Đạo diễn Phan Đăng Di giới thiệu
Được phát hiện bởi đạo diễn Phan Đăng Di, chàng nhân viên ngân hàng này đã quyết định bỏ nghề để đi theo đoàn làm phim “Big Father, Small Father & Other Stories…”. Dù mới lần đầu bước lên màn ảnh, Hoàng đã được chọn đóng vai chính – Vũ, được lấy cảm hứng từ một nhân vật đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của Dostoievsky. Và hành trình này đã đưa Hoàng đến thẳng LHP Berlin, nơi bộ phim của Phan Đăng Di được chọn tranh giải “Gấu vàng” tại LHP quốc tế danh giá này.
Gương mặt mới Lê Công Hoàng (trái) và Đạo diễn Phan Đăng Di (phải)
Hoàng là một cậu trai 20, vào ngày hôm đó, ngày 4/3/2011 theo chị gái đi dự một buổi casting cho một bộ phim nghệ thuật của một đạo diễn mới làm đến phim thứ 2. Đó là một ngày nóng nực, trong căn phòng chừng 70m2 có cả trăm người tuổi từ 10 đến 50, mỗi người có 2 phút xoay nghiêng xoay ngửa trước mặt đạo diễn, nói một câu hoặc hát một câu, được chụp cho một pô ảnh và nếu chưa qua phút thứ 3 đã được ra về thì biết chắc mình đã trượt. Hôm đó chị gái Hoàng không qua phút thứ 3, tiếc cái công chờ cả buổi sáng thì xúi em trai vào thử, đâu biết rằng cậu là người sẽ đi xa hơn tất cả mọi người trong buổi cast sáng hôm ấy…
Vũ cũng là thanh niên hai mươi, non nớt, nhẹ bỗng, không phán xét, có thiên khiếu khơi gợi lòng yêu mến ở mọi người, gợi nhắc một Aliosa thánh thiện của Đốt (*). Kiểu nhân vật ai cũng muốn cưu mang, đặt hy vọng và dành cho tình thương… Nhưng không giống Aliosa, Vũ không có chúa để tin vào. Cậu chỉ là gã trai quê lạc giữa một Sài Gòn lộn nhộn cuối thế kỷ 20. Với cái máy ảnh cha bán hai tấn lúa sắm cho, cậu trai khờ khạo khám phá thành phố, cả những rung cảm thầm kín đầu đời với sướng vui và cùng lúc một nỗi buồn không gì diễn tả nổi tràn ập đến, thế chỗ cho ngây thơ và lấy mất đi chuỗi ngày vô tư lự cậu có trước đó…
Hoàng không biết Vũ, mà như thế là rất may cho cậu. Nếu lúc đó Hoàng biết Vũ là một vai mà thành bại của nó quyết định thành bại của phim chắc cậu đã hoảng, dù gì cậu chưa từng diễn xuất, cũng chẳng biết gì về trường quay. Cái sự bốc đồng đưa cậu đến với buổi casting sáng hôm ấy không thể là vốn liếng quan trọng cho một vai diễn nặng đô như Vũ. Đạo diễn, với cái đầu đầy ắp lo lắng và nghi ngờ, luôn muốn mình có nhiều hơn nữa các khuôn mặt để lựa chọn. Nhưng có gì khó hơn là chọn diễn viên nam ở Việt Nam, nơi mà về khả năng diễn xuất, phụ nữ thường vượt trội họ một khoảng cách rất xa. Nhiều khi càng chọn đạo diễn càng có cảm giác anh ta có ít lựa chọn đi. Với phim này cũng thế, có 3 gương mặt nữa cho Vũ, nhưng ở vào những thời điểm quyết định cứ rơi rụng dần, người vì tăng cân quá mức, người mặt quá buồn và người thì máy quay chẳng còn lúc nào bắt được vẻ ngây thơ trên khuôn mặt nữa. Cuối cùng vẫn chỉ còn lại Hoàng, cậu trai có nụ cười tỏa sáng và vẻ mong manh hiếm gặp như cái neo cho đạo diễn, làm cái đầu lo lắng, nghi ngờ của anh ta có phần dịu lại.
Hai năm trước ngày quay Hoàng được cho tập những bài tập đầu tiên về diễn xuất. Trong căn hộ nhỏ đoàn phim thuê cho đạo diễn ở trên đường Phan Xích Long, tuần 2 buổi sau giờ học, Hoàng đến đó học cách trườn, bò, đứng lên, ngồi xuống, trồng cây chuối, đi lại sao cho thẳng lưng, xem phim, học thoại với trợ lý đạo diễn Kim Chi hay chỉ đơn giản là học cách nhìn chăm chú vào một điểm không chớp đến khi chảy nước mắt thì thôi. Thỉnh thoảng, để Hoàng có cảm giác rõ hơn về phim, Hải Yến sẽ đến, nằm xuống bên cậu, tán gẫu, trêu đùa, chỉ cho vài kinh nghiệm diễn xuất rồi về. Đó là quãng thời gian thoải mái nhất của Vũ và cũng của đoàn phim, chẳng ai quan tâm đến việc còn chưa có đồng nào để quay, chỉ nghĩ đến chuyện ăn. Cứ tập chán thì đi ăn ốc hoặc cua đến no kềnh. Cua không thôi chứ không bia vì Hoàng không uống được, hễ uống xong thì mặt cậu đỏ như tôm luộc, về sợ phụ huynh càm ràm. Hoàng đi tập như vậy phụ huynh cũng chưa biết, đoàn phim thì vẫn chưa có lời vì chưa biết bao giờ mới có tiền quay.
Rồi Hoàng ra trường và đi làm, một công việc gì đó chuyên lo bảo hiểm cho những người gửi tiền phòng khi ngân hàng phá sản thì vẫn còn chút ít không đến nỗi mất trắng. Có vẻ là một công việc tốt, hứa hẹn tương lai ổn định làm cho phụ huynh yên tâm.
Lê Công Hoàng, chàng diễn viên tài năng mới
Thế rồi đùng một cái đoàn phim có đủ tiền, phải quay ngay. Ngày nhận được tin này Hoàng vừa kết thúc một năm thử việc và được ký hợp đồng chính thức. Tất nhiên Hoàng bỏ ngân hàng (hay ngân hàng bỏ Hoàng vì không thể chấp nhận đơn nghỉ phép 2 tháng của một anh nhân viên mới được nhận vào?). Đến nhà gặp để nói chuyện thấy phụ huynh cũng đã lấy lại được bình tĩnh, có lẽ các cụ cũng sốc trước quyết định của cậu trai út, nhưng thấy cái mặt nó khăng khăng thế kia chắc biết chẳng thế nào lay chuyển được nó nữa rồi, thôi thì để nó đi với đoàn phim cho xong, và dặn với một câu có gì nhờ “anh” và đoàn phim uốn nắn em nó để em nó sớm vào khuôn khổ.
Các bác chắc không phải lo đâu vì vào tay đoàn này em nó chắc chắn được uốn nắn ra trò. Được cái Hoàng cũng biết mình a-ma-tơ nên rất chú ý tiếp thu. Với lại sau 2 năm tập luyện cái phim nó đã ngấm vào người cậu từ bao giờ. Trừ mấy ngày đầu diễn còn sượng và chưa có cảm giác với máy quay ra, về sau cậu vào vai rất tự nhiên. Lần duy nhất cậu càm ràm giận dỗi là cái cảnh uống rượu, cậu yêu cầu được uống nước lã mà đạo diễn nhất định cho hẳn rượu đế xịn, quay chưa xong đã xỉn quắc cần câu… Nhưng mà Hoàng ơi, phải biết rằng ngay cả những diễn viên giỏi nhất thế giới cũng không thể diễn ra một người say. Thần thái của người say và cảm giác có men trong người thực sự là cái gì đó rất đặc biệt, không thể nào diễn lên được. Vũ của em lại là một thanh niên tửu lượng không khá, cảnh nó uống rượu trong phim là khi nó đang trong một cơn say tình, mặt nó không ra cái vẻ hừng hực, ngu dại, lúng liếng và gian trá một tí thì hỏng… Em phải cảm ơn chai rượu đế đêm hôm đó vì nó làm em bật ra được tất cả những sắc thái ấy với một sắc độ chính xác nhất anh có thể hình dung. Đó là cảnh diễn không thể lặp lại lần hai, ngay cả với những diễn viên giỏi nhất.
Nhưng Hoàng vào Vũ tốt không chỉ do rượu, ở cậu có cái quý của bản năng và một tinh thần nguyên sơ chưa bị ẩu tả và giả dối làm cho biến chất. Cái này rất hiếm nhưng cũng thật quá mong manh để giữ được. Càng về sau đạo diễn và cả ê-kíp càng hay gọi em là Vũ, một chỉ dấu của thành công… Nhưng đó chưa phải là tất cả. Về sau khi phim đóng máy ít lâu, Hoàng thất nghiệp nằm nhà một hôm điện đến hỏi “Em có nên theo nghề diễn nữa không anh?” Câu trả lời là “Không. Không”, không phải vì Hoàng không có khả năng, mà là nhắc em lường trước được sự bấp bênh của nghề diễn ở Việt Nam hiện thời. Diễn viên của chúng ta, dù giỏi đến đâu cũng không thể quyết định được vị trí của mình. Nữa là em cũng không phải type “hotboy” hay hậu phương đủ mạnh. Và còn phải nghĩ đến chuyện cơm áo để nuôi gia đình về sau…
Nhưng cái em phải lo nhất là em có thể rơi vào tay một đạo diễn không coi vai của em đủ quan trọng để rồi quấy quá cho xong, hoặc tệ hơn, xem em là phỗng nói làm nền cho diễn viên khác tung tác…
Hôm trước, gặp em ở studio cho bộ ảnh sắp lên báo trước khi đi Berlin em lại cho biết, em có thể sẽ cast cho show thực tế “Cuộc đua kỳ thú” trên truyền hình. Ừ, thà như thế còn hơn, nhất là lần này em có người yêu đứng cạnh cổ vũ chứ không phải chị gái. Chúc em thành công!
(*) Aliosa là nhân vật đặc biệt, “nhân vật của thời đại chúng ta” trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” của đại văn hào Nga Dostoievsky.
Chuyên đề: New Faces, New Talents 2015
Nhà soạn nhạc người Pháp thuộc trường phái lãng mạn Hecto Berlioz (1803-1868) nổi tiếng nhờ bản “Grande Messe des morts” (Khúc cầu hồn) từng nói, “sự may mắn vì có được tài năng là không đủ; anh còn phải có tài năng tìm được may mắn”.
Rõ ràng không phải tài năng nào cũng tìm được sự may mắn. Nhưng cũng có rất nhiều người, nhờ được phát hiện, được giới thiệu bởi một tài năng đã được công nhận, họ dần dần bước ra khỏi vùng bóng tối để giới thiệu tài năng của mình đến công chúng. Được phát hiện và được công nhận, đó có lẽ là sự may mắn lớn nhất đối với bất cứ một tài năng nào. Và biết đâu sau này, chính những tài năng trẻ này lại tiếp tục phát hiện và giới thiệu những tài năng mới của thế hệ tiếp theo. Nó cũng giống như hình ảnh “pay it forward” – sự tiếp nối, sự liên tài giữa các thế hệ tài năng.
Những gương mặt trong cụm chuyên đề “New Faces, New Talents 2015” có người đã khá nổi tiếng (như nhóm 365 và Ngô Kiến Huy); có người bắt đầu được chú ý (như Hoàng Hà và Thanh Duy sau bộ phim “Đập cánh giữa không trung”); và có những gương mặt còn rất mới mà rất có thể quý vị mới nghe lần đầu như nhạc sĩ hòa âm Nguyễn Thanh Bình, nghệ sĩ violon nhí Quang Tiến và chàng nhân viên ngân hàng đi đóng phim Lê Công Hoàng. Và hầu như tất cả họ đều là những tài năng được phát hiện (hoặc tái phát hiện) bởi những người thầy, những người đào tạo và hướng dẫn họ – những tên tuổi đã được “bảo chứng” như nghệ sĩ violon Bùi Công Duy; đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Quang Dũng; nhạc sĩ Anh Quân; nghệ sĩ giải trí đa năng Ngô Thanh Vân. Trong chuyên đề này, chính những người thầy, những người đồng nghiệp lớn này sẽ giới thiệu và chia sẻ về họ.
Bài cùng chuyên đề:
– Isaac và 365 – Hành trình từ cậu bé chân quê thành hoàng tử
– New Faces New Talents 2015 – Nguyễn Thanh Bình
– New Faces New Talents 2015 – Hoàng Hà, Thanh Duy
Text: Phan Dang Di
Photo: Tuan FR.
Stylist: Thi Thi
Make-up: Dinh Nhon