Mùa thu năm 2009, Jodi Kantor của tờ New York Times thực hiện một cuộc phỏng vấn vợ chồng Tổng thống Obama. Bà Kantor là một người đã đi theo gia đình Obama nhiều năm và trong lần phỏng vấn đó, bà quyết định đi vào một trong những chủ đề “hóc hiểm” nhất của đời sống cá nhân vị Tổng thống, căn cứ trên những thông tin trước đó đã được thu thập.
Bà hỏi vợ chồng Tổng thống: “Làm thế nào để hai vị có một mối quan hệ bình đẳng khi một người là Tổng thống?”. Một câu hỏi có chủ ý vì trước đó Jodi Kantor đã biết rằng đó là một vấn đề không nhỏ trong mối quan hệ của vợ chồng ông Obama.
Đệ nhất phu nhân Obama kêu lên một tiếng “Hah!” như thể rất vui vì cuối cùng cũng đã có người hỏi câu hỏi đó. Rồi bà thực hiện một động tác rất tế nhị: nhường câu trả lời cho chồng mình.
Theo mô tả của nhà báo Jodi Kantor, thì Tổng thống Obama đã bắt đầu trả lời tới ba lần, ngừng lại giữa chừng để suy nghĩ rồi lại trả lời từ đầu, phải cho đến lần thứ 4 thì ông mới đưa được ra một câu trả lời nửa đùa nửa thật, rằng ê kíp của ông lúc nào cũng tìm cách lấy lòng Đệ nhất phu nhân thay vì Tổng thống.
Cuối cùng bà Michelle Obama đến và giải cứu chồng. Đệ nhất phu nhân nói: “Cho dù không có sự bình đẳng trước công chúng, thì họ cũng có sự bình đẳng trong đời sống cá nhân”. Một câu trả lời mang “tính chính trị”, theo lời nhà báo Kantor.
Để có được câu trả lời riêng về sự bình đẳng trong mối quan hệ của vợ chồng Tổng thống Obama, thì những người tò mò sẽ phải tìm mua sách của Jodi Kantor, cuốn “The Obamas”. Nhưng cần biết rằng khi họ gặp nhau, bà Michelle Obama đang là cấp trên của ông chồng trong công ty luật. Bà đã nhận hết sự hy sinh này tới sự hy sinh khác, lùi về phía sau để chồng tiến lên trên con đường chính trị.
Tổng thống Mỹ, người vẫn đang đứng lên nói về những vấn đề trọng đại bậc nhất của xã hội loài người, đã mất tới 4 lần trả lời nhưng không đưa được ra câu trả lời thỏa đáng về sự bình đẳng trong hôn nhân của chính ông. Chi tiết ấy đã nói lên nhiều điều.
Sự công bằng. Đó là một thứ khái niệm đã ám ảnh bao nhiêu cuộc hôn nhân và bao nhiêu người vì không có được nó mà phẫn uất để rồi đạp đổ tất cả. Và câu hỏi là liệu có nhất thiết phải đòi hỏi một thứ như thế trong mối quan hệ hay không?
Đó là một khái niệm lý tưởng. Nhưng nó không đong đếm được. Trong những cuộc cãi vã, thỉnh thoảng hay xuất hiện màn kể công. Tôi đối với anh như thế này thế khác, hy sinh sự nghiệp để đẻ con chăm con. Thế cô quên rằng tôi cũng đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ sở ở cơ quan, thức đêm thức hôm kiếm thêm mấy đồng để cô được sống thoải mái à. Đại khái là cho dù có cố mưu cầu sự công bằng, cũng thật khó để tìm thấy nó.
Nhưng nếu ngay từ đầu gạt đi cái đòi hỏi về sự công bằng, thì mối quan hệ có thể trở nên… công bằng hơn. Lúc đó hai người cho nhau sự hy sinh: người này cho đi trước, không tính toán, người kia nhận rồi cũng cảm giác mình cần phải cho đi trở lại. Nếu không cho lại sự hy sinh thì họ sẽ có nghĩa vụ bù đắp bằng tình cảm. Nếu không cho lại bất cứ thứ gì thì đơn giản là làm quái gì có tình yêu.
Người ta hay có xu hướng nghĩ nhiều đến sự công bằng, để rồi cái tay vừa trao đi một chút hy sinh, một chút cống hiến, thì cái mồm đã ngoạc ra nói về nó. Của cho không bằng cách cho và sự hy sinh khi cho đi với một thái độ chân thành không cầu báo đáp lại chính là thứ mang về nhiều báo đáp nhất.
Câu hỏi “Làm thế nào để có một mối quan hệ công bằng” là một câu hỏi mà khi người ta không mở miệng ra hỏi nó, thì chính lúc ấy người ta đã trả lời.
Bài: Đức Hoàng