Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi Hồng Nhung là Bống tất nhiên phải có lý do. Rõ ràng ông biết thế nào là cá rô phi, cá diêu hồng, cá bông lau và cá lóc, kể cả cá voi, cá mập. Còn cá bống thì sao? Không phải ngẫu nhiên mà trong văn học Việt Nam chỉ có cá bống đi vào truyện cổ tích “Tấm Cám”. Có nhiều lý do để giải thích điều ấy. Người thì bảo bống hiền lành, dễ thương, ăn ít; kẻ lại bảo bống chuyên môn sống một mình, không đi thành đàn; có kẻ cho là bống biết hiện ra đúng lúc, cho nên có giá trị. Chỉ duy nhất một điểm mà tất cả đều nhất trí là thịt bống ngon nhưng hình như chả ai ăn được.
Hồng Nhung giống cá bống đến mức nào, chỉ có cô biết, bống biết và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết. Nhưng cả ba đều không tiết lộ, cho nên chắc vấn đề này còn bàn cãi rất lâu.
Vừa qua, bộ phim Mỹ “Cô bé Lọ Lem” gây được cơn sốt vé do kịch tính cao. Nhưng nhiều khán giả góp ý rằng, nếu như thay mấy con chuột làm bạn với Lọ Lem bằng cá bống, người xem chắc chắn còn đông hơn nhiều.
Với toàn thể loài người, Hồng Nhung luôn thể hiện một tác phong trẻ trung, nhí nhảnh kéo dài lâu đến sốt ruột. Một nhà nghiên cứu âm nhạc đã nói: “Mọi sự đều phải sợ thời gian, nhưng thời gian lại sợ kim tự tháp, và kim tự tháp lại sợ Hồng Nhung”. Nếu ai cũng như nàng, các câu lạc bộ hưu trí chắc chắn trở nên vắng vẻ, các công ty sản xuất thuốc chống lão hóa sẽ chuyển sang sản xuất bánh bao hết, nếu không muốn phá sản.
Về trí tuệ và độ nhanh nhẹn của Hồng Nhung, cũng có quá nhiều đồn đại. Nàng đi thoăn thoắt từ chỗ nọ sang chỗ kia, từ sân khấu này sang sân khấu khác, và đi dạo vun vút từ quán ăn Hà Nội tới quán ăn Sài Gòn, đến mức chả còn ai ngạc nhiên khi vừa ngồi ăn phở với nàng vừa xem nàng trực tiếp trên ti vi.
Nói về Hồng Nhung mà không nói về giọng hát, thì chả khác nào kể về voi mà không miêu tả đôi ngà, kể về tê giác mà không viết về sừng tê.
Bài: Lê Hoàng
Minh họa: Nha Đam