Lê Quang Đỉnh: góc nhìn khác về cuộc chiến - Tạp chí Đẹp

Lê Quang Đỉnh: góc nhìn khác về cuộc chiến

Sao

Với tác phẩm sắp đặt tranh – video “Ánh sáng và niềm tin: Tiếng nói và kí họa cuộc sống trong thời chiến” (Light and Belief: Voices and Sketches of Life from the Vietnam War), anh đã cho thế giới thấy một góc nhìn không đẫm máu cũng như cảm xúc sáng tạo của những nghệ sĩ kháng chiến khi phải đối mặt với hiện thực tàn bạo của chiến tranh.

Lê Quang Đỉnh tại dOCUMENTA (13)

Đến với nhiếp ảnh vì muốn… kiếm tiền

Chúng ta hãy bắt đầu cuộc nói chuyện với giai đoạn đầu tiên anh tiếp cận nghệ thuật. Điều gì đã hướng anh lựa chọn con đường này?

– Tôi theo gia đình sang định cư ở Mỹ từ năm 1978. Vào đại học, thực ra lúc đầu tôi chọn ngành khoa học máy tính đó chứ! Bởi nghề kĩ sư thì ổn định thu nhập. Nhưng học một hồi, tôi thấy chán quá, nên sang mấy lớp nghệ thuật trong trường học thử thì lại rất thích. Thế là tới năm thứ ba, tôi chuyển hẳn ngành học. Hồi ở trường phổ thông, tôi có tham gia lớp nhiếp ảnh cũng thấy hay, nhưng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ thành cái nghiệp của đời mình.

Có phải quyết định của anh đi từ niềm khao khát muốn thông qua hình ảnh để truy tìm lại gốc gác, quá khứ, lịch sử?

Niềm khao khát truy nguyên đến sau. Tôi đến với nhiếp ảnh đầu tiên là vì tính tức thì và tiện lợi của nó, vì lúc trẻ tôi vẫn cưỡng lại suy nghĩ muốn trở thành nghệ sĩ. Là nhiếp ảnh gia, tôi nghĩ có thể nhận các công việc mang tính thương mại để kiếm sống. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy có khi tôi đã tự dối mình (cười). Nếu đi sâu vào nhiếp ảnh, tôi không giỏi về kỹ thuật lắm. Tôi quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh và ý nghĩa của nó, đến việc làm sao một hình ảnh được tạo dựng lên.

Và mối quan tâm đó đã đưa anh tới New York để học tiếp tại Trường nghệ thuật thị giác (School of Visual Arts)?

– Khi tôi học ở Santa Barbara, mọi thứ chỉ mới ở mức căn bản, tổng quát. Tôi muốn được đào tạo chuyên tu hơn, nên quyết định chuyển sang New York học cao học về nhiếp ảnh. Vào thời điểm đầu những năm 90, lần đầu tiên, nhiếp ảnh được công nhận là một phần của thế giới mỹ thuật. Có cả một luồng gió mới với các nhiếp ảnh gia như vậy vào khoảng thập niên tám mươi tới quãng chín mươi mấy khi tôi tới New York. Những nghệ sĩ này sử dụng nhiếp ảnh rất khác so với trước trong cách tạo dựng hay tách rời hình ảnh. Họ đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất của  phương tiện nhiếp ảnh. Tôi đặc biệt chú ý đến phong trào này.

Mỗi lần nhìn một hình ảnh bất kì, tôi cố tìm hiểu văn cảnh của nó: Nó ra đời thế nào, văn cảnh đưa vào có ý nghĩa gì và được tạo dựng ra sao. Tất cả những điều ấy khiến tôi say mê nhiếp ảnh. Tôi không tìm kiếm khoảnh khắc hoàn hảo để chụp, mà bóc tách cái giây phút hoàn hảo đó ra và chất vấn nó.

 

Một tác phẩm trong bộ “ảnh đan-lát” nổi tiếng đầu tiên của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh: “Cảnh tượng đêm” (“Trận sa lầy này”) 

Nhưng trong nhiều tác phẩm sau này của anh, điều đáng chú ý là anh không chỉ làm việc trên mặt phẳng hai chiều của nhiếp ảnh hay phim, mà còn chứa một vật thể nằm giữa không gian ba chiều. Chẳng hạn, tác phẩm “Người nông dân và máy bay trực thăng” (The Farmers and The Helicopters) gồm một sắp đặt ba kênh video và một vật thể, một chiếc trực thăng, do hai nông dân Việt Nam làm ra. Nó tạo cho người xem một chuỗi nhận thức song song – mang tính biện chứng. Trong lúc vừa xem phim, họ vừa phải đối mặt với một thực thể trong phòng triển lãm.

Tôi có nói chuyện với nhiều người về tác phẩm “Người nông dân và máy bay trực thăng”, hầu như không ai hình dung trong đầu chiếc máy bay đó to cỡ nào. Họ toàn nghĩ chắc mấy anh nông dân chế tạo đồ chơi, chứ không phải đồ thiệt. Đó là một chuyện. Thứ khác làm tôi rất thích thú là ở chỗ hai anh nông dân chế tạo chiếc trực thăng không phải nghệ sĩ. Một vật thể như vậy, nó quá đẹp, đúng là một vật thể nghệ thuật, nhìn từ phương diện của người nghệ sĩ. Điều đó làm tôi lưu tâm đến câu hỏi về bản thể một tác phẩm nghệ thuật. Ai sẽ định đoạt xem một vật thể có phải tác phẩm nghệ thuật? Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, nơi nghệ thuật đương đại không hề tồn tại cho tới dạo gần đây.

Tác phẩm “Tượng Phật không đầu”, nói về sự mất mát di sản văn hóa

Chuyến cắm trại “ngay giữa chiến tranh”

Tác phẩm mới nhất của anh tại dOCUMENTA (13) gồm một loạt tranh kí họa do nhiều họa sĩ kháng chiến vẽ tại mặt trận, được anh tuyển lựa trong bộ sưu tập nghệ thuật của mình, và một bộ phim. Phần video art, anh phỏng vấn các họa sĩ này, có xen lẫn những đoạn phim hoạt họa về người lính-họa sĩ bị bắn mù mắt, dựa vào lời tâm sự của các họa sĩ.

Trong cuộc trò chuyện giữa anh và bà Giám đốc dOCUMENTA, anh có kể rằng thú chơi sưu tập đã thuộc về truyền thống trong gia đình từ hồi còn ở Hà Tiên. Nhưng bây giờ, anh sưu tập tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ khác. Tôi nghĩ nó khác với việc sưu tập đồ cổ thuộc nhiều thời đại lịch sử. Bởi khi anh mang bất cứ tác phẩm nào vào bộ sưu tập cá nhân của mình, anh phải cảm được điều gì đó từ tác phẩm, giống như có mối tương đồng ý nghĩ với tác giả của nó, nghĩa là, cái sự hiểu của anh về tác phẩm khiến cho anh yêu thích nó. Mặt khác, anh lại là một nghệ sĩ, anh có lối suy nghĩ riêng của mình khi thực hành nghệ thuật. Vậy thì quá trình này chồng chéo nhau như thế nào khi anh thu thập các bức kí họa kháng chiến?

– Tôi sưu tập những bức họa này vì ý nghĩa lịch sử của chúng. Cách tôi nghĩ về chúng không khác mấy so với việc sưu tầm gốm sứ cổ. Đồ gốm sứ có câu chuyện lịch sử riêng, vì chúng có 500 tới 800 năm tuổi đời. Khi mang chúng về, tôi hay tự hỏi về hoàn cảnh, gốc gác xuất xứ. Món đồ sứ đó, 800 năm trước kia, có ý nghĩa gì? Ai hay điều gì ảnh hưởng tới chúng? Thị trường nào dành cho chúng? Ví dụ, bất ngờ ở chỗ, đồ gốm sứ thời Lý được người Trung Hoa rất ưa chuộng, trong khi họ có thể làm ra thứ sứ mịn tinh xảo, còn ở ta thì chỉ có men thô, mộc mạc. Những thắc mắc kích thích tôi phải suy ngẫm, phải tìm hiểu ngọn nguồn. Làm thế, tôi mới cảm thấy được kết nối với những thời đại quá khứ, khi mà tôi không được sống trong bối cảnh như vậy. Những bức kí họa kháng chiến cũng vậy. Chúng khiến tôi phải say mê. Tôi yêu màu sắc, sự đáng yêu và cả kĩ thuật của người họa sĩ. Tuy nhiên, tôi khó có thể hiểu được cách họ khắc họa cuộc chiến, như thể họ tự “giới hạn” bản thân. Tôi không hiểu tại sao họ vẽ như vậy, tại sao họ ghi chép chiến trận như vậy. Việc sưu tập tranh kí họa cho phép tôi được đặt câu hỏi và hiểu rõ hơn chuyện làm một nghệ sĩ thời chiến có ý nghĩa như thế nào.

Khi nhìn vào những bức kí họa rất yên bình của các họa sĩ kháng chiến, anh cảm thấy thế nào? Chúng gợi nhớ, hay hòa trộn với kí ức của anh ra sao?

– Thực tế thì, không chỉ dựa vào trí nhớ của tôi về cuộc chiến, khi còn là sinh viên nhiếp ảnh ở Mỹ tôi còn tìm hiểu lịch sử đất nước từ nhiều nguồn khác nhau. Nói chung, lúc đó, cảnh tượng về chiến tranh tôi nhìn thấy chủ yếu qua con mắt người phương Tây: đầy rẫy chết chóc, phá hủy, đau thương,… Rồi tự dưng tại đây, ta có hẳn một bộ ký họa khổng lồ, được cho là ghi chép tại trận, lại trông hết sức hòa bình, êm ả, cứ như một chuyến cắm trại “ngay giữa chiến tranh”! Nhìn loại hình nghệ thuật cổ động, tôi đã cho rằng, hẳn mấy tranh kí họa này được đặt vẽ, nghĩa là, các họa sĩ được gửi ra tiền tuyến để vẽ chúng. Hóa ra, tới khi gặp họ, trò chuyện với họ để chuẩn bị cho dự án, tôi mới vỡ lẽ, chúng không hề được đặt trước. Các tác phẩm ký họa này là bút tích từ cảm xúc cá nhân. Tất nhiên, họ có nhiệm vụ thực hiện tranh cổ động, áp phích, v.v… nhưng chỉ sau chuyến đi thực tế. Tôi ngạc nhiên và không ngừng suy nghĩ về điều này. Nhiều họa sĩ châu Âu, điển hình là Otto Dix, ra mặt trận ghi chép, mô tả mọi thứ vô cùng khủng khiếp. Còn chúng ta có tranh kí họa cuộc chiến tại Việt Nam khác hẳn.

Câu hỏi tại sao thúc bách tôi phải thực hiện một dự án nhằm tìm hiểu cho ra lẽ.

Một điều nữa tôi muốn nói về dự án, đó là đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Việt Nam tham dự dOCUMENTA. Trong suốt bao năm chiến tranh, Việt Nam được nhắc tới khắp thế giới. Và người nghệ sĩ Việt Nam thời đó, ngoài Bắc lẫn trong Nam, đã làm nhiều tác phẩm tuyệt vời. Vậy mà những cuộc triển lãm lưỡng niên (biennale) hay trọng tâm của Tây phương từ trước giờ, họ không để ý tới. Cho nên đây cũng là dịp tôi có thể giới thiệu cho người ta biết.

Những bức ký họa trông thật hiền hòa và ít có dấu vết chiến tranh, ngoại trừ một số có vẽ người lính mặc đồng phục. Tuy nhiên, trong video, một phần của tác phẩm, cảnh tượng một người họa sĩ bị bắn mù mắt được lặp đi lặp lại. Nó cho người xem thấy được hoàn cảnh làm việc của những họa sĩ kháng chiến. Nó khắc họa bạo lực, máu me, chết chóc, dù chỉ là hoạt họa. Hai cách biểu trưng mang tính đối lập như vậy, được đặt trong cùng một phòng triển lãm, nên được hiểu thế nào?

– Tôi cố đưa ra văn cảnh của cuộc chiến. Cuốn phim văn cảnh hóa những bức ký họa. Người ta nghe các họa sĩ kể chuyện về thời gian họ ở mặt trận và việc họ sáng tác ở đó. Không thể nào tránh khỏi đả động tới vũ lực. Nhưng tôi không muốn sử dụng hình ảnh tư liệu thông thường. Tôi lựa chọn một cách tế nhị hơn, bằng hoạt họa, để khắc họa vũ lực.

Việc sử dụng câu chuyện của họa sĩ Lê Duy Ứng tạo ra nhiều lớp suy tưởng. Tính bạo tàn của nó nhắc nhở ta về sự khốc liệt của chiến tranh, trái ngược với cảnh tượng trong tranh ký họa. Câu chuyện được kể lại ba lần trong bộ phim, gần giống nhau nhưng lại có khác: lần đầu anh Ứng ngồi trên xe tăng, lần thứ hai anh đứng trên xe tăng và lần cuối cùng anh ở trên mặt đất. Mặc dù các phiên bản đều được kể với lòng ngưỡng mộ của các họa sĩ đồng nghiệp, nhưng nó khiến người xem phải tự hỏi về tính xác thực của trí nhớ. Lê Duy Ứng bỗng trở thành một truyền thuyết. Theo tôi biết, ông vẫn sống ở Hà Nội, nhưng tôi muốn câu chuyện về ông mãi là truyền thuyết. Chẳng phải đáng mê hoặc hay sao, khi một họa sĩ được truyền thuyết hóa vào lịch sử?n

Tác phẩm “Người nông dân và máy bay trực thăng” tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA, New York)

Căn nhà gỗ trưng bày tác phẩm ‘‘Ánh sáng và niềm tin: Tiếng nói và kí họa cuộc sống trong thời chiến” tại dOCUMENTA (13), nằm trong công viên Karlsaue, một trong những địa điểm chính thức của cuộc triển lãm. Vị trí này được lựa chọn do có sự tương đồng với địa hình rừng núi kháng chiến.

Carolyn Christov-Bakargiev, Giám đốc Nghệ thuật của dOCUMENTA (13): “Điều tôi đặt trọng tâm khi chọn nghệ sĩ tham dự cuộc triển lãm này là tác phẩm của họ nêu bật mối ràng buộc – tương quan với thế giới. Đó không phải thái độ mỉa mai hay vui vẻ, mà là một khao khát dữ dội muốn tìm hiểu về con người. Một khi họ quan tâm đến tính nhân bản, tác phẩm của họ sẽ có sức nặng về mối dây ràng buộc đó, giống như một thứ trách nhiệm vậy. Và tác phẩm của Lê Quang Đỉnh khai thác mối ràng buộc này của những nghệ sĩ kháng chiến. họ thực sự như vậy, họ đã đi theo đoàn quân ra mặt trận, họ ý thức cao về vai trò người nghệ sĩ trong xã hội, vì những gì họ tôn vinh. Lê Quang Đỉnh, với hoàn cảnh lịch sử cá nhân rất khác các họa sĩ lão thành này, đã tự thắt mối dây ràng buộc với họ, để tìm hiểu về chính sự ràng buộc của các nghệ sĩ kia với tư tưởng nghệ thuật và lí tưởng giải phóng. tôi nghĩ đó là một thái độ rất đáng trân trọng, rất ‘người’ của một nghệ sĩ.”

Zoe Butt, Giám đốc Sàn Art, Tp.HCM: “Lê Quang Đỉnh sống và làm việc trong môi trường không có mấy cơ sở hạ tầng dành cho nền nghệ thuật, có rất ít cơ hội chia sẻ, bàn luận, khảo cứu, trưng bày và ngoại suy các dữ kiện thực tế hay hư cấu. Điều này tác động lớn tới thực hành nghệ thuật của anh. nó tạo động lực khiến anh tự thu thập thông tin, trở thành ‘thám tử’ khám phá những mảng màu lịch sử mà anh tò mò, quan tâm. Đối với anh, chuyện được số đông đánh giá là ‘nghệ thuật’ hay không, không quan trọng. Điều mấu chốt là những thắc mắc mang tính phê phán trở thành câu chuyện tiềm tàng cho tác phẩm; cùng những nhận xét thu được sau quá trình nghiên cứu, mặc dù tồn tại một khoảng cách thời gian khá lớn.

Đối với tôi, thực hành nghệ thuật của anh Đỉnh phản ánh một hiện tượng đang nhân rộng ở nửa nam địa cầu, khi các nghệ sĩ vươn ra, trở thành nhân tố xã hội quan trọng, thực hiện việc thu thập, lưu trữ và đối chiếu lịch sử quá khứ theo cách riêng của mình. Sau đó, họ để cho những ‘cách đọc lịch sử – thông qua hình thái một tác phẩm’ này được sử dụng rộng rãi bởi quần chúng – ở đây là người thưởng thức nghệ thuật.”

Nora Taylor, Chuyên gia lịch sử nghệ thuật Việt Nam, Giáo sư Học viện Nghệ thuật Chicago (School of the Art Institute of Chicago): “Tôi hết sức phấn khởi và tự hào bởi đã đến lúc nghệ sĩ Việt nam được chú ý ở tầm quốc tế; nhưng cũng không ngạc nhiên vì chính xác thì anh Lê Quang Đỉnh đã gặt hái nhiều tiếng vang và được công nhận trở thành ‘nghệ sĩ thế giới’ với cuộc triển lãm cá nhân tại bảo tàng MoMA (New York).  

Về nội dung tác phẩm của anh tại dOCUMENTA (13), nó không đi theo lối mòn những gì mà người ta vẫn nghĩ về cuộc chiến: vũ lực, chết chóc hay lời kêu gọi chống Mỹ. Tác phẩm tỏ lòng kính trọng đối với những nghệ sĩ từng tham chiến, những người nghĩ thuần về nghệ thuật chứ không phải chính trị. Có lẽ đây là lời phát biểu về nghệ thuật trong thời chiến, hơn là thể loại nghệ thuật nói về chiến tranh.”

Bài: Arlette Quỳnh Anh Trần

Chuyên đề Nghệ sĩ độc lập

Các bài viết trong chuyên đề:

>> Guillaume Vétu: “Tôi là kẻ ngốc nghếch đến từ phương Tây”

>> Gã lênh khênh trên ghế

>> Bùi Công Khánh + Đẹp = ???

>> Lê Quang Đỉnh: góc nhìn khác về cuộc chiến

Tổ chức: Vũ Thủy 

 

Thực hiện: depweb

02/08/2012, 11:53