Lão hóa da dưới cái nhìn của bác sĩ chuyên khoa

Cuộc sống luôn thay đổi và da là bằng chứng. Nhiều yếu tố định đoạt làn da của chúng ta khi ta càng lớn tuổi: mặt trời, khí hậu khắc nghiệt, các thói quen xấu của chúng ta.

Thưa Tiến sỹ, xin Tiến sỹ cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến lão hóa, nguyên nhân nào có tác động lớn nhất đến quá trình này?

Tiến sĩ Phạm Hữu Nghị: Làn da của bạn lão hóa như thế nào phụ thuộc vào một số yếu tố: lối sống của bạn, chế độ dinh dưỡng, di truyền và các thói quen cá nhân bạn.

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là gen. Gen quy định quá trình lão hóa của bạn. Tuy nhiên, nhân tố này chiếm khoảng 10%.

Nguyên nhân thứ hai là tác động ngoại môi. Tác động này có hai dạng. Nếu là tác động thuận lợi thì sẽ giúp bạn kéo dài quá trình lão hóa, dẫn đến tuổi thọ cao. Nếu là tác động không thuận lợi thì nó sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa, rút ngắn tuổi thọ lại. Nhìn chung, sự phát triển của xã hội mang đến môi trường sống nhiều thuận lợi hơn cho quá trình lão hóa. So với trước đây, tốc độ lão hóa hiện nay chậm hơn rất nhiều.

Nguyên nhân thứ ba là do thói quen cá nhân của bạn. Nguyên nhân này rất quan trọng. Vì đây là những yếu tố bạn có thể làm chủ được.  Ví dụ, bạn có hút thuốc hay không? Hút thuốc có thể sinh ra các gốc tự do và các phân tử oxi cần cho cơ thể của bạn phải hoạt động quá tải và trở nên không ổn định. Các thói quen sinh hoạt không tốt sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa hơn.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác. Các yếu tố đầu tiên góp phần tạo nên các nếp nhăn, vết đồi mồi của làn da là sự lão hóa tự nhiên, tiếp xúc với ánh nắng (lão hóa do ánh sáng: quang lão hóa), mất tổ chức nâng đỡ dưới da (lớp chất béo giữa da và cơ). Các yếu tố khác góp phần vào sự lão hóa bao gồm cả “stress” (sự căng thẳng), trọng lượng co thể, sự chuyển động của cơ mặt hàng ngày, béo phì và tư thế khi ngủ.

Có rất nhiều người chỉ khi thấy xuất hiện các nếp nhăn trên da mới nghĩ tới chuyện chống lão hóa. Theo Tiến sĩ, chống lão hóa vào lúc đấy đã là muộn hay chưa?Quá trình lão hóa diễn ra như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Hữu Nghị: Quá trình lão hóa ban đầu là sự lão hóa tự nhiên. Các thay đổi của làn da theo tuổi tác được thể hiện đầu tiên ở độ ngụ nước giảm. Da trở nên thô ráp. Tiếp sau đó là da trở nên chùng nhão. Các tổ chức đàn hồi trên da mất dần làm cho da không còn bám chặt được vào cơ. Ở đây là các chất elastin và colagen. Chất nền gian bào giảm khiến cho da teo nhiều hơn tạo thành những vùng nhăn nheo nhỏ. Da trở nên mỏng hơn theo tuổi già do lớp bề mặt tiếp nối giữa biểu bì và chân bì trở nên phẳng. Khi các thành mao mạch trở nên mỏng hơn, da rất dễ bị thâm tím.

Trọng lực, cử động của cơ mặt và tư thế ngủ là những nguyên nhân thứ yếu góp phần vào sự thay đổi làn da. Khi da mất tính đàn hồi, trọng lực sẽ gây ra sự chùng nhão của da vùng lông mày và mi mắt, sự chảy nhão và xệ ra ở vùng má và hàm (hiện tượng”cằm đôi”) và làm cho dái tai chảy dài.

Các nét nhăn do sự cử động của cơ mặt ngayc càng dễ thấy hơn sau khi da mất tính đàn hồi (thường đối với người từ 30 đến 40 tuổi). Các nét nhăn thường xuất hiện là những đường nhăn nằm ngang trên trán, những đường dọc ở vùng gốc mũi, hoặc là những đường cong ở vùng thái dương, phía trên mặt và chung quanh miệng.

Các nếp nhăn do ngủ tạo nên phụ thuộc vào tư thế đặt đầu trên gối và có thể ngày càng rõ khi da đã mất tính đàn hồi. Các nếp nhăn do ngủ thường tập trung ở vùng trán, bắt đầu từ vùng lông mày cho đến vùng chân tóc gần thái dươngcũng như vùng giữa má. Thay đổi tư thế ngủ có thể cải thiện các nếp nhăn do ngủ và ngăn ngừa việc các nếp nhăn ngày càng rõ.

Những người hút thuốc có nhiều nếp nhăn hơn những người không hút thuốc ở cùng lứa tuổi và ra nắng như nhau.

Da khô và dễ ngứa ngáy cũng là hiện tượng chung ở tuổi già. Gần 85% số người già có hiện tượng”ngứa về mùa đông” do không khí trong phòng được sưởi quá nóng và khô.Các tuyến tiết dầu trên da giảm sút khi chúng ta già đi làm cho da trở nên khô. Bất cứ điều gì làm cho da khô hơn (ví dụ : lạm dụng xà phòng và tắm nước nóng) sẽ làm cho vấn đề càng xấu hơn. Nếu da bạn rất khô và hay ngứa, cần phải khám bác sĩ vì các vấn đề này có thể làm bạn mất ngủ, bị kích ững hoặc có thể là một dấu hiệu của bệnh tật. Một số dược phẩm cũng có thể làm hiện tượng ngứa  thêm trầm trọng.

Theo thời gian, tia tử ngoại (UV) trong ánh nắng mặt trời gây tổn hại cho các sợi elastin trong da. Các sợi elastin bị đứt gãy sẽ làm cho làn da bị chùng xuống, nhão ra và mất khả năng đàn hồi. Da dễ bị thâm tím và trầy xước và khó lành. Khi bạn còn trẻ bạn chưa thấy các tác hại của ánh nắng nhưng khi bạn về già chúng sẽ xuất hiện.

Không có cách nào để sửa chữa các tác hại của ánh nắng đối với da mặc dù da đôi khi có thể tự lành. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu bảo vệ da tránh việc ra nắng và ung thư da. Bạn có thể làm chậm lại các thay đổi liên quan với sự lão hóa da bằng cách tránh ra nắng.

 

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều phương thức chống lão hóa da, được quảng cáo khá rầm rộ. Xin Tiến sĩ cho biết ý kiến của mình về các phương thức này.

Tiến sĩ Phạm Hữu Nghị: Sự phát triển của khoa học công nghệ đưa đến nhiều phương pháp tiên tiến trong vấn đề chống lão hóa. Có thể kể đến hai hình thức chính là các biên pháp thông thường và các biện pháp trị liệu.

Biện pháp thông thường là bảo vệ da hàng ngày chống lại tia cực tím, giữ ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng da. Chăm sóc da hàng ngày là một hình thức chống lão hóa đơn thuần rất hữu hiệu. Lưu ý rằng bạn phải giữ cho da được sạch sẽ. Da sạch sẽ mới thúc đẩy quá trình tái tạo da, sản sinh ra các tế bào da mới, thay thế cho các tế bào da chết. Ngoài việc sử dụng kem dưỡng da, bạn cũng nên chăm sóc da qua việc cung cấp đầy đủ các loại vitamin qua khẩu phần ăn hàng ngày hoặc dùng thêm các thuốc bổ trợ vitamin cần thiết cho da. Cuối cùng và cũng rất quan trọng là đảm bảo nhịp sống, chế độ sinh hoạt điều độ và mạnh khỏe, tránh kích thích da.

Khi mà các biện pháp thông thường không phát huy tác dụng, lúc đó bạn mới cần sử dụng các tới các quá trình trị liệu chống lão hóa. Quá trình này được chia làm hai dạng: dạng không xâm lấn và dạng xâm lấn. Dạng không xâm lấn có nghĩa là quá trình trị liệu không gây tổn thương lớp thượng bì. Quá trình này giúp tăng cường vi tuần hoàn, tăng cường quá trình tổng hợp lấy lại các phần thiếu hụt cho da. Trị liệu không xấm lấn có các hình thức phổ biến là dùng thuốc, dùng laser hay công nghệ ánh sáng IPL.

Dạng xâm lấn thường được chỉ định khi da bạn có dấu hiệu lão hóa quá tệ (da nhăn sâu và nhiều). Trị liệu xâm lấn thường mang lại hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình này có nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn như các vết thâm, đỏ, tăng sắc tố da. Khi cần sử dụng tới biện pháp trị liệu xâm lấn, bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa thường xuyên.

Cuối cùng, trên cương vị bác sĩ chuyên khoa, Tiến sĩ có lời khuyên nào dành cho độc giả của Đẹp Online về vấn đề chăm sóc da chống lão hóa?

Tiến sĩ Phạm Hữu Nghị: Đối với chị em phụ nữ, làm đẹp đương nhiên là cần thiết. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn rằng, khi làm đẹp cần phải thực sự tỉnh táo. Khi tìm đến các cơ sở làm đẹp, trước hết phải tìm hiểu kỹ xem liệu cơ sở đó có các bác sĩ chuyên khoa hay không? Cơ sở đó sử dụng phương pháp trị liệu nào, dùng phương tiện gì, đã qua các cơ quan chức năng kiểm định hay chưa?

Tiếp đó là độ tin cậy đối với cơ sở điều trị. Phải tìm hiểu qua những người đã từng trị liệu tại cơ sở đó, xem quá trình trị liệu của họ ra sao, kết quả như thế nào, từ đó mới xác định được tính chuyên nghiệp của cơ sở. Khi quyết định trị liệu tại đó, bạn cần phải biết toàn bộ quá trình trị liệu của mình như thế nào, cách thức tiến hành có thận trọng hay không. Bởi hình thức trị liệu với mỗi người khác nhau nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao của các cơ sở trị liệu. Làm đẹp không hề đơn giản. Người làm đẹp cần phải thật thông minh và tỉnh táo.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ về buổi trò chuyện này.

Tahi

From the same category