Lê Cát Trọng Lý: “Tôi cứ làm những cái nhỏ thôi, vui mà!”

Tôi cũng thử gai góc rồi đấy chứ! Không ổn…
– “Lam đánh thức – Lý ru ngủ”, chị có thấy công bằng không, khi nói về âm nhạc của Thanh Lam và Lê Cát Trọng Lý như vậy?
– Ồ hay đấy! Vì khi chị Lam hát lên một câu là thấy rõ sự công phá, thấy một điều gì đó tự nhiên phát ra như vũ bão. Tôi thì bị hạn chế hoàn toàn về khả năng đó. Tôi chỉ có một khả năng là sắp xếp sao cho mọi thứ khéo léo để mang đến cảm giác dễ chịu. Mà đúng là có người buồn ngủ khi xem tôi diễn đấy! Chẳng hạn có trường hợp một anh bạn trai phải đi cùng bạn gái đến xem tôi, anh ấy ngồi ngủ, còn cô gái thì dán mắt lên sân khấu.
– Chị muốn người ta ngủ hay thức cùng mình?
– Tôi có xu hướng như thế nào cũng được, miễn là họ đừng có khó chịu quá thôi. Còn họ buồn ngủ mà ngủ được thì cũng vui mà. Và tôi nghĩ, nếu việc ngủ đó có giá trị với họ, họ mới mua vé chứ! Nên tôi cứ đánh giá trên việc mình có bán được vé không thôi à! Chứ mình làm một chương trình mà không bán được vé thì cũng nên xem lại (cười).
– Khi soi gương, chị nghĩ thế nào về sự nhỏ nhắn của mình?
– Lúc soi gương ấy à, tôi thấy mình bình thường, không thấy mình nhỏ. Tôi chỉ biết mình nhỏ khi xem lại phim quay hình thôi.
– Nhưng chị nhìn thấy sự nhỏ nhẹ của mình không?

– Tôi có nhỏ nhẹ, nhưng không phải là “ngây thơ trẻ con”. Tôi không có ngây thơ. Tôi chỉ rất thích được giống trẻ con. Tôi thích những phẩm chất tốt mà chỉ có trẻ con mới có, ví dụ như ít khi ngại, và rất dễ vui.

– Để được vui, có lúc nào chị ước mình trở nên mạnh mẽ hơn không?

– Tôi ít có nhu cầu trở thành một người tỏ ra mạnh mẽ. Trừ khi, đó là một người mạnh mẽ thực sự, ẩn sau vẻ dịu dàng, thì tôi mới mong muốn được giống như họ. Nhưng trước đây tôi từng muốn tỏ ra mạnh mẽ. Chẳng hạn như năm 21, 22 tuổi, tôi từng muốn mạnh mẽ theo kiểu độc lập, không cần ai hết. Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra những hạn chế và yếu ớt bên trong mình, nên tôi bước sang khái niệm mạnh mẽ khác: Không ngại nói khó khăn của mình với người tin tưởng và xin sự chia sẻ từ họ. Và ngược lại.
– Chị có biết lý do vì sao nhạc sĩ Quốc Trung hết chọn Lý biểu diễn ở Monsoon lại mời Lý đứng chung sân khấu với Thanh Lam ở Macadamia concert 2015 – “Tình ca 90” không?
– Tôi không biết. Tôi chỉ thấy mình thực sự rất hãnh diện mà thôi.
– Cảm giác đứng chung sân khấu với diva số 1 thế nào?
– Tôi làm đúng nhiệm vụ của mình thôi. Tôi chỉ nghĩ hát làm sao để cho hai người “dính” vào nhau nhất có thể. Tôi không nghĩ nhiều lắm khi biểu diễn.
– Cái giỏi nhất và hay nhất của Thanh Lam, theo chị?
– Trời ban cho chị Lam một giọng hát “khủng” lắm, hiếm khi phô chênh, nốt nào ra nốt đó, đó là điểm hơn người. Nếu “quăng” Thanh Lam vào một ban nhạc, hoặc chỉ với một cây đàn, chị ấy đều “chiến” được hết. Ngoài việc phải rèn luyện thì tôi nghĩ chị là một tài năng mà trong cả triệu người hát mới có được một người.
Ngoài ra, chị Lam còn có cá tính rất mạnh. Cá tính không thỏa hiệp tạo nên giá trị của chị. Có điều, sau này chị ít có ca khúc mới, nên có thể vì thế mà mình ít thấy chân dung của chị ấy hơn. Ngày xưa tôi không nghe nhạc chị Lam nhiều, tại chị ấy mãnh liệt quá. Nếu nghe liên tục một khối lượng bài của chị, tôi sẽ bị mệt, dù tôi thích chị ấy. Nhưng với một nghệ sĩ, họ có nhiều cách để chúng ta tương tác lắm, đời sống của họ, gu âm nhạc của họ, cá tính… – có rất nhiều cái để mình thích được.
– Thanh Lam có nhắn nhủ Lý rằng, Lý đừng mãi chỉ đáng yêu như vậy. Ý Lam nói về âm nhạc của chị…

– Tôi hiểu, âm nhạc mình lựa chọn ít gai góc nhưng tôi cũng không có nhu cầu làm nó gai góc hơn. Vì nhạc của tôi làm thiên về để nghe hơn là để diễn. Tôi thích cảm giác người ta có thể nghe được để ngủ, điều đó làm tôi hạnh phúc.


Chị Lam nói vậy vì có thể mục đích của chị và tôi khác nhau nhiều quá. Còn đường mình đi, tôi nghĩ nếu có đủ khả năng làm gai góc như cá tính của mình thì cũng tốt. Nhưng nếu mình có thể làm cho nó hiền hòa thì tại sao không? Tôi thấy mình trội hơn về sự hiền hòa. Thực tế tôi đã thử làm gai góc rồi nhưng nó làm cho người ta hơi mệt và không mang đến cảm giác giúp người nghe bứt phá. Và khi nghe lại những bài đó, tôi cũng thấy mình đang bị cố quá.
  

Tôi “duy nhất” chỉ là do… may mắn

– Có quá lời không nếu nói Lam là số 1, còn Lý là duy nhất, ở Việt Nam, lúc này?
– Chị Lam đúng là số 1. Bởi cách hát của chị, người ta học không nổi. Còn bản thân tôi, tôi thấy là do… may mắn. Ở Việt Nam, mô hình như tôi chưa ai làm, trong khi đó, quốc tế thì đã có hẳn nửa thập kỷ với hàng triệu người đã làm như thế.
Từ bé, tôi hay hỏi mình thực sự muốn gì và cái tôi muốn thường không rõ ràng. Chẳng hạn tôi rất thích sự bình an, nên tôi sẽ không bao giờ đánh đổi danh dự, tiền bạc hay quyền lực để lấy sự bình an. Và trong âm nhạc, những “keyword” kiểu như vậy dẫn mình đến việc làm nhạc thế nào, hợp tác với những ai. Tôi không có ý nghĩ sẽ trở thành ai, thành cái gì trong 5 năm hay 10 năm tới.
Lúc mới làm nghề, tôi nghe nói là để thành công phải làm điều này, điều kia, thậm chí phải lên giường với người này, người kia hay phải có bao nhiêu tiền. Tôi tự hỏi, còn có cách nào khác không, phải có một con đường nào đấy khác chứ, chẳng lẽ đời buồn vậy. Và tôi tự tìm ra con đường của mình. Tìm một hồi thì nó thành nghề của mình. Tôi không cần thành tựu ghê gớm lắm đâu, tôi cứ làm những cái nhỏ thôi, vui mà! Có tiền, tôi thường dành dụm để đi gặp mấy người hay hay, để mua sách, để đi học… Những niềm vui nho nhỏ ấy giúp tôi thấy mình có một đời sống thực sự giàu có.
– Nói về sự học, Thanh Lam bảo, 28 tuổi như Lý, nếu không nhanh thì quá muộn đấy, vì “ăn vào mình” nhanh hết lắm!

 

– Tôi cũng nghĩ đến một lúc nào đó mình cần phải đầu tư thêm cho nghề. Giống như mình có bột, có màu nhưng chưa có khuôn. Cần phải học cách tạo ra cái khuôn đó.

Tôi biết rõ mình bị hạn chế, mình chưa đủ kỹ năng khi muốn tạo ra những không gian âm nhạc rộng lớn hơn, nên tôi nghĩ mình sẽ phải học để bổ sung điều đó. Việc học tất nhiên không giúp mình sáng tác hay hơn, vì chuyện sáng tác hay hoặc dở, nó thiên về tâm hồn. Nhưng để hay trong một hình thức tác phẩm thì phải học. Nếu không học, khi sử dụng kỹ năng, mình sẽ rất vụng về và bộc lộ nhiều cái không cân bằng. Hiện tôi đang học tiếng Anh và những kiến thức căn bản để sang năm đi học.

– 7 năm được biết đến với một cây đàn ghi ta và một bài hát, bây giờ, chị nghĩ mình đã có những gì?

– Hồi 19 tuổi tôi có một cây đàn ghi ta, tôi viết bằng cây đàn đó rồi tôi chơi nhạc một mình, may mắn được người ta thích. Đi diễn nhiều hơn, chơi một mình chán quá nên tôi gọi thêm bạn, tôi hát với hai cây ghi ta. Rồi tôi vẫn muốn thêm nữa nên gọi thêm người chơi violon, cứ như vậy, dần dần ban nhạc mở rộng hơn. Trong đĩa “Những kẻ mộng mơ”, tôi chơi với rất nhiều nghệ sĩ khác nhau, đến bây giờ vẫn song hành cùng họ.
Còn không gian âm nhạc của mình, tôi nghĩ nó giống như câu chuyện cổ tích mình từng được nghe lúc nhỏ, nhưng khi lớn lên thì mình quên hết. Cái tôi muốn là tái hiện lại không gian đó, cảm giác đó, không cũ và không mới.
– Là duy nhất, nhưng Lý không phải là người kiếm được… nhiều tiền. Vậy duy nhất để… làm gì nhỉ?
– Hiện nghề đang giúp tôi sống tốt. Còn nghĩ đến xa hơn, trở thành bộ máy kiếm tiền chẳng hạn, tôi sợ lắm. Tôi không sợ chuyện kiếm tiền mà tôi sợ toàn bộ thời gian và tâm trí của mình bị choán bởi công việc đó. Đôi khi tôi sợ mình không biết làm gì với một đống tiền trước mặt, vì tôi nghĩ, mình phải đủ trí tuệ để sử dụng đồng tiền thì mới nên đầu tư kiếm nó. Ngược lại thì rất nguy hiểm. Tôi thấy nhiều người thành công sớm, khổ lắm, dễ hư người lắm…
Lam & Lý – Số Một & Duy nhất

Lam số Một – Lý duy nhất; Lam đàn bà – Lý trẻ thơ, Lam đánh thức – Lý ru ngủ; Lam lẫm liệt – Lý mong manh; Lam âm vang – Lý thỏ thẻ; Lam bao trùm – Lý khép nép, Lam vững chãi – Lý “chênh vênh”… Đó gần như là một phát hiện của Quốc Trung và Tùng Dương (hơn là của Đẹp) khi đặt hai sự đối lập đầy thú vị đó cạnh nhau trên sân khấu Macadamia concert 2015 và sắp tới là live show “Tùng Dương – Một thập kỷ hoan ca”.
Có chăng, Đẹp chỉ là người nhìn ra dụng ý đó, và nhanh tay chọn họ…

                                                                         Thực hiện: Thư Quỳnh – Thục Khôi 
                                                          Nhiếp ảnh: Tuấn Anh (Lieta Studio), Trọng Đức
Đọc thêm:

From the same category