Hóa thân thành biên kịch của phim để điều chỉnh mọi diễn biến theo ý mình – ước mơ chung của mọi khán giả sẽ được hiện thực hóa khi đến với thể loại “phim điện ảnh tương tác”.
Trước tiên, cần phải hiểu rằng phim tương tác là thể loại phim mà tất cả khán giả đều có thể can thiệp để thay đổi diễn biến trong phim theo ý muốn chung của số đông. Tùy thuộc vào dòng phim và nhà phát hành phim, mà khán giả có nhiều hình thức can thiệp khác nhau. Đối với phim điện ảnh, thì hình thức bỏ phiếu có thể xem là hình thức can thiệp đơn giản nhất.
Bắt đầu nhen nhóm từ đầu thế kỷ 20, ý tưởng về phim tương tác đã xuất hiện như một lời hồi đáp tuyệt diệu dành cho khát khao thay đổi nội dung phim của khán giả đại chúng. Vào năm 1967, bộ phim của Séc với tựa “Kinoautomat” là tác phẩm phim tương tác đầu tiên được phát hành, tuy nhiên, hoạt động tương tác giữa khán giả và phim còn khá thủ công do thiếu đi sự nhanh nhạy của các thiết bị công nghệ.
Chính sự ra đời và bùng nổ của máy tính và internet đã giúp cho hình thức tương tác với phim trở nên đơn giản hơn. Hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại di động được kết nối mạng, mọi khán giả đều có thể hóa thân thành biên kịch và điều chỉnh nội dung phim như ý muốn. Cùng với đó, những lựa chọn về diễn biến phim cũng ngày càng thú vị hơn, câu chuyện trong phim dần phức tạp hơn và kéo theo những cái kết đầy bất ngờ.
Là phim điện ảnh tương tác đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam, “Late Shift” (tựa Việt: Phi Vụ Nửa Đêm) sẽ hoàn toàn đập tan mọi ranh giới giữa khán giả và nội dung phim và biến khán phòng ngay dưới màn ảnh rộng thành sân chơi cho tất cả người xem. Toàn bộ khán giả sẽ bình chọn diễn biến phim qua một ứng dụng trên điện thoại ngay trong thời điểm phim được chiếu tại rạp. Kết quả bình chọn cao nhất sẽ là yếu tố quyết định những phát triển của nội dung phim ngay sau đó.
“Late Shift” là câu chuyện về Matt Thompson (Joe Sowerbutts), một cậu sinh viên vướng vào một vụ cướp có vũ trang. Vậy Matt sẽ làm gì để thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo này? Liệu cậu sẽ trở thành anh hùng chính nghĩa để chống lại các thế lực xấu xa, hay sẽ lao đầu vào bóng tối không lối thoát? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của khán giả xem phim. Thậm chí, cả nhân cách của nhân vật là tốt đẹp hay xấu xa cũng sẽ do khán giả định đoạt.
Đặc biệt hơn, ở “Late Shift”, nhà làm phim đưa ra 180 phương án lựa chọn và 7 kết thúc khác nhau. Trong 7 cái kết thì chỉ có một “true ending” (kết thúc có hậu kiểu Hollywood). Bất kể là kết thúc nào, khán giả đều sẽ có cho mình một câu chuyện hoàn chỉnh và trải nghiệm xem phim đầy ý nghĩa. Và quan trọng hơn hết là việc quyết định diễn biến cho phim chắc chắn sẽ giúp người xem rút ra nhiều bài học cũng như chiêm nghiệm quý báu về cuộc sống.