Lê Cát Trọng Lý: ” Tôi sống mà không cần cố gắng”

– Âm nhạc của  Lý bây giờ đã được nhiều người biết đến và mến mộ. Điều đặc biệt là fan của Lý không giới hạn ở bất kì độ tuổi, đối tượng nào. Lý có thấy rằng thành công như vậy là quá sớm đối với một cô gái 26 tuổi?

– Thật ra tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều về thành công. Tôi không đặt mục tiêu cho những việc mình làm là phải thành công. Tôi cứ làm những việc mình thích, tự do theo đuổi đam mê. Còn việc được nhiều người yêu mến, với tôi, là một điều may mắn.

– Công chúng có quyền có những trông đợi nhất định ở người nghệ sĩ mình yêu mến. Có bao giờ Lý cảm thấy bị gò bó, không được là chính mình vì phải sống cho những sự yêu mến đó?

– Không. Tôi cảm thấy giờ đây tôi là chính tôi. Khi là chính mình, tôi sống mà không cần cố gắng. Đó là lý do tôi cảm thấy mình may mắn vì được khán giả yêu mến chính con người thật của mình.


 

– Nhiều người thắc mắc rằng một cô gái nhỏ nhắn với tuổi đời còn ít như Lý thì lấy đâu ra vốn sống để cho ra đời những ca khúc mang đầy những chiêm nghiệm, triết lý về đời? Có lẽ người ta luôn thắc mắc những điều bí ẩn phía sau những bài hát của Lý. Lý có thể chia sẻ thêm?

– Vốn sống à? Thì mình cứ sống thôi. Tuổi tác không phải là điều quyết định làm nên vốn sống nhiều hay ít của một con người. Quan trọng là họ đã trải qua những gì và cảm nhận như thế nào về những điều đó. Còn nếu khán giả hỏi về những gì tôi đã trải qua thì tôi nghĩ các ca khúc của tôi là câu trả lời hay nhất.

– Khi nghe nhạc của Lý thấy trong đó có khá nhiều nỗi buồn, sự đau thương, mất mát. Điều này khiến cho khán giả không khỏi tò mò rằng phải chăng Lý đang buồn?

– Cuộc đời thì ai mà chẳng có nỗi buồn. Nếu xem buồn, vui là những gia vị không thể thiếu của cuộc sống, bạn sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về chúng. Song song với những bài hát có vẻ ưu tư như “Hương lạc”, “Ê gió”, tôi cũng có một số bài hát rất tươi sáng đó chứ, ví dụ như “Mùa yêu”, “Thương”. Mỗi ca khúc là một khúc mắc của tôi về cuộc sống, và vì khúc mắc nên tôi viết.

– Có nghĩa là Lý chỉ sáng tác để thỏa mãn cảm xúc cá nhân chứ không xác định đối tượng khán giả cụ thể?

– Người ta thích một bài hát là khi họ tìm thấy sự đồng cảm nhất định với tác giả. Âm nhạc là vậy! Với tôi, tôi yêu bản thân mình. Tôi muốn mình được hạnh phúc nên tôi làm theo những điều tôi tin và tôi muốn. Tôi nghĩ nếu mình không hạnh phúc thì những việc mình làm cho người khác đều vô nghĩa. Mình không hạnh phúc thì mình làm sao mang hạnh phúc đến cho người khác? Mình không bình yên thì làm sao mình hát ra bình yên được?


 

– Trên các cộng đồng mạng xã hội, nhiều người còn gọi Lý là một Trịnh Công Sơn thứ hai của Việt Nam. Lý nghĩ sao về điều này?

– Tất nhiên là cũng cảm thấy vui nhưng tôi tự cảm thấy mình không thể so sánh được. Xét về mọi mặt, tôi chẳng là gì so với bác Trịnh Công Sơn. Bác đã sống và cống hiến rất nhiều, bậc con cháu như tôi phải nên học hỏi nhiều.

– Lý có nghĩ rằng mình bị Trịnh Công Sơn ảnh hưởng về tinh thần âm nhạc?

– Nói về tinh thần âm nhạc thì có lẽ John Lenon là một trong những người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với tôi. Còn nói về các nhạc sĩ trong nước thì tôi thích và thường nghe nhạc của bác Phạm Duy.

– Hiện nay có rất nhiều các ca sĩ nữ đẹp về cả sắc vóc lẫn giọng hát. Họ lại rất chịu khó đầu tư vũ đạo, công nghệ cho những sản phẩm âm nhạc của mình. Trong khi đó, Lý lại rất mộc mạc, giản dị. Lý có lo lắng rằng sự hứng thú của khán giả đối với Lý sẽ dần bị bão hòa nếu không thay đổi?

– Đối với tôi, quan trọng nhất vẫn là làm sao để cho sản phẩm âm nhạc được tốt nhất trong khả năng của mình. Tôi lấy đó làm nền tảng cho việc phát triển sự nghiệp của mình. Nếu không có sản phẩm âm nhạc tốt thì những điều khác đều không bền vững.


– Thế nhưng, cho người ta ăn mãi một món cũng chán. Lý nghĩ sao?

– Thật ra tôi luôn học hỏi để cho đời ra những tác phẩm mới. Thời gian qua tôi sống tại Hà Nội nhiều là để học những thứ cần học và tìm hiểu về những dụng cụ âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó, mỗi khi có ca khúc mới là tôi đều tổ chức những đêm diễn nho nhỏ, khoảng vài chục người thôi và hoàn toàn không PR, báo chí gì cả. Thế nên nhiều người nghĩ là tôi biến mất nhưng thật ra là tôi vẫn đang làm việc.

– Cách đây gần hai năm, Lý được ví như “con cưng” của truyền thông vì bất kì tờ báo nào cũng không tiếc lời khen đối với Lý. Nhưng từ đó đến nay, Lý rất ít xuất hiện và ngay cả tổ chức biểu diễn cũng rất khiêm tốn và “bí mật”. Phải chăng Lý đang rạch ròi giữa một ngôi sao giải trí và một nghệ sĩ?

– Tôi không xuất hiện nhiều vì tôi cảm thấy không cần thiết.

– Được biết là Lý tham gia làm nhạc cho chương trình trình diễn ánh sáng rất hoành tráng do Lãnh sự quán Pháp tổ chức vào ngày 13 và 14/12 tại Dinh Thống Nhất (Tp.HCM). Tại sao Lý lại chọn xuất hiện trước truyền thông vào dịp này?

– Một người bạn rất thân thiết của tôi, nghệ sĩ người Pháp Philippe Bouler, là đạo diễn nghệ thuật của chương trình này. Ông mời tôi và một nhạc sĩ người Tây Ban Nha, izOrel, sáng tác nhạc cho các đoạn trình chiếu ánh sáng. Tôi có dịp gặp Philippe Bouler khi hát trong một phòng trà cách đây 5 năm. Từ đó, chúng tôi trở thành bạn và ông cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong con đường phát triển âm nhạc.

– Lý có thể chia sẻ thêm về chương trình này?

– Toàn bộ mặt tiền của Dinh Thống Nhất sẽ được biến thành một màn hình khổng lồ, các kỹ sư, nghệ sĩ hình ảnh của Allumeurs d’Images (Pháp) sẽ dùng ánh sáng để trình chiếu các hình ảnh thân thuộc trong lịch sử – văn hóa Việt như sự tích con rồng cháu tiên, Âu Cơ – Lạc Long Quân, hoa sen, rặng tre, đồng lúa… Mỗi lần trình chiếu như thế sẽ kéo dài khoảng 15 phút và  mỗi đêm sẽ có 7-8 lần chiếu. Tôi và nhạc sĩ cũng sẽ tham gia biểu diễn trực tiếp trong chương trình này.

– Cám ơn Lý đã chia sẻ!

Dự án trình diễn hình ảnh ánh sáng và âm nhạc lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra tại Dinh Thống Nhất (Tp.HCM) trong hai đêm 13 và 14/12/2013.

Ánh sáng, hình ảnh được chiếu trực tiếp lên mặt tiền của Dinh tạo nên hiệu ứng thị giác ba chiều kết hợp với âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý và nhạc sĩ izOrel, hứa hẹn sẽ là một show trình diễn độc đáo nhất từ trước đến nay.

Chủ đề của buổi trình diễn ánh sáng là câu chuyện gắn liền với lịch sử, văn hóa và cuộc sống của người dân Việt Nam cũng như Dinh Thống Nhất. Hoạt động này nhằm tôn vinh những Di sản xưa và nay thông qua các hình ảnh kích cỡ lớn, nhấn mạnh từng đường nét, từng họa tiết của kiến trúc nhằm tôn vinh kiến trúc Dinh Thống Nhất.

Đây là hoạt động bế mạc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp 2013. Chương trình bắt đầu từ lúc 19g và cho phép người dân vào cửa tự do để thưởng lãm.

 

Bài: Hoàng Khánh

Ảnh: Maika Elan



>>> Có thể bạn quan tâm: Người mẫu Trương Tri Trúc Diễm khởi động… lại sự nghiệp điện ảnh của mình bằng việc góp mặt trong một bộ phim “nặng ký” của điện ảnh Việt năm nay, “Âm mưu giày gót nhọn”. Nhân dịp tham gia bộ ảnh “Hội hè miên man” trong Tạp chí Đẹp số 179, cô đã có buổi nói chuyện chớp nhoáng với chúng tôi về nghề nghiệp và những vấn đề rất “phụ nữ” khác.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category