Lê Khâm tiết lộ lý do phải dừng ở Đấu trường Tiếu lâm - Tạp chí Đẹp

Lê Khâm tiết lộ lý do phải dừng ở Đấu trường Tiếu lâm

Sao
Diễn viên Lê Khâm – chàng trai lùn và “xấu lạ” sinh năm 1985, chuyên đóng những vai dị biệt, giật gân từng gây dấu ấn với khán giả yêu hài qua chương trình Ơn giời Cậu đây rồi và mới đây là chương trình Đấu trường Tiếu lâm. Trải qua vòng song đấu cùng Lâm Vỹ Dạ, anh nhận được nhiều lời khen của các giảm khảo, và được giám khảo – Đạo diễn Đức Thịnh chọn vào vòng trong. Nhưng anh đã quyết định dừng lại, nhường suất cho bạn diễn khác với lý do cuộc sống của anh đang gặp khó khăn, anh còn phải mưu sinh… Điều này đã khiến các giảm khảo và khán giả rơi nước mắt vì tiếc nuối và cảm động.

Anh đã trải lòng cùng Đẹp Online về những khó khăn trong nghề diễn cũng như trong cuộc sống thường nhật.

Từng ăn bám bạn bè vì thất nghiệp

– Chào Lê Khâm, anh có thể chia sẻ với Đẹp Online về hành trình trở thành diễn viên hài như hiện nay?

– Hành trình để trở thành diễn viên của tôi, có lẽ cũng giống như nhiều câu chuyện của những nghệ sĩ hài vậy.

Năm 2003 tôi chân ướt chân ráo từ Kon Tum bước xuống Sài Gòn xa hoa để theo học trường Cao đẳng Văn hoá Tp.HCM, chuyên ngành Quản lý Văn hoá (ở quê chỉ biết trường này và trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Trung ương ở Hà Nội là có tuyển sinh sinh viên vùng cao, và có môn năng khiếu). Tôi chọn trường Cao đẳng Văn hoá Tp.HCM vì gần quê và nhà trường cũng không đòi hỏi chiều cao mà vẫn được học các môn về chuyên ngành diễn xuất yêu thích.

Lê Khâm trong phim “Cung đường tội lỗi”

– Anh đến với nghề diễn thế nào?


– Khi đậu vô trường được một năm, tôi bắt đầu tìm tòi các sân khấu để được diễn. Nơi nào có chỗ cho quần chúng là tôi nhào vô xin. Khoảng cuối 2003, tôi bắt đầu tham gia ở các câu lạc bộ sân khấu tại các nhà văn hoá quận. Đầu năm 2004, tôi gặp được người thầy đầu tiên là chú Bảo Khương, qua giới thiệu từ anh Hồng Tài. Ước nguyện được diễn trên sân khấu chuyên nghiệp của tôi cũng đã sớm đạt được từ đó. Năm 2006, vì có bất đồng nhỏ với nhóm diễn, nên tôi quyết định ra đi tìm một cơ hội mới.

Những tưởng sang 2007 – khi đã nhận tấm bằng tốt nghiệp sẽ là một bước tiến mới, nào ngờ tôi vẫn phải ở không ăn bám bạn bè cũng đang kiếm từng đồng từng cắc để mưu sinh… Cả năm tôi chật vật với câu hỏi: “Mình hết duyên với sân khấu rồi sao? Đam mê phải dừng lại tại đây sao? Làm gì để được đến với sân khấu? Làm gì để không còn ăn bám anh em đang lao lực chật vật bưng bê, phục vụ cà phê quán nhậu để kiếm tiền ngoài kia? Còn mình, vì sao người ta không nhận làm – dù là giữ xe hay rửa ly?”

Rồi tôi nhận ra, đúng là mình quá thấp bé, bề ngoài nhiều người nghĩ tôi chưa đến tuổi vị thành niên nên không ai thuê cả. Vì thế, dù có rất nhiều cuộc điện thoại hứa hẹn của các anh chị đi trước nhưng tôi vẫn phải chờ đợi trong tuyệt vọng. Có lúc tôi định cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc tại các nhà văn hoá, nhưng tôi vẫn muốn đi diễn nên cứ tiếp tục chờ. Rồi vì quá nhớ nghề, tôi đã chạy xuống các sân khấu, tụ điểm để được hoà vào không khí cùng các anh chị diễn viên. Khi đến sân khấu Nam Quang, người đầu tiên tôi gặp bất ngờ hỏi: “Ủa, tao nghe nói mày bị xe đụng gãy cột sống rồi mà?” . Quá bấn loạn, cổ họng khô cứng không nói được lời nào vì câu hỏi rất thật và đầy sự chia sẻ của người ấy. Tôi cười nghẹn rồi quay ra xe đi về. Khi ấy lồng ngực tôi đau nhói vì không thể ngờ miệng lưỡi của dư luận quá nhẫn tâm…

May mắn thay cho tôi, vẫn còn có một người chịu chia sẻ và sẵn sàn cưu mang đó là nghệ sỹ Trung Dân – một con người tốt bụng, thương người đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi may mắn gặp nghệ sỹ Trung Dân ở chương trình Những người Thích đùa diễn ra vào giữa năm 2006. Tôi phụ nghệ sĩ Trung Dân những việc nhỏ nhặt và được giới thiệu vào diễn những tiểu phẩm nho nhỏ để có thu nhập sống qua ngày. Đến đầu năm 2008, tôi chính thức được đứng lại trên sân khấu cùng nghệ sỹ Trung Dân cho đến hôm nay.

Hiện tôi là thành viên của nhóm hài Trung Dân, diễn viên trong sân khấu kịch Phú Nhuận, SuperBowl của NSND Hồng Vân và các tụ điểm hài.

Lê Khâm diễn cùng nghệ sĩ Trung Dân vớ kịch “Chuyện cây bần” Sanfrancisco – Mỹ năm 2015

Bị bảo vệ chặn không cho vào diễn vì… xấu

 

– Anh nghĩ mình có thế mạnh gì để theo nghiệp diễn, khi mà nhìn ngoại hình, khó ai có thể nghĩ anh là một nghệ sĩ?


– Mãi đến bây giờ tôi mới nghiệm ra thế mạnh của mình là… lùn và xấu lạ, nhưng bên cạnh đó tôi còn có chút đặc biệt ở cách nhấn nhá đài từ và cả giọng nói nữa. Nhưng thế mạnh lớn nhất để tôi theo nghề đó là sự đam mê cháy bỏng với sân khấu.

Quả thật khi nhìn ngoại hình của tôi khó có ai nghĩ tôi là một nghệ sỹ, hơn nữa tôi vốn sống đơn giản và thầm lặng, khôn chưng diện, không thể hiện…  Có lần đi diễn tôi bị bảo vệ chặn lại ở cửa ra vào dành cho nghệ sỹ, đến khi ban tổ chức can thiệp thì tôi mới được vào, vì mấy anh bảo vệ không nghĩ diễn viên mà lùn xấu, ăn mặc bình thường như vậy.

– Anh có nghĩ ngoại hình dị biệt của mình là một yếu tố khiến khán giả phải cười và anh luôn tận dụng điều này?


– Ngoại hình dị biệt, nghe nó ngộ ngộ hen… Nhưng quả thật nhờ điều này mà khán giả dễ nhận ra tôi hơn. Nhưng để tạo ra tiếng cười cho khán giả, ngoài gương mặt xấu lạ, biểu cảm và nhiều thứ khác cộng lại chứ chỉ có ngoại hình dị biệt làm sao có thể khiến khiến giả cười mãi?

Tôi nghĩ nếu tận dụng những cái trời phú có sẵn đúng lúc đúng chỗ sẽ có hiệu quả rất tốt, còn lạm dụng sẽ gây nên sự phản cảm và nhàm chán cho khán giả.

– Có bao giờ anh tự ti về ngoại hình?

– Lúc ngồi cạnh phụ nữ đẹp là lúc tôi tự ti với  ngoại hình của mình nhất. Đứng mà còn thấp hơn người ta ngồi thì ai mà chịu… (cười)

Ngoài lúc đó ra, tôi rất hãnh diện và cảm thấy thật diễm phúc khi được ba mẹ ban cho ngoại hình này để làm nghề mình yêu thích. Và tôi không buồn nữa.  

– Nếu ở ngoài đời, một ngày có một cô gái nào đó nói với anh giống như cô gái cá La Hán trả lời chàng cá chùi kiếng như trong tập 9 của chương trình Đấu trường Tiếu lâm vừa rồi, anh sẽ cư xử thế nào?

Tôi sẽ  cảm ơn cô ấy đã theo dõi tôi trên Đấu trường Tiếu lâm” (cười). Thật ra tôi cũng bị như vậy hoài chứ không phải trong giả thuyết nữa. Và tôi chỉ cười và nói rằng: “Nhờ có tôi xấu thì người ta mới thấy bạn đẹp cỡ nào!”.



Lê Khâm trong vai chàng cá chùi kiếng “đấu” cùng  Lâm Vỹ Dạ ở tập 9 vòng song đấu trong chương trình Đấu trường Tiếu lâm

– Nếu mãi mãi chỉ được chọn để đóng vai dị nhân, giật gân… anh thấy sao? Anh có lo mình sẽ bị nhàm, bị đơ khi diễn?

Nếu mãi được chọn vào vai dị nhân, giật gân hay khùng điên tưng tửng thì cũng phải làm vì mưu sinh, vì “cơm áo gạo tiền” và vì được diễn nữa. Thời buổi bây giờ “đất chật người đông” đâu có nhiều cơ hội để tôi lựa chọn, vả lại tôi không phải là “sao” để có thể lựa chọn. Nhưng đã bị mặc định một dạng vai, thì phải tìm lối diễn khác nhau cho từng vai. Khi đã diễn thì không sợ đơ, chỉ sợ bị trùng mô tuýp, một nét và nhàm. 

“Con không thể thiếu sữa, vợ không thể nào thiếu ăn”

 – Trong Đấu trường Tiếu lâm anh chia sẻ rằng muốn đi đến vinh quang, vậy tại sao đến vòng này anh không gạt khó khăn để bước tiếp. Hay đây cũng chỉ là cách anh ghi lại dấu ấn với khán giả?

– Mọi sự diễn ra tự nhiên, tôi ghét sự giả tạo để gây sự chú ý với dự luận. Tôi không toan tính gì cả, chỉ thấy không đi tiếp được nữa thi xin dừng vậy thôi. 

Tôi dừng lại vì không sắp xếp được thời gian theo sự thay đổi cơ cấu của chương trình một cách đột ngột và gấp gáp của nhà sản xuất (trước giờ ghi hình ở vòng lập đội, đại diện ban tổ chức mới cầm iPhone đọc cho mọi người nghe). Thứ hai là, khi tham gia gameshow đa phần các thí sinh không nghĩ đến chuyên kiếm được tiền ở đó. Nhưng một điều thực tế là chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để tập dượt, ăn uống, đi lại chuẩn bị cho các phần thi mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ nhà sản xuất trong suốt một tháng trời ròng rã, ngoài âm thanh và ánh sáng sẵn có. 100% quỹ thời gian của tôi phải dành cho chương trình nên không thể đi diễn ở ngoài để kiếm sống được, trong khi hoàn cảnh của tôi đang khó khăn, tôi lại là lao động chính.

Hơn nữa, tôi còn lo rằng với thời gian gấp như vậy rất khó có thể đảm bảo chất lượng cho tiết mục dự thi. Làm không chất lượng, gượng ép, tranh thủ, làm lấy được… tôi không làm. Tôi trân trọng nghề diễn, làm nghệ thuật phải chu đáo, phải tròn trịa, tôi không thể bông lơn đùa cợt với nghề của mình được.

Đứng trước tình thế đó, tôi biết mình chỉ có thể lựa chọn một trong hai phương án: một là đi theo game show đến cuối cùng, hai là dừng game show để đi diễn kiếm tiền. Nếu tôi chọn phương án thứ nhất thì hết gạo, hết tiền, đói khổ cả vợ và con thơ. Nên tôi quyết định dừng lại để vợ con bớt khổ… 

– Anh lập gia đình lâu chưa?

– Tôi cưới vợ cuối năm 2011. Vợ tôi mới sanh, con trai tôi còn quá nhỏ, vợ tôi chỉ ở nhà làm nội trợ, điều kiện gia đình eo hẹp. Thôi thì cứ tiếp tục đi “cày” kiếm tiền cơm gạo hằng ngày vậy mà còn hạnh phúc. Còn danh vọng xin hẹn ở một dịp khác, có lẽ là xa lắm. Với tôi nó dường như ở nơi vô tận. Nếu giành được nó thì chỉ sướng cho bản thân tôi, nhưng trước mắt trong ngày hôm nay và những ngày tiếp theo, con không thể thiếu sữa, vợ không thể thiếu ăn. 

Diễn viên Lê Khâm và bà xã

Gia đình anh có ai làm nghệ thuật như anh không?

– Trong gia đình tôi là người kỳ quặc nhất, nên chỉ có mình tôi làm cái nghề kỳ quặc nhất nhà. (cười)

– Nghề diễn có giúp gia đình nhỏ của anh đủ sống không? Ngoài nghề diễn anh có làm thêm việc gì để kiếm thêm thu nhập?

– Tôi chỉ chú tâm vào nghiệp diễn. Nghề làm con chim suốt ngày ca hát cố gắng gói ghém cũng không đến nỗi đói. (cười)

– Một ngày của diễn viên Lê Khâm diễn ra thế nào?

– Lúc có phim thì 5 giờ sáng phải dậy đi quay, 1-2 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Còn không có show thì ở nhà cưng con vui với vợ, cơm mắm canh rau đạm bạc mà ngon miệng lắm, ngon hơn cơm đoàn phim nhiều. (cười)

– Anh mong ước gì và trăn trở điều gì nhất trong nghề và trong cả cuộc sống?

– Tôi tự hỏi sao gameshow truyền hình giờ nhiều thế? Khán giả có bị bội thực không? Mô tuýp của các gameshow có bị giẫm chồng lên nhau không? Tại sao bộ môn cải lương, đờn ca tài tử, xiếc ảo thuật hay đại loại những thể loại hình nghệ thuật dân gian dường như bị đi vào quên lãng? Thậm chí phim truyện cũng dần dần nhường khung giờ đẹp trên sóng truyền hình cho gameshow… Từ đó các nhà sản xuất phải giảm bớt lại những dự án để tập trung sản xuất gameshow, hệ lụy mang theo là anh em nghệ sỹ bớt show diễn, vì hầu như gameshow đa phần giành cho giới tuổi teen, chưa kể cả các em thiếu nhi… từ tay ngang không trường lớp cũng có thể nổi tiếng chỉ trong một ngày.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy sự dễ dãi của nghệ thuật rõ như bây giờ…

Thử làm phép tính so sánh đơn giản giữa một chương trình gameshow với một chương trình sân khấu cải lương trên truyền hình, trong thời cuộc này lượng khán giả sẽ nghiêng theo chương trình nào, nhà sản xuất sẽ chọn chương trình nào… Có phải phép so sánh khập khiễng quá chăng?

Tôi không nói là gameshow không tốt, mà sự chắt lọc của chương trình gameshow về  chất lượng đã bị bỏ ngỏ để chạy theo thời gian sản xuất chương trình. Từ đó đa phần những người thuộc tầng lớp trí thức, thưởng thức văn nghệ có chiều sâu đều quay lưng với gameshow. Ước gì có sự cân đối giữa các chương trình để vực dậy các loại hình nghệ thuật khác dần bị quên lãng.

Ước gì có nhà sản xuất kinh doanh nghệ thuật bằng một thứ nghệ thuật chân chính có đẳng cấp và lương tâm nghề nghiệp. Ước gì cũng sẽ có nhiều hơn những khán giả chịu ngồi xem và suy ngẫm chiều sâu trong từng câu chữ của vở diễn như những tác phẩm đã từng đi vào lòng người, chứ không phải những câu nói hay chiêu trò gây cười rẻ tiền…

– Cảm ơn sự chia sẻ của Lê Khâm!

Bài: Hạnh Lê
Ảnh: Nhân vật cung cấp
logo

Thực hiện: depweb

10/06/2016, 16:06