Lê Thu Hiền: “Không thích dùng từ “Từ thiện””

Nghề nghiệp: Nhà báo
Tuổi: 30
Đã có gia đình

Sale For Fun ra đời từ ý tưởng nào?

Tôi đã từng tổ chức 3 kỳ Garage Sale vì rất
mê hình thức này ở nước ngoài (đã rất phổ biến). Sau 3 lần này, tôi nảy ra ý
định Việt hóa (về cách tổ chức) nên đổi tên thành Sale For Fun. Tôi cũng đã đăng
ký bản quyền sở hữu tên Sale For Fun (SFF).

SFF, nếu hiểu đúng ra thì là “phi lợi nhuận”. Như thế có vẻ phi lý nhỉ?

Nhiều
người cũng thắc mắc: “Ủa, bán cho vui là bán làm sao?”. Tôi thì không thích cách
dịch 100% nghĩa đen như vậy. Hiểu như vầy nhé, đó là “Mua bán vui vẻ”. Vui là
concept chính.

Hàng hóa ở SFF là hàng người ta mua mà không cần đến nữa, hoặc vì lý do rất phụ
nữ là “hết thích rồi” nên họ muốn bán đi với giá rẻ hơn từ 20-80% giá gốc, còn
hơn là bỏ phí. Do vậy khi bán đi được, người bán sẽ vui. Người mua mua được món
hàng mình thích với giá hời, cũng vui. Rồi từ số tiền mua – bán được này, chúng
tôi trích ra làm những việc đem đến niềm vui cho những người kém may mắn hơn.
Những niềm vui cứ thế xoay vòng.

Nguyên tắc hoạt động của SFF là gì?

Làm sao để “chuyện 3 người” (người mua – người bán – người trung gian) đều vui vẻ là cái cuối cùng SFF hướng đến. Tất
nhiên, cũng không tránh khỏi một vài phiền toái. Phụ nữ là chúa rắc rối mà!

SFF có phải là một thứ rất đàn bà, chỉ có thể được nghĩ ra bởi những người đàn
bà?

Chính xác. Ở một nơi mà chỉ toàn phụ nữ gặp nhau thì còn gì khác ngoài mua sắm,
buôn chuyện, kết bạn? Mỗi lần “offline” lại có nhiều nhóm bạn mới. Họ đến SFF từ khoảng 9h, cùng ăn sáng, rồi mua sắm, ngắm hàng, rồi đi ăn trưa với nhau, sau
đó lại cùng đi spa hoặc cà phê. Đàn bà gặp nhau chẳng bao giờ hết chuyện.

Quỹ SFF thường hướng tới đối tượng phụ nữ? Tiêu chí là gì?

Qũy SFF ưu tiên đối tượng phụ nữ có tinh thần cầu tiến, hiếu học, hoàn cảnh khó
khăn. Tôi quan niệm rằng, chỉ có con đường học hành mới có thể thay đổi cuộc
sống một cách ổn định và lâu dài.

Đây được coi là một hoạt động từ thiện, hay chia sẻ cộng đồng, hay “khuấy động
phong trào”?

Tôi không thích dùng từ “từ thiện”. Tôi và các bạn tôi đang bằng những việc làm
rất nhỏ để chia sẻ cùng các bạn khác kém may mắn hơn. Chúng tôi không thích làm
ồn ào nên chắc là cũng không đủ sức “khuấy động”, nhưng “lan tỏa” thì, hy vọng thế.

Đứng trên quan điểm một nhà báo, chị thấy làm phụ nữ có khổ không?

Có. Vì họ
đang phải phân thân làm rất nhiều thứ và cái khổ nhất là làm thế nào để tự mình cảm thấy hạnh phúc theo cách
của mình.

Đứng trên quan điểm một người phụ nữ, chị cho rằng làm báo có khổ không?

Không. Phụ nữ thường hay không bằng lòng với những gì mình đang có. Đặc biệt là
khi đã có chồng, họ thường tiếc nuối “giá mà mình được làm cái này, cái kia…”.
Nhưng nghề báo là nghề tạo điều kiện cho phụ nữ được sống những cuộc đời khác trong nhiều khoảnh khắc khác nhau.

Màu son yêu thích của chị?

Hện tại là đỏ và hồng sen.

Chị thích túi hay giày hơn?

Haha, câu hỏi giống như mang giày chân nào trước. Rất tùy hứng. Túi và giày
không bao giờ là đủ với phụ nữ. Ở thời điểm chị đang hỏi, tôi thích giày hơn.

Chị thích ô tô hay xe máy hơn?

Xe máy. Vì nó giúp tôi chủ động và năng động hơn.

Mở Đẹp ra, chị sẽ đọc mục nào đầu tiên?

Lại hỏi khó nữa rồi. Khi gặp một người đẹp, người ta khó có thể trả lời ngay là
thích điểm gì nhất ở người đó. Tôi thường lật từ sau ra trước, xem có những gì, rồi thấy mục nào có hình ảnh đẹp thì tôi đọc
mục đó trước tiên.

Photo: Khoa Đỗ


 


From the same category