Lấy mây làm xiêm áo

Mây làm xiêm áo gió làm xe
Sáng chơi Đâu Suất chiều mây khói
Tên họ ta thế nhân muốn hỏi
Người trên núi lớn Ngọc Quỳnh Hoa

 
 Câu thơ này được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết trong “Truyền kỳ tân phả” như lời nhắn của Liễu Hạnh với trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Hồ Tây, về sau lại được người đời trích ghi lại trên câu đối treo ở cửa Bắc phủ chính Tiên Hương. Đó là những ghi chép đầu tiên về trang phục của Mẫu Liễu đồng thời cũng là một chỉ định khắt khe cho trang phục hầu đồng với tư cách như một phương tiện của thần linh.
 

 

 Giá hầu cô Bơ

 Hiện tượng nhập hồn nhiều lần của nhiều vị thần linh trong một ông đồng, bà đồng đã tạo ra trên chiếu hầu đồng tựa như một cuộc trình diễn thời trang lạ lùng và hấp dẫn bậc nhất hệ thống shaman giáo của khu vực. Nó khác biệt hẳn với các sư công ở miền Nam Trung Hoa chỉ mặc độc một bộ pháp bào và thay các mặt nạ trong lễ khiêu thần, lễ Na hay thoát bỏ dần từng mảng, lớp trang phục được mặc sẵn trên người khi các mansin tiến hành nghi lễ Kút của Hàn Quốc. Việc thay đổi trang phục ngay trên chiếu hầu cũng đã đẩy tính ước lệ của sân khấu hầu đồng lên một cấp độ nghệ thuật cao hơn rất nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác trong văn hóa Việt.
 
 Với hầu đồng Việt Nam, mỗi giá đồng lại đòi hỏi một trang phục riêng tương ứng với mỗi vị thánh. Trong tổng số 36 giá đồng, không phải tất cả các thánh đều giáng nhập, nên về số lượng trang phục mỗi ông đồng bà đồng thường chuẩn bị khoảng 16- 20 bộ.

Trong điện phủ nguy nga, đèn nến lung linh, điêu khắc các Mẫu, công đồng, thị nữ được sơn thếp vàng son, hình nhân, vàng mã lớp lớp thì màu sắc trang phục cũng góp phần thiết yếu để tạo nên một không gian tâm linh kỳ ảo, kích thích thị cảm, hỗ trợ các ông đồng, bà đồng cũng như những người tham dự nhanh chóng rơi vào trạng thái hưng

 

 Giá hầu cô Bé

phấn cần thiết. Đó là năm màu cơ bản trắng, đỏ, vàng, lục, lam ảnh hưởng rõ nét từ màu sắc cũng như quan niệm về ngũ hành và những nguyên lý vận động của trời đất, vũ trụ trong đạo Phật. Đó là trang phục màu đỏ của Mẫu Thượng thiên, màu xanh của Mẫu Thượng ngàn, màu trắng của Mẫu Thoải, màu vàng của Đức thánh Trần…
 
 Kiểu cách trang phục của nhiều giá đồng còn cho thấy những tiếp biến rất linh hoạt trong quá trình phát triển của đạo Mẫu mỗi khi xâm nhập các vùng văn hóa khác. Nếu trang phục các giá Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải hay Đức thánh Trần cơ bản là khăn xếp, áo long cổn thêu rồng, trước ngực có trang trí hổ phù, trang phục hàng quan có giắt theo cờ lệnh sau lưng thì những bộ thời trang sinh động nhất là của các giá Chầu, giá Cô. Giá hầu Bà chúa Thác Bờ thì áo trắng, quần đũi đen, thắt lưng đỏ, mũ cánh buồm cách điệu từ những kiểu vắt khăn ảnh hưởng rất rõ cách trang phục của các cô gái Mường. Trang phục trong giá hầu Cô Bắc Lệ áo màu xanh biếc, vạt áo trái cài lệch hẳn sang ngực phải, tay áo có cạp xung quanh trang trí hoa lá, răng cưa bằng chỉ màu, kim tuyến mang mô típ trang phục dân tộc Tày. Giá hầu Cô Bé lại thấp thoáng khăn piêu, hàng cúc bướm bạc duyên dáng trước ngực của các cô gái Thái.

 Nếu ở các giá Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, của Đức thánh Trần hay các hàng Quan việc trình diễn của các ông đồng, bà đồng thường đi đứng oai phong, đĩnh đạc, cử chỉ khoan thai thì trong các giá Chầu, giá Cô việc trình diễn lại trở nên khoáng hoạt, vui tươi, trẻ trung hơn.

Nếu trên sàn catwalk hôm nay các người mẫu thường chỉ sải

 

 Giá hầu ông Hoàng Mười

dài bước chân thì trên chiếu hầu đồng, các ông đồng, bà đồng làm cho trang phục của họ hấp dẫn hơn bởi các điệu múa. Giá hầu Cô Bé, cô Sáu Sơn Trang là múa mồi, những cây đuốc nhỏ kẹp giữa các ngón tay tạo ra nhịp múa lửa sôi động. Giá hầu cô Bơ Thoải phủ là nhịp nhàng điệu chèo đò. Cô Chín múa quạt rõ dẻo. Giá hầu cậu Bé nhí nhảnh bởi điệu múa hai chân vắt chéo hay các bước nhảy lò cò như đám trẻ đang tham gia trò chơi dân gian…
 
 Trang phục từng giá hầu đều có thể cải biên kiểu dáng, thêm thắt chi tiết nhưng chiếc khăn phủ diện đỏ là không thể thay thế, bỏ qua. Đó là cảnh giới hữu hình giữa hư-thực, giữa Người và Thánh, giữa Giáng và Nhập. Trong tiểu thuyết “Mẫu Thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh lại có một chi tiết nhầm lẫn khi mô tả giá hầu Mẫu Thượng thiên. Mẫu Thượng thiên khác hẳn với các giá khác là chỉ giáng chứ không nhập đồng nên những người hầu đồng không bao giờ hất khăn phủ diện.

 


From the same category