Hà Nội những ngày cuối tháng 7 như càng “nóng” hơn khi diễn ra Lễ trao giải Cúp Vàng Thương hiệu và Nhãn hiệu lần thứ II, Cúp vàng Doanh nhân tâm tài lần thứ I. Cũng ở đây, Lê Thị Mỹ Dung đã giơ cao chiếc cúp vàng dành cho Thương hiệu Sea Horse Resort. Nói đến chị, người ta còn biết đến thương hiệu kem nổi tiếng đã được “phủ” khắp nơi là Nelly.
Có điều, ít ai biết được một trong bốn cổ đông của Sea Horse và chủ của Nelly đã bước vào thương trường như một “tờ giấy trắng” với một “vết thương” mà mọi bác sĩ đều… bó tay!
Lê Thị Mỹ Dung lấy chồng năm 22 tuổi. Chị may mắn được làm dâu trong một gia đình thuộc giới kỹ nghệ được coi là giàu nhất Việt Nam trước giải phóng, và may mắn hơn khi chồng là người học cao, tài giỏi và yêu thương vợ.
Sau khi lấy chồng, Mỹ Dung theo gia đình sang Pháp, rồi qua Mỹ, với một đời sống rất thoải mái về vật chất và chỉ phải lo bổn phận làm dâu – nghĩa là hoàn thành vai trò của người nội trợ – còn cuộc sống bên ngoài diễn tiến như thế nào, chị không biết, cũng không quan tâm.
Mỹ Dung đã sống cuộc sống đó trong 27 năm, và cũng là 27 năm hạnh phúc của chị. Sau đó chị theo gia đình về Việt Nam. Bốn năm sau Mỹ Dung không còn là mệnh phụ phu nhân, chị bắt đầu làm lại từ đầu…
Đã giữ được hạnh phúc trong 27 năm, tại sao chị không thể tiếp tục?
Tại tôi chưa có… kinh nghiệm! Tôi đã có 27 năm rất ngây thơ trong vấn đề đời sống gia đình. Điều này cũng dễ hiểu, vì tôi sống trong một gia đình hạnh phúc, chồng lúc nào cũng tốt với mình, nên tôi thần tượng hóa chồng và lý tưởng hóa cuộc sống của mình. Tôi không nghĩ tới những sóng gió có thể xảy ra.
Hơn nữa, ra nước ngoài khi còn trẻ, cuộc đời chỉ biết có chồng, nên tôi đâu có biết gì về đàn ông. Rồi những chuyện không hay xảy ra, vượt quá giới hạn chịu đựng, tôi đành phải chọn con đường chia tay và giữ tình cảm tốt đẹp hơn là kéo dài sự chịu đựng của mình!
Chị đã “đứng” như thế nào sau cú dội ngược của số phận?
Đó là thời điểm kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Khi lấy chồng, tôi rất vô tư, tiền bạc chồng lo hết, mình không bao giờ nghĩ đến nó, mà chỉ lo việc nội trợ, nên sau khi chia tay, tôi bị xuống dốc về tinh thần lẫn vật chất, nên không thể tránh khỏi cảm giác suy sụp.
Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi nghĩ đến cha mẹ và con gái của mình. Hai động lực đó đã biến tôi thành người mạnh mẽ.
Tôi biết rằng, nếu mình chết sẽ làm gia đình đau buồn, các con không có nơi nương tựa. Trong khi tôi có hai bàn tay, có sức khỏe, nên có thể gạt đắng cay sang một bên và làm việc để sống.
Từ bà nội trợ bước vào thương trường trong thế hoàn toàn bị động. Đó là mục đích của cái đầu tỉnh táo, hay bước đi vô tình của số phận?
Điểm mạnh của tôi là biết chấp nhận hoàn cảnh và thích nghi được mọi sự thay đổi. Trong lúc cùng cực nhất, tôi đi thăm những người nghèo khổ trong các trại từ thiện và quan sát những người lam lũ xung quanh mình.
Nhìn họ, tôi thấy mình là người may mắn, tại sao phải bi quan? Tự nhiên tôi lấy lại niềm tin. Tôi quyết tâm không cho phép mình nghèo, nên chọn con đường kinh doanh.
Kinh doanh vốn có sự lạnh lùng và khắc nghiệt của nó, nếu chỉ có lý tưởng thì khó có thể thành công, thậm chí bị “ăn đòn đủ”?
Thật ra, trong thời gian sống chung, chồng có chu cấp tiền, nhưng tôi không đụng vào số tiền đó. Khi tiền đẻ ra tiền mình mới dám xài, nên tôi dùng nó cho công việc kinh doanh của mình. Chứ muốn thoát khỏi cảnh nghèo mà chỉ có hai bàn tay trắng thì khó rồi.
Hơn nữa, bao giờ trong cái không may cũng có cái may, nếu có nghị lực và biết cách vươn lên, mình sẽ trở thành một người mới và thành công. Với những phụ nữ tôi biết, những khổ sở riêng luôn làm người ta thành công. Bởi sức mạnh không tồn tại hằng ngày, nó chỉ xuất hiện khi khó khăn.
Sau cơn đắng cay chị tìm đến những sản phẩm ngọt ngào?
Tôi may mắn gặp được những người bạn tốt. Họ ở nước ngoài qua Việt Nam, trong lúc dẫn đi chơi, những người bạn đó hỏi ở Việt Nam có kem ngon chưa? Họ gợi ý làm kem và sẵn sàng giúp tôi về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm. Đó là cơ hội tốt, dù lúc đó tôi chưa biết gì về kem.
Được sự hỗ trợ vốn của họ, tôi qua Ý học về công nghệ làm kem. Về nước, tôi tự chạy Honda đi gõ cửa từng khách hàng, chào mời, làm sao để khách thử kem của mình và chấp nhận ăn kem của tôi. Những tháng đầu, mỗi ngày chỉ bán được 3kg kem, nhưng tôi vui lắm. Tôi chấp nhận vất vả, lời ít, miễn là mọi người lựa chọn kem của mình.
Chị phát triển Nelly thành thương hiệu như thế nào?
Tôi không bán mà xin ký gửi ở các cửa hiệu, khi nào họ bán được tôi mới lấy tiền. Trong quá trình đó, tôi cũng gặp nhiều khách hàng không có uy tín, nên quyết định ra mở tiệm. Từ tiệm của mình mới ra được tiếng tăm.
Nhưng trên hết, tôi hiểu được một điều quan trọng: trong thương trường không cầu tiến sẽ bị loại. Trước đây, tôi làm trong phạm vi, khả năng của mình, miễn có cuộc sống ổn định, và những người xung quanh có việc làm tốt.
Nhưng sau khi công việc phát triển, kem nước ngoài vào Việt Nam, diễn ra cảnh cá lớn nuốt cá bé, thì Nelly buộc phải đứng vững trên thị trường. Muốn vậy, tôi phải luôn tôn trọng, chăm sóc khách hàng và giữ vững lập trường của mình: kem ngon, nguyên chất và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm. Tôi chấp nhận lấy công làm lời.
Cũng hay là ngay khi bắt đầu làm kem, tôi đã nhắm đến khách hàng Việt Nam, và không muốn chỉ con nhà giàu mới được ăn kem, mà mọi người với mọi túi tiền đều có thể thưởng thức kem ngon. Chính mục tiêu đã đó giúp kem của tôi tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
Bên cạnh thương hiệu Nelly, chị còn là một trong những cổ đông của Sea Horse Resort. Điều đáng nói là Sea Horse được đầu tư từ khi ở Việt Nam chưa có một thị trường resort đúng nghĩa?
Tôi không dám nói gì hơn là ông trời rất công bằng! Quê tôi ở Phan Thiết, sau khi chia tay chồng, có một chút tiền trong tay, tôi mua đất để dành. Lúc đó giấc mơ của tôi nhỏ lắm: mình không có nhiều tiền, nên mua một mảnh đất, khi nào có tiền thì xây một cái nhà ở biển.
Bởi tôi thấy ở Pháp, chỉ những triệu phú mới có nhà ở biển. Mà quê nhà tôi, biển rất đẹp, đất lại hoang sơ. Tôi ước ao một ngôi nhà sẽ mọc lên ở đó, rồi mười anh chị em trong gia đình về quây quần cho vui.
Mua xong, tôi để đó và quên đi, mà tôi quên thật! Rồi Mũi Né phát triển mạnh, tôi và chị gái không đủ tài chính, nên rủ bạn gái và cháu của tôi ở Mỹ chung vốn. Ngày xưa ở nước ngoài tôi rất nhớ quê hương, giờ đây tôi đem tâm trạng đó vào trong kiến trúc của Sea Horse.
Trong thời gian đầu, bốn người đàn bà cùng quản lý. Khi Sea Horse ổn định, chúng tôi quyết định tìm người chuyên nghiệp để làm tốt hơn, nên bây giờ tôi chỉ là cổ đông, còn Tổng giám đốc là người khác.
Bôn ba trong thương trường, chị có thấy cô đơn? Nếu có lựa chọn, thì giữa một chủ nhãn hiệu kem nổi tiếng, cổ đông của Sea Horse và một bà nội trợ hạnh phúc, chị sẽ chọn vị trí nào?
Sâu thẳm trong lòng, tôi muốn sống cho gia đình hơn. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, tôi vẫn phải bước vào kinh doanh. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn luôn làm việc và không cho mình có thời gian rảnh rỗi để buồn phiền.
Bởi nỗi buồn chỉ xuất hiện khi mình có thời gian cho nó. Còn nếu đánh đổi để có hạnh phúc gia đình, tôi sẵn sàng, vì tôi đâu có cần tiền nhiều nữa!
Dương Thúy |