu “Shoah” của đạo diễn Claude Lanzmann.

“Shoah” là một tác phẩm điện ảnh đồ sộ và đầy xúc động, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1985. Bộ phim tài liệu này là kết quả của 12 năm miệt mài nghiên cứu và thực hiện của vị đạo diễn tài ba Claude Lanzmann. “Shoah” không đơn thuần tái hiện lại những hình ảnh về nạn diệt chủng người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai mà còn chứa đựng những câu chuyện, những lời chứng đầy ám ảnh từ các nạn nhân sống sót, những nhân chứng lịch sử và thậm chí cả những kẻ thủ ác. Với “Shoah”, Claude Lanzmann đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh có giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc, góp phần thức tỉnh lương tri của nhân loại về những tội ác khủng khiếp mà con người đã gây ra cho nhau.

Bên cạnh việc trình chiếu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc và khơi gợi những cuộc thảo luận sâu rộng về các vấn đề xã hội, Liên hoan phim Berlin 2025 còn đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ các phát ngôn, ngăn chặn những hành vi có thể bị xem là bài trừ người Do Thái. Tricia Tuttle – tân giám đốc nghệ thuật của liên hoan, đã nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không thể và không bao giờ trốn tránh chính trị, bởi đây là yếu tố đã ăn sâu vào ADN của thành phố Berlin và Liên hoan phim Berlin.” Bà cũng lưu ý rằng việc kiểm soát quá khắt khe các phát ngôn liên quan đến xung đột Israel – Palestine có thể gây khó khăn cho các nhà làm phim khi muốn tham gia liên hoan.
Liên hoan năm nay tiếp tục truyền thống với việc trình chiếu gần 250 bộ phim ở nhiều hạng mục khác nhau, trong số đó, 19 tác phẩm xuất sắc nhất sẽ tranh tài cho giải thưởng cao quý nhất – Gấu vàng. “Blue Moon” là một trong những bộ phim được giới mộ điệu đặc biệt mong chờ trong mùa liên hoan phim năm nay. Lấy bối cảnh trong đêm khai mạc vở nhạc kịch “Oklahoma!”, bộ phim có sự tham gia của hai ngôi sao điện ảnh hàng đầu là Ethan Hawke và Margaret Qualley. Với sự góp mặt của hai diễn viên tài năng này, “Blue Moon” được dự đoán là một trong những ứng cử viên nặng ký cho giải Gấu vàng danh giá. Đáng chú ý, tác phẩm cũng đánh dấu sự trở lại của đạo diễn nổi tiếng Richard Linklater tại Liên hoan phim Berlin kể từ khi bộ phim “Boyhood” của ông ra mắt tại đây vào năm 2014.

Không kém cạnh “Blue Moon”, “If I Had Legs I’d Kick You” của đạo diễn Mary Bronstein cũng là một tác phẩm đáng chú ý trong danh sách tranh giải năm nay. Bộ phim mang yếu tố hài – chính kịch đầy căng thẳng, xoay quanh câu chuyện về Linda (do Rose Byrne thủ vai), một người mẹ làm việc quá sức, luôn phải đối mặt với những người xung quanh vô tâm, từ đồng nghiệp đến gia đình. Mặc dù nội dung cụ thể của tác phẩm vẫn chưa được công bố, song với sự tham gia của dàn diễn viên tài năng như Rose Byrne, A$AP Rocky và Conan O’Brien, “If I Had Legs I’d Kick You” đã nhận được nhiều đánh giá tích cực sau buổi công chiếu tại Sundance trước khi gia nhập danh sách tranh giải LHP Berlin 2025.

Hay với “Dreams”, tác phẩm mới nhất của vị đạo diễn gốc Mexico – Michel Franco, lại tiếp tục mối quan hệ hợp tác thành công giữa ông và nữ diễn viên tài năng Jessica Chastain. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một vũ công ballet trẻ người Mexico (do Isaac Hernandez – một vũ công chuyên nghiệp ngoài đời thực thủ vai). Nhân vật của Chastain là một phụ nữ thuộc giới thượng lưu, người phát hiện ra rằng người tình trẻ tuổi của mình đã nhập cư trái phép đến San Francisco để theo đuổi cả cô và ước mơ khiêu vũ của mình. “Dreams” hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu sắc và những suy ngẫm về tình yêu, đam mê và những ranh giới mong manh giữa thực tế và ảo mộng.

Lọt thỏm giữa dàn biên kịch nam tài năng, “cây bút nữ” Rebecca Lenkiewicz cũng thu hút sự chú ý giới mộ điệu khi cho ra mắt tác phẩm đầu tay trong vai trò đạo diễn mang tên “Hot Milk”. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Deborah Levy, “Hot Milk” miêu tả chân thực chuyến hành trình của một cô gái trẻ đưa mẹ đến một thị trấn ven biển ở Tây Ban Nha để gặp một thầy lang với hy vọng chữa khỏi căn bệnh bí ẩn của bà. Tại đây, cô gặp gỡ một du khách phóng khoáng, người đã thay đổi cuộc sống của cô mãi mãi. “Hot Milk” được nhiều người mong chờ là một câu chuyện đầy cảm xúc về tình mẫu tử, sự trưởng thành và những khám phá về bản thân. Cùng với góp mặt của những tác phẩm đa dạng và đầy hứa hẹn như trên đã làm cho Liên hoan phim Berlin 2025 trở nên càng thêm phần hấp dẫn và đáng mong chờ.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, nữ diễn viên tài năng Tilda Swinton đã được vinh danh với giải thưởng Gấu Vàng danh dự, một ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn của bà cho ngành công nghiệp điện ảnh. Đạo diễn người Đức Edward Berger đã dành những lời ca ngợi đặc biệt cho Swinton, gọi bà là một “tâm hồn đẹp phi thường”. Trong bài phát biểu nhận giải, Swinton đã không ngần ngại lên án mạnh mẽ sự đàn áp của chính phủ và những vụ thảm sát đang diễn ra trên khắp thế giới. Bà cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện ảnh như một “lãnh địa không biên giới”, một công cụ mạnh mẽ để chống lại những hành động tàn ác và bất công.

Tilda Swinton luôn nổi bật với sự nghiệp cực kì phong phú, bà sở hữu đôi mắt biết diễn và khả năng hóa thân đa dạng qua nhiều thể loại phim và nhanh chóng khẳng định vị thế là một biểu tượng điện ảnh đương đại. Hành trình nghệ thuật của Swinton bắt đầu từ rất sớm, vào những năm 1980 khi hợp tác với đạo diễn người Anh Derek Jarman trong “Edward II” và “Caravaggio”. Kể từ đó, Tilda Swinton đã thể hiện tài năng xuất sắc của mình khi cân bằng một cách hài hòa giữa điện ảnh độc lập đầy thử thách và các bom tấn Hollywood. Bà tham gia vào các tác phẩm đa dạng như “The Beach” (2000) cùng Leonardo DiCaprio, “Vanilla Sky” (2001) với Tom Cruise hay thậm chí “Constantine” (2005) với Keanu Reeves. Sự nghiệp của bà chỉ thực sự vụt sáng vào năm 2008 với giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong “Michael Clayton” của Tony Gilroy.

Trong những năm gần đây, Swinton tiếp tục tỏa sáng dưới sự chỉ đạo của các đạo diễn danh tiếng như Wes Anderson (“Asteroid City”, 2023) và Pedro Almodóvar (“Room Next Door”, giải Sư Tử Vàng tại Venice, 2024). Liên hoan phim Berlin luôn đóng một vị trí đặc biệt đối với Tilda Swinton. Năm 1986, bà xuất hiện lần đầu tiên tại liên hoan với bộ phim “Caravaggio”, bộ phim đã mang về cho bà giải Gấu Bạc đầu tiên trong sự nghiệp. Năm nay, bà trở lại Berlin để nhận vinh dự cao quý nhất của lễ trao giải này. Giám đốc mới của Berlinale – Tricia Tuttle ca ngợi Tilda Swinton là một nghệ sĩ thể hiện “rất nhiều tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự thông minh, sự hài hước và phong cách trong cách diễn giải của cô ấy”.
Đảm nhận vai trò chủ tịch ban giám khảo năm nay là đạo diễn người Mỹ Todd Haynes, nổi tiếng với các tác phẩm như “Carol và Far from Heaven”. Cùng tham gia trong hội đồng giám khảo, nổi bật nhất là nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng, đánh dấu sự trở lại của cô trên sân khấu quốc tế sau thời gian vắng bóng. Phạm Băng Băng đã từng tham dự nhiều kỳ liên hoan phim Berlin trước đây và lần này cô xuất hiện với tư cách giám khảo, thể hiện sự chuyên nghiệp và tầm ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực điện ảnh.

Trong buổi khai mạc Liên hoan phim Berlin ngày 13.02, nữ minh tinh 43 tuổi đã thu hút mọi ánh nhìn khi xuất hiện trên thảm đỏ một chiếc váy trắng trễ vai mang đậm phong cách Trung Hoa, được thiết kế riêng bởi Christopher Bu. Chiếc váy độc đáo này được lấy cảm hứng từ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ thời Đường – Nguyên Chẩn: “Bất thị hoa trung thiên ái cúc – Thử hoa khai tận cánh vô hoa”. Nhà thiết kế đã khéo léo sử dụng hình ảnh hoa cúc trắng – biểu tượng của sự thanh khiết – làm họa tiết thêu chính trên thân áo. Mái tóc được buộc gọn gàng càng làm tôn lên vẻ đẹp quý phái và thanh lịch của cô. Điểm nhấn đặc biệt trên bộ trang phục là đôi khuyên tai ngọc lục bảo quý giá, càng làm tăng thêm vẻ sang trọng và quyến rũ cho nữ diễn viên.

Ngoài ra, ban giám khảo còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ và nhà làm phim uy tín khác, bao gồm đạo diễn người Đức Maria Schrader, được biết đến với phim “I’m Your Man”; đạo diễn người Pháp Nabil Ayouch, nổi tiếng với “Horses of God”; nhà thiết kế trang phục người Đức Bina Daigle, từng làm việc trong “Mulan”; đạo diễn người Argentina Rodrigo Morenovà nhà phê bình phim người Mỹ Amy Nicholson. Sự đa dạng trong thành phần ban giám khảo năm nay hứa hẹn mang đến những góc nhìn phong phú và công bằng trong việc đánh giá các tác phẩm tham gia tranh giải.
Mặc dù năm nay không có phim tranh giải, điện ảnh Việt Nam vẫn tự hào khi đạo diễn Phạm Ngọc Lân được mời làm một trong ba giám khảo của hạng mục phim ngắn tại Liên hoan phim Berlin 2025. Đây là lần đầu tiên một đạo diễn Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này tại Berlinale, đánh dấu một bước tiến đáng kể cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Được biết, Phạm Ngọc Lân, sinh năm 1986, anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đã theo học ngành Kiến trúc trước khi chuyển hướng sang điện ảnh. Anh là một gương mặt quen thuộc tại Liên hoan phim Berlin với nhiều phim ngắn gây tiếng vang lớn.

Vào tháng 2 năm 2024, bộ phim “Cu li không bao giờ khóc” của anh đã giành giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin, kèm theo giải thưởng trị giá 50.000 euro. Phạm Ngọc Lân được biết đến với phong cách làm phim độc đáo, phá vỡ lối kể chuyện truyền thống để theo đuổi một ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ và đầy sáng tạo. Tác phẩm nổi bật “Cu li không bao giờ khóc” của anh đã nhận được nhiều sự chú ý và đánh giá cao từ giới phê bình. Việc Phạm Ngọc Lân tham gia ban giám khảo tại một trong những liên hoan phim uy tín nhất thế giới không chỉ khẳng định tài năng cá nhân của anh mà còn góp phần nâng cao vị thế của điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế.