Lê Quang Liêm – “Chiến binh Sparta trên bàn cờ chớp”

Báo chí Việt Nam coi anh như một anh hùng trong khi truyền thông Nga đã ví anh như một chiến sĩ Sparta, tức là một người phải chiến đấu trong sự thất thế về mọi mặt. Muốn hay không muốn, khoảng thời gian bình lặng của Liêm đã kết thúc!

 

Phải mất khá lâu sau khi trở về Việt Nam, chúng tôi mới có dịp trò chuyện và hỏi han về những dự định tương lai của anh. Gương mặt già dặn thấy rõ so với một chàng trai sinh năm 1991, thêm chút u sầu vì ông ngoại vừa qua đời, chút mệt mỏi vì phải nhanh chóng bổ túc hồ sơ du học cùng một núi những lịch hẹn, nhưng ánh mắt chàng trai trẻ lại sáng lên khi câu chuyện được mở đầu với chủ đề là cờ, niềm đam mê của cả đời anh.

– Bây giờ thành VIP rồi, gặp nhau khó nhỉ?

– Trước tiên em gửi lời xin lỗi anh về sự chậm trễ trong việc trả lời cuộc phỏng vấn này. Sau khi trở về từ giải đấu ở Nga, do có việc nhà (ông ngoại em vừa mất) cùng với việc phải chuẩn bị gấp hồ sơ du học (em sắp đi Mỹ học từ giữa tháng 8 theo chương trình học bổng toàn phần của trường đại học Webster) nên thời gian qua em thật sự khá bận. Nếu trả lời sơ sài thì lại không đáp ứng được yêu cầu của tạp chí, nên bất đắc dĩ đành phải hoãn lại ít lâu.

– Vậy khởi đầu ngay bằng cờ nhé. Người Việt Nam mê bóng đá nên chưa biết nhiều lắm về môn cờ. Em có thể nói sơ qua tầm vóc của cuộc thi mà em vừa tham gia, cả tổng thể lẫn chi tiết về bộ môn cờ chớp?

– Cờ vua có 3 thể loại chính: cờ tiêu chuẩn (còn được gọi là cờ chậm hoặc cờ truyến thống), cờ nhanh và cờ chớp. Ba thể loại này phân biệt nhau ở mức thời gian quy định dành cho mỗi ván cờ: trong cờ tiêu chuẩn mỗi đối thủ thường có thời gian suy nghĩ là 2 tiếng, cờ nhanh mỗi người thường có khoảng 30 phút, cờ chớp mỗi bên thường có khoảng 5 phút thôi. Thời gian quy định này có nghĩa là trong mỗi ván cờ anh được dùng tổng thời gian là bao nhiêu, tuỳ anh phân phối cho mỗi nước đi, có thể có nước nghĩ nhanh, nghĩ chậm, nhưng nếu để hết thời gian cho phép suy nghĩ của mình thì bị xử thua. Khi thi đấu người ta sẽ có một thiết bị chuyên dụng gọi là đồng hồ thi đấu dùng để ghi lại thời gian. Đồng hồ này có 2 mặt số, khi một đối thủ đi xong phải bấm đồng hồ, thời gian của mình sẽ dừng lại và thời gian suy nghĩ của đối phương sẽ bắt đầu được đếm ngược.

Như vậy, có thể thấy rằng cờ chớp được thi đấu với tốc độ rất nhanh (mỗi ván tối đa 10 phút). Nhịp độ trận đấu cao đòi hỏi các kỳ thủ phải suy nghĩ, tính toán và ra quyết định trong thời gian ngắn, chính vì thế nên khả năng mắc sai lầm cao hơn cờ tiêu chuẩn và cờ nhanh. Nội dung cờ chớp từ trước đến nay được tổ chức ít hơn cờ tiêu chuẩn trong các giải đấu chính thức, mà chủ yếu được chơi trong các trận giao hữu hoặc chơi trên mạng. Tuy chất lượng cờ nhanh và cờ chớp không bằng cờ tiêu chuẩn nhưng hình thức này đối với khán giả là rất hấp dẫn. Từ năm ngoái, FIDE (Liên đoàn cờ vua thế giới) đã đưa cờ nhanh và cờ chớp thành một hệ thống giải chính quy qua việc tổ chức giải Vô địch cờ nhanh và cờ chớp thế giới. Người thắng giải này sẽ được FIDE phong là nhà vô địch thế giới cờ nhanh (cờ chớp), và đây cũng là danh hiệu cao nhất mà một kỳ thủ có thể đạt được.

Để chơi tốt cờ chớp, nhìn chung cần có sự tập luyện và làm quen để bắt kịp nhịp độ trận đấu. Người chơi cờ tiêu chuẩn giỏi thường cũng sẽ chơi giỏi cờ chớp. Tuy nhiên trong cờ chớp thì tính may rủi cao hơn cờ tiêu chuẩn và khoảng cách trình độ giữa các đối thủ cũng được thu hẹp hơn. Hiện nay FIDE chỉ mới công bố bản xếp hạng các kỳ thủ trên thế giới dựa trên Elo cờ tiêu chuẩn. Đại kiện tướng số 1 thế giới hiện nay là Magnus Carlsen (Na Uy).

– Em và Trường Sơn quyết định hòa để duy trì thể lực? Cái thể lực mà em nói cụ thể là gì?

– Nội dung cờ chớp vừa qua được tổ chức thành 30 ván trong 2 ngày, mỗi ngày thi đấu 15 ván. Thời gian thi đấu kéo dài liên tục từ 3h chiều đến hơn 8h tối nên cũng khá căng thẳng. Do nhịp độ trận đấu rất nhanh nên nếu chỉ cần một phút giây mất tập trung hoặc mệt mỏi thì sẽ dễ dàng thua cuộc và có thể dẫn đến hiệu ứng dây chuyền cho những ván đấu sau.

Tại thời điểm em thi đấu với Trường Sơn, cả 2 đều đang cùng dẫn đầu và có cơ hội tốt. Thực tế trận đấu cũng diễn biến khá cân bằng. Biết rằng đánh tiếp thì khả năng lớn cũng hoà nên em và Sơn chủ động hoà sớm để có thời gian phục hồi cho những trận đấu kế tiếp.

– Nhiều người vẫn không chấp nhận xếp cờ vào môn thể thao? Quan điểm của em là gì?

– Theo em, cờ vua là sự kết hợp giữa thể thao và khoa học. Cờ vua rõ ràng không phải là một trò chơi may rủi mà đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc, cập nhật liên tục về lý thuyết, sáng tạo ra những ý tưởng mới. Đây là một quá trình làm việc trí tuệ rất nghiêm túc và lâu dài. Bên cạnh đó, thi đấu cờ vua có tính chất đối kháng như những môn thể thao khác.

Có những ván cờ kéo dài 7-8 tiếng, mỗi giải cờ thường diễn ra liên tục trong khoảng 2 tuần nên mỗi kỳ thủ đều phải tập luyện thể lực để có đủ sức bền theo suốt thời gian thi đấu. Trong các ván cờ, mỗi kỳ thủ đều có thể sai sót. Vì vậy, ai biết nắm bắt thời cơ và khai thác tốt sai lầm của đối phương cũng như hạn chế lỗi của mình sẽ là người có cơ hội cao hơn.

– Trong những môn thể thao, tập luyện để tăng thể lực sự dẻo dai, kinh nghiệm lâm trận. Còn trong môn cờ của em, tập luyện cụ thể là tập gì?

– Một ván cờ thường chia làm 3 giai đoạn: khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc. Việc tập luyện cờ phải bao gồm tất cả mọi lĩnh vực này: nghiên cứu các cách ra quân trong khai cuộc (có rất rất nhiều dạng), nắm vững các loại thế trận, biết lập kế hoạch phù hợp với từng loại thế trận, nắm bắt được những nguyên lý và ứng dụng chúng trong thực tế…

Nói chung kiến thức cờ vua là vô tận và thay đổi hàng ngày nên mỗi kỳ thủ đều phải tập luyện thường xuyên mới tiến bộ được. Kỳ thủ thường đạt đỉnh cao nhất trong sự nghiệp ở lứa tuổi từ 30 đến 40. Nếu em tiếp tục làm việc nghiêm túc như thời gian qua thì chắc chắn sẽ còn có những thành tích tốt hơn.

– Vô địch thế giới đã là đỉnh cao của cờ vua Việt Nam và của cả thể thao Việt Nam nói chung. Vậy sau cái đỉnh cao ấy là gì?

– Vô địch thế giới chắc chắn là danh hiệu cao nhất mà một vận động viên có thể đạt được. Riêng đối với cờ vua, như đã nói ở trên, nội dung cờ tiêu chuẩn vẫn là căn cứ chính để xếp hạng các kỳ thủ trên thế giới và được xem là nội dung chính thống, có giá trị cao hơn nội dung cờ chớp. Vì vậy, mục tiêu tiếp theo em hướng đến là chinh phục chức vô địch thế giới nội dung cờ tiêu chuẩn. Điều này sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với thành tích em đạt được ở nội dung cờ chớp vừa qua. Có thể sẽ phải mất rất nhiều năm nữa, nhưng đây cũng là giấc mơ lớn nhất từ khi em bắt đầu chơi cờ đến nay.

– Nhiều người đã gọi em là người hùng quốc gia? Em đón nhận sự vinh danh này thế nào?

– Em rất vui vì đã có sự đóng góp cho cờ vua VN nói riêng và thể thao VN nói chung, đồng thời cũng muốn cảm ơn những người đã luôn ủng hộ và động viên mình. Em không quá quan trọng việc có được xem là “người hùng” hay không, vì em muốn chú tâm hơn vào những mục tiêu tiếp theo. Trong thể thao, sau khi đạt được một thành tích, vận động viên cần đặt ra những mục tiêu cao hơn nữa để phấn đấu chứ không nên chỉ nhìn về quá khứ.

– Trong một ván cờ, đi sai một nước có khi là bại cả trận. Trong ván cờ cuộc đời, em đã đi sai một nước nào chưa?

– Em quan niệm rằng ở cuộc đời, trong cái rủi biết đâu lại có cái may, vì vậy có lẽ bây giờ là quá sớm để nhận định rằng mình có đi sai nước nào không. Những quyết định, lựa chọn của mình trong thời gian này, có thể phải chục năm nữa mới có thể nhìn lại và đánh giá được. (cười)

– Thần tượng của em, trong bộ môn cờ và trong toàn bộ cuộc sống?

– Trong cờ vua, em ngưỡng mộ nhất là nhà cựu vô địch thế giới người Nga Garry Kasparov và đương kim vô địch người Ấn Độ Viswanathan Anand. Đây là 2 người có lối chơi rất toàn diện, em học hỏi được nhiều điều từ những ván đấu của họ. Trong cuộc sống, ba mẹ là người luôn gắn bó và ủng hộ em. Em xem ba mẹ mình là tấm gương để học theo.

– Một tờ báo Nga sau chức vô địch thế giới đã gọi Liêm là chiến binh Sparta, tức là một người phải chiến đấu trong sự thất thế về mọi mặt, em nghĩ gì về sự so sánh ấy? Em đã xem bộ phim “300” chưa?

– Em chưa xem bộ phim này. Khi nào có dịp chắc chắn em sẽ xem. Có lẽ sự so sánh ấy đến từ thực tế rằng giải đấu vừa rồi tổ chức tại Nga, số lượng kỳ thủ Nga tham dự là rất lớn và có trình độ cao. Họ vừa quen điều kiện khí hậu, thời tiết, vừa có nhiều kinh nghiệm về thể loại cờ chớp nên ai cũng nghĩ rằng chức vô địch khó thoát khỏi tay các kỳ thủ Nga. Tuy vậy, em đã chứng minh được rằng với sự chuẩn bị tốt và phong độ cao thì không gì là không thể thực hiện được.

– Em sẽ sang Mỹ du học. Chính xác là tháng mấy, học gì và sự nghiệp đang lên có chững lại không?

– Em sẽ sang Mỹ cuối tháng 8, học tại trường Đại học Webster – thành phố St. Louis, bang Missouri – ngành Tài chính. Trường Webster hiện nay có đội cờ vua hàng đầu nước Mỹ với 5-6 đại kiện tướng đang theo học. Em chọn trường này vì đây sẽ là môi trường tốt để cân đối cả việc học và tập luyện cờ vua. Ngoài giờ học ra, em vẫn sẽ có nhiều thời gian rảnh để nghiên cứu cờ và có các đối thủ xứng tầm để tập luyện. Có lẽ em sẽ phải giảm bớt một ít số lượng các giải thi đấu để phù hợp với lịch học, nhưng nếu mình thi đấu hiệu quả thì vẫn sẽ có sự thăng tiến trong bảng xếp hạng thế giới.

– Mọi người xem cờ là trò chơi sau những giờ làm việc. Còn em đánh cờ lại gần như là một nghề nghiệp. Vậy thời gian rảnh em làm gì?

– Ngoài cờ vua ra, thời gian rảnh em còn chơi một số môn thể thao khác như chạy bộ, cầu lông, bơi lội… chủ yếu để rèn luyện sức khoẻ. Em cũng thích đọc sách (truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, một số tiểu thuyết nước ngoài được dịch ra tiếng Việt như “Harry Potter”, sách “Đắc nhân tâm” hay “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”…), xem phim (các thể loại phim hành động, phim hài), nhạc thì chủ yếu em nghe các bài nhạc trẻ Việt Nam.

– Một ngày của nhà vô địch thế giới cờ chớp thế giới như thế nào?

– Hiện nay em vẫn dành thời gian cho việc học (em vẫn đang là sinh viên của trường Đại học Sài Gòn), học tiếng Anh để chuẩn bị cho chuyến du học sắp tới. Mỗi ngày em dành khoảng 3-4 tiếng cho việc tập luyện cờ (trước những giải đấu lớn sẽ phải tập với cường độ cao hơn, có thể lên đến 8-10 tiếng). Thời gian còn lại em dành cho gia đình và những sở thích cá nhân.

– Có 2 nhận định như sau: những người đánh cờ không mạnh mẽ và để đánh cờ hay thì phải… khùng khùng. Liêm phản biện như thế nào?

– Em không đồng ý với cả 2 nhận định trên. Theo em, việc chơi cờ vua có thể rèn luyện cho người ta một số phẩm chất nhất định như khả năng tập trung, kiên nhẫn, khả năng quyết đoán khi ra quyết định, phân tích tình huống và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Những phẩm chất này không chỉ cần thiết cho cờ vua mà còn cho cuộc sống nói chung. Những người chơi cờ giỏi là những người có “thần kinh thép”, họ luôn làm chủ được cảm xúc của mình và có khát vọng cao. Đa số những kỳ thủ hàng đầu thế giới hiện nay đều rất thành công trong cuộc sống, nhiều người cũng tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…

– Với một món tiền thưởng cũng thuộc hàng kỷ lục (40.000 USD cũng những khoản thưởng khác), em dự định làm gì?

– Từ trước đến nay, em vẫn luôn dùng một phần tiền thưởng của mình để tái đầu tư cho cờ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn (chi phí cho các giải đấu quốc tế, mời chuyên gia nước ngoài làm việc riêng…). Phần còn lại em sẽ để dành cho những dự định tương lai của mình.

– Không ai che giấu bản thân mình được khi đánh cờ. Vậy con người của em trên cuộc cờ và cuộc đời là như thế nào?

– Cờ vua đã tập cho em có sự điềm tĩnh, phân tích sự việc cẩn thận theo nhiều hướng khác nhau để có đánh giá và quyết định sáng suốt. Hi vọng rằng những điều đó cũng sẽ giúp ích cho em ở những lựa chọn sau này trong cuộc sống.

– Trong bàn cờ, con hậu là mạnh nhất, muốn đi đâu đi, ngang dọc chéo này nọ trong khi con vua thì hết sức vô dụng và cần phải bảo vệ. Em có sự liên hệ gì với cuộc sống không?

– Quân vua tuy chỉ đi được một ô nhưng lại là quân đóng vai trò quan trọng nhất trên bàn cờ. Trong nhiều tình huống ở tàn cuộc, quân vua lại có thể xông pha ra chiến trận và quyết định cuộc chơi. Qua đó, ta thấy rằng mỗi quân cờ đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng chứ không hoàn hảo. Người chơi cờ hay là người biết sử dụng tốt nhất giá trị của mỗi quân cờ trong những thời điểm thích hợp để phát huy hiệu quả cao nhất. Trong cuộc sống cũng vậy, với mỗi tình huống ta đều phải có lựa chọn phù hợp – dùng cách nào trong hoàn cảnh nào – để đạt mục tiêu của mình. Em thấy cờ vua có thể liên hệ với kinh doanh thì hợp lý hơn (cười).

 

 Text: Minh Tran
Photo: Tuan.Fr

Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category