Lê Cát Trọng Lý: Thế thôi, đừng lý trí nữa

Gặp Lý bây giờ, tôi khá bất ngờ với mái tóc cắt ngắn lún phún. Nhìn Lý chẳng khác nào cậu trẻ con tinh nghịch. Đâu rồi hình ảnh của “chim sẻ tóc xù”? Thấy tôi ngạc nhiên, Lý cười bảo, “Có gì đâu, chỉ là vừa mới cắt tóc thôi mà”. Những ngày sống ở Hà Nội, có người bạn rất yêu quý và muốn cắt tóc cho cô. Cô ngồi yên để bạn cắt tóc và kết quả là bị cắt lẹm vài mảng tóc trên đầu. Cuối cùng phải chữa cháy bằng cách ra tiệm nhờ người ta cắt tóc ngắn như con trai. Khi Lý nói đến đó, cô phá lên cười, cầm tay tôi đưa lên mái tóc cô. Lý là vậy. Chuyện gì cũng nhẹ nhàng, cũng bất ngờ và có thể khiến cô thích thú. Trong Lý tràn trề sự hồn nhiên và phần nào… điên điên.

Nhớ lại mấy năm về trước, khi Lý xuất hiện, ôm đàn guitar và hát trong vài tiệm cà phê, rồi bật lên trong chương trình Bài hát Việt, cô đã thực sự tạo nên cơn sốt trong lòng người yêu nhạc. Đâu đâu cũng nghe những người trẻ tuổi đôi mươi cất lên câu hát: Ta đã yêu nhau, thề mãi mãi bên nhau cơ mà? Anh bỗng ra đi, anh ra đi vội vã. Cơn bão nghiêng đêm, anh quên em thật sao? (Cơn bão nghiêng đêm)… Âm nhạc của Lý trộn lẫn ngôn từ đẹp với những chiêm nghiệm triết lý về tình yêu và nhân sinh. Người ta có thể thấy lòng mình, soi rọi những tháng năm tuổi trẻ hoang mang, nhiều mất mát và tổn thương trong âm nhạc của Lý. Khó có ca sĩ nào tạo sự đồng cảm nhiều như vậy. Yêu mến nhiều nên chẳng mấy chốc mà người ta vội vã so sánh Lý với Trịnh Công Sơn, thật tội cho Lý quá.

 

Có ngồi nghe Lý hát mới cảm nhận được tình yêu của giới thưởng ngoạn dành cho cô. Từng khuôn mặt đăm chiêu và trầm ngâm, tựa như nhập vào từng lời Lý hát. Không ai nỡ xao lãng khi cô gái bé nhỏ đang hát như thể rút ruột mình ra.

Không đơn thuần là ca sĩ, Lý đã trở thành biểu tượng ngưỡng vọng của rất nhiều người trẻ. Thậm chí, sau khi cô trở thành hiện tượng lạ, không cần thống kê cũng nhận ra rằng số lượng những ca sĩ nữ ôm guitar hát và sáng tác tăng lên đáng kể. Bao nhiêu trong số đó đang mơ về ngày thành công như Lê Cát Trọng Lý?

Cho đến giờ, Lý vẫn nhận không ít lời khen ngợi. Mười bài báo viết về cô thì hết mười bài đều khen: Về âm nhạc, về con người, về sự thông minh của cô. Ở Lý có sự mỏng manh và hồn nhiên đến độ không ai muốn làm đau hay nỡ chê cô. Nhưng với tôi, chính sự ưu ái đấy đã vô tình nhốt Lê Cát Trọng Lý trong vòng tròn “xinh – hiền – ngoan”, cái vòng chuẩn mực mà đám đông mong muốn. Mà với người nghệ sĩ, điều đó có khác nào bi kịch?

– Xin lỗi nếu tôi tò mò và cố chấp. Nhưng nhìn mái tóc ngắn này của bạn, tôi nghĩ không đơn giản chỉ là chuyện cắt tóc. Phụ nữ thường cắt tóc khi đang trải qua chuyện buồn. Có sự liên quan nào giữa mái tóc này và một năm im lặng vừa rồi của Lê Cát Trọng Lý không?

– À, lại chuyện cắt tóc nữa sao? (Cười) Chỉ là cắt tóc thôi. Và tôi thật sự rất thích mái tóc ngắn này. Còn chuyện im lặng của tôi suốt quãng thời gian vừa qua là vì tôi chưa có chuyện gì mới để chia sẻ. Sau chuyến du ca xuyên Việt, tôi vẫn đi hát, nhưng điều đó đâu có gì mới.

– Vậy chắc chắn một năm qua, không có nỗi buồn nào?

– Chuyện buồn thì ai cũng có. Tôi xin giữ nỗi buồn cho riêng mình, nhé?

– Từng là cục cưng của truyền thông suốt thời gian dài, bỗng dừng lại chọn cách xa dần truyền thông. Lê Cát Trọng Lý không sợ sẽ lại có một ai đó thay thế vị trí của mình sao, nhất là trong thời buổi người ta có thể nổi tiếng chỉ sau một đêm?

– Tôi không nghĩ mình là cục cưng của truyền thông đâu. Có thời điểm, tôi xuất hiện nhiều trên báo là do sự trùng hợp thôi. Thật may mắn khi truyền thông dành sự ưu ái cho tôi. Nhưng đôi khi nhìn lại những hình ảnh trên truyền thông, tôi không thấy chân dung của mình. Đọc nhiều bài viết, tôi thấy hiện lên một chân dung Lê Cát Trọng Lý đạo đức giả quá, nói toàn lời hay ý đẹp. Đó đâu phải là tôi. (Cười) Con người, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Nếu cứ cho người khác nghĩ mình hoàn hảo, đến khi gặp điều gì đó về mình, họ sẽ tổn thương. Mà thôi, chắc vì những người viết về tôi thương tôi nên hơi… quá tay. Thì thôi, chỉ còn cách là tránh đi một chút, để là chính mình.

– Vậy là bạn đã thừa nhận áp lực từ những lời khen? Khi bạn xuất hiện, tôi theo dõi về bạn và hầu như không thấy bài báo nào chê bạn cả. Tôi rất ngạc nhiên. Và hơi bất nhẫn một chút, tôi ước giá ai đó chê bạn, bởi người trẻ cần lắm những khen chê thật lòng để tiến xa hơn, chứ không phải những cái xoa đầu như thế.

– Người ta có thể khen mình, nhưng đừng vội mừng. Có khi chỉ là cách dùng mình để nâng họ, để đạt mục đích của họ. Bây giờ tôi nhận ra điều đó thì có muộn không nhỉ? Cũng đáng buồn, phải không? Cuộc sống mà, phải có những bài học để mình lớn lên.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người đặc biệt. Cách tôi chọn con đường mình đi, trên thế giới đã có nhiều người làm. Quan trọng là mình phải biết thực sự mình cần gì. Những người theo con đường underground như tôi, một là sống, hai là chết. Sẽ có lúc giữa chặng đường đi, phải thay đổi cho phù hợp với xu thế. Sẽ có lúc bị thị hiếu làm cho hoang mang. Nếu yêu con đường mình đi thì cứ đi, mặc kệ chung quanh. Cứ làm, rồi nhất định sẽ thành công. Nhưng nếu không có tình yêu thì dễ buông xuôi giữa chừng. Bởi con đường này sẽ không có ánh đèn lấp lánh, những lời tung hô. Sẽ không kiếm được nhiều tiền, xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí. Tôi biết, giữa chặng đường đi đã có nhiều người bỏ cuộc, đánh đổi và chọn con đường khác.

– Đúng như bạn nói, nền âm nhạc Việt chứng kiến nhiều cuộc vụt sáng của nghệ sĩ dòng underground, nhưng sau đó họ lại chìm vào quên lãng, hoặc trở thành tâm điểm của những scandals, chẳng liên quan gì đến âm nhạc. Đến giờ, bạn không vướng vào hai điều ấy. Nhiều người nói, Lý khác biệt là bởi Lý thông minh và lý trí nên luôn biết giới hạn của mình. Nhưng người khôn ngoan và lý trí quá hóa ra lại là người thiệt thòi, phải không?

– Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện. Tôi thích ngồi uống bia ở khu Bùi Viện, ngắm phố phường, ngắm người qua lại. Có hôm, khi tôi đang uống bia, một bé khoảng bốn, năm tuổi được mẹ chở đến gần tôi. Mẹ bé nói, con hâm mộ cô ấy thì con xin chữ ký của cô ấy đi. Bé xin chữ ký và nói với tôi rằng tôi là thần tượng của bé. Khi ấy tôi xấu hổ lắm. Tôi biết, không chỉ có khán giả lớn yêu quý mình. Khi các em nhỏ nhìn vào tôi, biết đâu em sẽ bắt chước? Điều đó chính là áp lực để tự điều chỉnh và không cho phép mình đi quá đà.

Khán giả của tôi hiền lắm. Tôi yêu khán giả của mình và tôi biết họ cũng yêu tôi. Lê Cát Trọng Lý chỉ là người bình thường, lúc tốt lúc xấu và sợ khán giả sẽ tổn thương nếu ngày nào đó mình không được như trong tưởng tượng của họ.

– Nhưng nếu mang lý trí ấy vào trong âm nhạc thì sẽ như thế nào? Có giận không, nếu tôi nói chính lý trí đã khiến âm nhạc của Lý cứ lẩn quẩn, không thoát ra được lối mòn sau chừng ấy năm?

– Không, tôi không giận, vì bạn nói đúng. Ngày trước, tôi nghĩ mình sáng tác không có chút lý trí nào. Bây giờ nhìn lại, tôi đối diện với thực tế rằng mình đã từng lý trí và từng tạo cho mình những công thức riêng trong âm nhạc. Khi ấy âm nhạc của tôi tìm đến sự đồng cảm của số đông. Tiết chế nhiều trong sáng tác. Bây giờ tôi hiểu không thể có cả trăm ngàn người thích mình, không thể có sự đồng cảm từ nhiều người. Mình chỉ cần chia sẻ với một nhóm nhỏ, được đồng cảm với họ là đủ rồi. Điều đó khiến âm nhạc chân thật hơn. Nếu kiên trì, thì nhóm nhỏ đồng cảm đó sẽ lớn dần lên.

– Có nên vui mừng khi Lê Cát Trọng Lý đã thoát khỏi áp lực danh tiếng?

– Ừ nhỉ! Áp lực của danh tiếng, mình nghĩ nó không tồn tại, nhưng nó thức sự tồn tại ngay cả khi mình không nghĩ về nó. Từng có thời mà trước khi biểu diễn tôi sợ nhiều thứ lắm. Sợ người ta không thích mình, không yêu quý mình nữa. Sợ mọi thứ vụt mất. Nhiều khi hát mà không có cảm xúc nhiều, mệt nhưng phải cố gắng vì đã xem nó là công việc. Còn giờ đây, những điều ấy không còn quan trọng. Không phải chạy theo thị hiếu nữa. Chỉ cần một nhóm nhỏ hiểu mình là đã thấy hạnh phúc rồi. Tôi đang hướng đến việc sáng tác, tổ chức những chương trình rất nhỏ, từ 30-40 người nghe hát.

Thôi, sẽ giảm lý trí nhé? (Cười) Chẳng biết ngày mai mình còn sống hay không. Còn ngồi đây thì chia sẻ tình cảm với mọi người. Tôi mong âm nhạc của mình sẽ giúp mọi người khây khỏa.

Và tôi cũng mong Lý được khuây khỏa mỗi ngày.


Lý và thời trang

>> Lê Cát Trọng Lý không thích mặc váy, vì cô cho rằng chân mình rất… xấu. Trang phục yêu thích của cô là các loại quần kaki, quần tây và áo sơ mi trắng.

>> Cô thích sưu tập những đôi giày lạ. Loại giày yêu thích nhất của cô là giày thể thao. Nhưng cô lại sưu tập nhiều giày cao gót để ngắm.

>> Cô thích mặc quần áo với những gam màu đơn giản. Cô thường gọi mình là “búp bê bị hỏng” nếu khoáng lên mình các loại váy áo điệu đà.

Bài: Yến Linh

Theo f


From the same category