Lê Minh & Anhuong Trần: Rue des Chats

* Chuyên đề “Made in Vietnam”

Họ có thể là người Việt, cũng có thể chỉ là những người khách ghé thăm và bén duyên với mảnh đất này. Họ xây dựng ở đây những thương hiệu cá tính, tiêu chuẩn, khiến người ta có thể ngập tràn tự hào và kiêu hãnh khi nói: “Made in Vietnam”. 

Tổ chức: Vũ Thủy
Ý tưởng: Hà Đỗ
Sản xuất: Hellos
Mỹ thuật: Chi Nguyễn – Ngọc Linh
Bài: Tuấn Anh, Quế San, Thanh Hà, An Hội 

Nhiều người sống ở Hà Nội thời kỳ cuối những năm 1990 đã thuộc nằm lòng câu slogan “Hồng Ngọc chuyên comple… Hồng Ngọc chuyên áo dài…” được phát đi phát lại trên vô tuyến truyền hình đúng giờ cơm tối, bởi vậy cứ ngỡ Hồng Ngọc là một thương hiệu truyền thống lâu đời. Nhưng hóa ra nó được khởi sự từ một cuộc rẽ ngang của nghệ sĩ xiếc Nguyễn Ngọc Chất. Ông giành nhiều huy chương và đi lưu diễn nước ngoài vào cái thời internet còn là khái niệm xa lạ, nên nay chẳng thể Google ra, nhưng thế hệ bố mẹ tôi thì còn nhớ. Xiếc là một nghề bạc, người ta phải oằn mình trên sàn tập từ những năm mười mấy tuổi, để rồi lặng lẽ lùi lại phía sau khi bắt đầu qua tuổi 30. Bỏ xiếc để bước vào nghề may, âu cũng là cuộc mưu sinh. Nói đâu xa, không chỉ thời tàn dư bao cấp, mà ngay cả những năm thuộc thế kỷ 21 này, chính đoàn xiếc duy nhất của Thủ đô cũng mơ mãi vẫn chưa có được một sân khấu cho riêng mình. Năm thì mười họa được mời tới diễn cho các đơn vị, thời gian còn lại, họ cứ miệt mài tập… cho nhau xem, đan xen giữa những buổi chạy thêm kiếm sống, để cùng nhau giữ lửa nghề.

Quay lại câu chuyện của nghệ sĩ Ngọc Chất. Khi công ty lớn mạnh, cũng là lúc ông chuẩn bị để cậu con trai duy nhất tiếp quản công việc. Từ kinh nghiệm của chính mình, tuy cũng từng học may để chuẩn bị vốn liếng vào nghề, nhưng ông cho rằng quản lý thương hiệu thời trang không nhất thiết phải là người thiết kế. Cậu con trai được định hướng học Ngoại giao. Có điều, muôn đời vẫn thế, mưu sự tại Nhân mà thành sự tại Thiên. Vào đúng thời điểm cậu tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và chuẩn bị sang Nhật học tiếp thì ông lâm trọng bệnh. Mọi sự sắp đặt đột ngột thay đổi. Cậu con trai ở lại, học thiết kế tại Học viện Thời trang London – điều cậu chưa từng nghĩ tới – trở thành nhà thiết kế trẻ với cái tên Lê Minh, rồi… rời khỏi Hồng Ngọc.

Tôi còn nhớ năm 2011, BST “Đông giao Tây” của cậu trình diễn trong buổi lễ tốt nghiệp, nhận được sự tán thưởng nhiệt tình, và cậu được trao danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất. “Đông giao Tây” được lấy cảm hứng từ dòng chảy văn hóa Nhật Bản hòa vào những đường nếp kinh điển phương Tây. Tôi từng nhắn cậu cùng vài người bạn đồng khóa mang trang phục tới để chụp hình, nhưng ngắm nghía mãi, lại gửi trả về. Tôi thấy nó còn thiếu chút gì đó, thứ khiến người ta phải rung lên khi chạm vào. Đó có lẽ là điều khó với những người trẻ tuổi, khi mà mọi trải nghiệm đa phần nằm trên sách vở.

Hơn 1 năm sau, ghé thăm boutique của Lê Minh (mở cùng nhà thiết kế trẻ Anhuong Trần vừa trở về từ Pháp), lặng lẽ đi quanh phòng và chạm vào từng nếp vải, tôi bất ngờ trước sự trưởng thành quá nhanh. Chẳng cần một con mannequin, hay một hình mẫu mô tả, tôi ngắm nhìn những món đồ với tông màu đen-trắng xuyên suốt, mềm mại, nữ tính, thanh lịch, và hình dung ngay hình ảnh một người-phụ-nữ-Rue-des-Chats: hiện đại nhưng cũng mong manh, cá tính ẩn giấu trong dáng vóc thanh lịch.

 

Địa chỉ: Số 2 Cổ Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lê Minh “tìm thấy mình” như thế nào nhỉ?

– Quả là trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc học và trở thành nhà thiết kế. Nhưng khi bước vào con đường này, tất cả như một thứ tiềm thức được khơi dậy, ngay từ khi ngửi thấy mùi vải tôi như được trở lại cái kho của cha khi tôi còn nhỏ, ký ức về nơi tôi lớn lên bên cạnh những ngày cha khởi nghiệp… Tôi cảm thấy đây chính là thế giới của mình.

Học thiết kế để tiếp quản thương hiệu gia đình, rồi sau đó lại tách ra. Tại sao vậy?

– Một phần vì sức khỏe của bố tôi hồi phục, ông lại có thể quản lý công ty. Phần khác vì khi bắt tay vào công việc, tôi mới nhận ra Hồng Ngọc là một thực thể đồ sộ và vận hành theo cách riêng đã quá lâu. Nó có một thứ quy luật tự sinh mà mình không dễ gì hòa nhập. Trong khi đó tôi có nhiều ấp ủ, nhiều dự định làm mới và phát triển thương hiệu gia đình. Rồi bố tôi nói, bố cho con tự bay nhảy để con được thỏa sức và được thử nghiệm những quan điểm riêng của mình. Vậy là tôi bắt đầu “lập nghiệp”, nhưng nhất định khi có một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng tôi sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu Hồng Ngọc.

Để gây dựng nên Rue des Chats, Anhuong Trần là một cộng sự lý tưởng?

– Khi cùng xây dựng thương hiệu này, chúng tôi là sự bổ trợ cho nhau. Anhuong có những kiến thức, kinh nghiệm từ môi trường quốc tế, khi được học thời trang ở cái nôi thời trang Paris hoa lệ. Ngược lại, bên cạnh kỹ năng chuyên môn tôi có sự thấu hiểu thị trường, cùng những kinh nghiệm cha mình đã truyền lại.

Ví dụ?

– Tôi học được cách lưu thông hàng, tiên liệu khả năng tiêu thụ, và quan trọng nhất là cách xây dựng đội ngũ nhân viên. Theo bố tôi, trong việc tuyển dụng nhân sự, tay nghề cũng cần thiết nhưng điều quan trọng hơn cả là bản chất con người. Ngược lại, khi mình tôn trọng nhân viên họ cũng sẽ coi công ty như của chính mình, làm việc hết mình và gắn bó lâu dài. Ở Hồng Ngọc, mọi người sống tình cảm và chân thành. Chúng tôi cũng muốn xây dựng điều đó với Rue des Chats.

 

Mới hoạt động được gần 1 năm, lượng khách của Rue des Chats đã nhiều chưa?

– Cũng nhiều đấy chị ạ. Khách của Rue des Chats thường là những người phụ nữ trẻ tầm 25-35 tuổi. Chúng tôi chưa quảng bá nhiều, nhưng khách thường tự biết để tìm tới. Trên gác (Rue des Chats tọa lạc trong căn nhà Pháp cổ trên phố Cổ Tân nhìn ra Nhà hát Lớn) có một phòng trà dành cho khách hàng tới nghỉ ngơi và trao đổi. Chúng tôi xây dựng nơi đây như một không gian gặp gỡ, trao đổi suy nghĩ và cảm xúc, chứ không chỉ là nơi kinh doanh, không chỉ là quan hệ mua bán đơn thuần.

Cảm xúc cho sáng tác của các bạn thường đến từ đâu?

– Nhiều lắm, từ bất cứ điều gì tươi đẹp trong cuộc sống. Đôi khi chỉ là một… đóa hồng. Nhưng từ cảm hứng ban đầu tới thành phẩm phải trải qua nhiều quá trình chỉnh sửa, và kết quả cuối cùng nhiều khi chẳng còn bóng dáng ban đầu nữa (cười).

Khi thiết kế, điều gì được coi là yếu tố quyết định? Cảm xúc cá nhân, hay nhu cầu của thị trường? Tức là các bạn áp đặt cái tôi lên khách hàng, hay mang tới cho khách hàng thứ họ thích?

– Tôi nghĩ là có sự áp đặt cảm xúc cá nhân đấy (cười).

Như vậy, tính thời cuộc được thể hiện ở đâu?

– Tất nhiên chúng tôi vẫn hướng tới các xu hướng đang được định hình trên sàn diễn quốc tế. Có điều khác là bên cạnh những bộ sưu tập lớn theo mùa Xuân – Hè/ Thu – Đông, Rue des Chats vẫn liên tục cho ra những series nhỏ hàng tháng.

Sản phẩm của Rue des Chats gồm hai tông đen trắng chủ đạo?

– Vâng, đó là sở thích, tôi và Anhuong Trần đều cảm thấy yêu thích hai màu sắc này. Tất nhiên tính trào lưu vẫn được thể hiện qua đường nét, hoặc một số màu sắc nhất định, nhưng chủ lưu vẫn là đen và trắng.

Làm sao để phân biệt đâu là tác phẩm của Lê Minh và đâu là của Anhuong?

– Khi sáng tạo, có lúc chúng tôi làm chung, cũng có lúc tùy hứng thú của mỗi người. Nhưng vì quan điểm thẩm mỹ cũng tương đồng nên khi ra sản phẩm khách hàng thường khó mà phân biệt được. Chúng tôi khi xây dựng nên thương hiệu này, đã cùng thống nhất 3 tiêu chí: sáng tạo, tinh tế, lãng mạn.

Một thương hiệu thời trang Việt Nam vươn tầm quốc tế, giấc mơ này có không?

– Có đấy chị ạ, mơ mà, ai đánh thuế. Nhưng thôi, trước mắt cứ đặt mục tiêu gần là ổn định thị trường Hà Nội và tiến vào thị trường Sài Gòn đã.

Ảnh: Ba Sáu Một

 

Chuyên đề Made in Vietnam

Bài đã đăng:

>> Lê Minh & Anhuong Trần: Rue des Chats

>> Kate Crofton – Cochine Saigon 

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo:

>> Luis Antonio Torres: Massimo Ferrari, District III

>> Tân Mỹ Design

>> Chi Anh & Hoàng Anh: Kitchen Art Store&Studio

>> Tib Hoàng: L’usine & District 8 Design

>> Hoàng Xuân Thảo – FAMILK

>> Samuel Maruta & Vincent Mourou-Rochebois: Marou Chocolate

>> Hoàng Anh: Mito Sweets

>> Chí An & Josh Breidenbach: Rice Creative

 


From the same category