Điều nên nói đầu tiên, vì theo tôi nó là vấn đề thường mắc phải ở người Việt mà lại miễn nhiễm với Tây, là quyền riêng tư. Thật thế, tò mò kiểm soát, lục lọi các bí mật cá nhân dường như là bệnh trầm kha của nhiều người Việt, bệnh nặng mà phổ biến đến nỗi vẫn có những người không coi đó là bệnh, là thói xấu. Chúng ta vẫn thường nghe than vãn về thói ghen tuông của vợ hay chồng, mà không phải ghen có nguyên cớ, toàn là rình xem các bí mật thư từ, email, tin nhắn, cuộc điện đàm rồi đem ra hành nhau. Lấy Tây thì đỡ nhọc chuyện đó. Tây vẫn ghen, nhưng họ biết tôn trọng những gì thuộc quyền riêng tư của người khác. Hơn nữa, họ… bất đồng ngôn ngữ, có muốn đọc tin nhắn (không dấu) trong điện thoại cũng đâu có dễ. Vậy là lấy Tây vui.
Lấy Tây được chiều chuộng. Đàn ông Tây sẵn tính ga lăng, phụ nữ Tây cũng tinh tế và ngọt ngào chẳng kém gì phụ nữ Á Đông. Tôi không biết điều vừa nói có đúng trong mọi trường hợp không, nhưng kinh nghiệm bản thân ít ỏi của tôi thì có: tôi cho rằng ở bên cạnh một người bạn Tây phương, mình còn thấy ấm áp và dễ chịu hơn nhiều so với người Việt. Họ cởi mở, chân tình, nhiệt thành, biết nương theo ý người yêu; họ giỏi đoán ý qua ngôn ngữ cơ thể; họ có tinh thần độc lập, suy nghĩ thấu đáo, ít hành động theo cảm tính ẩm ương. Họ tự biết phải phát triển nhân cách một cách riêng rẽ ra sao để vẫn thích nghi với người yêu, vợ chồng họ, mà không rơi vào thế phụ thuộc, giậm chân tại chỗ, thành kẻ nhàm chán trong mắt người kia. Thực vậy, họ có bạn riêng, có các mối quan tâm riêng, không nhất thiết phải đánh đồng một rọ với người yêu. Ngay cả môi trường sống, họ cũng chọn riêng, vừa khéo léo vừa kiên quyết để người kia hiểu rằng cần thiết phải giữ được các lựa chọn cá nhân ấy.
Người ta hay khen phụ nữ Nhật giỏi chiều chồng, đàn ông Pháp nâng niu vợ. Giờ, chiều chuộng, nâng niu không còn là độc quyền của hai dân tộc đó. Đàn ông Mỹ cũng vẫn chiều vợ, và phụ nữ Trung Đông chẳng thua kém ai ở khoản thương chồng. Nói chung, những người trưởng thành trong một xã hội phát triển đều biết cách cân chỉnh hành vi, tính cách sao cho tương hợp với người họ yêu. Một cách tự nguyện, tự nhiên.
Lấy Tây được đi du lịch hoài, phải vậy không? Với các tạng người thích di chuyển, đó hẳn là niềm vui lớn. Được bay nhảy, được thay đổi môi trường sống, được tiếp xúc với nhiều bối cảnh văn hóa, nó còn hơn cả một niềm hạnh phúc chứ. Ở các cuộc phối ngẫu đa quốc gia, tính chất dịch chuyển văn hóa và địa lý là điều nổi bật nhất; con cái không sinh ở nước của bố mẹ, có một quốc tịch khác hẳn – cũng là niềm vui và bất ngờ chứ. Thay đổi điều kiện sống, môi trường làm việc, với đa số người thì chỉ vừa nhắc đến cũng đã thành một ân thưởng. Như những cánh chim tung hoành khắp mặt đất.
***
Tôi chưa bao giờ lấy vợ Tây, nên không thể biết nếu có, tôi có giữ được hôn nhân bền chặt không. Nếu phải chọn ra một điều không vui trong các trường hợp yêu người Tây phương, thì đây: tôi không thích rời khỏi Việt Nam. Cái ý thích (hay là ý thức?) chôn chặt mình ở quê hương đã cản trở tôi không ít lần đối với các mối quan hệ xa. Bắt ép người kia phải sang Việt Nam và dính chặt với tôi/quê hương tôi có chút gì đó bất nhẫn, bất công. Vậy nên những quan hệ tình cảm đứt ở đó, đúng ngay vấn đề địa lý thủy thổ. Nỗi buồn của tôi, là nỗi buồn địa lý.
Nỗi buồn khác nhỏ hơn, cũng ở trường hợp tôi, là dường như mình phải tự dọn dẹp ký ức để sống hết mình cho hiện tại. Không có chỗ cho hồi nhớ, bâng khuâng, không có nhiều thì giờ cho những kỷ niệm. Ở bên một người tình Tây phương, ta luôn phải lâm vào thế sẵn sàng bật người về phía trước, về những dự phòng tương lai. Là người Á Đông thuần chất và khá bảo thủ, tôi hơi e ngại trạng thái lò xo đó. Và tự vô thức, tôi phản kháng bằng cách rút vào vỏ ốc của mình, vào hang đá, tự vuốt ve an ủi những vết thương cũ, những kỷ niệm buồn xưa, và dần dà đâm ra không còn hào hứng với tình yêu hiện tại. Với tôi, một người Tây phương để làm bạn sẽ tốt hơn làm người tình, hay vợ.
Một nỗi buồn nhỏ hơn nữa, thậm chí không đáng nói: là rào cản ngôn ngữ. Thực tế, tôi không đến nỗi dốt ngoại ngữ đến mức ù ù cạc cạc chẳng hiểu người kia nói gì, hay là phải nói chuyện bằng cách ra dấu. Nhưng ngôn ngữ, đó là vỉa quặng rất nhiều tầng. Đó là văn hóa, là các khái niệm, là quan niệm sống, là các biểu tượng hành xử, là tính tình và khí chất. Ngôn ngữ đâu chỉ là công cụ trao đổi thông tin. Mà dấn sâu vào một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, ta mất bao nhiêu lâu? Mười năm, hai mươi năm, hay là cả đời? Lại phải hai chiều: ta đến với ngôn ngữ của người yêu, anh ấy/cô ấy đến với ngôn ngữ của ta. Nếu lờ đi, thì không có nỗi buồn hay niềm quan ngại nào hết. Nhưng nếu đã để ý, thì ấy là vấn đề. Nó nằm đó như một con thú ngủ. Nằm mãi đó, cho đến khi chúng ta công nhận sự hiện diện của nó. Nó án ngữ ngay đường đi của các vectơ tinh thần mà những người yêu nhau hay đã chung sống cùng nhau hướng vào nhau. Khi ấy, cả hai sẽ cảm thấy cô đơn vô cùng tận.
Nhưng dù gì, thì xét ra niềm vui vẫn nhiều hơn. Gương hạnh phúc, viên mãn vẫn đủ nhiều để người ta tin vào các mối quan hệ đa quốc gia. Còn những chuyện buồn, có khi chỉ là tôi tưởng tượng ra thôi.
Bài: Quốc Bảo
Xem thêm: Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt?