Truyền thuyết cà phê nguyên chất
Truyền thuyết kể rằng, vào năm 850 sau Công nguyên, có một anh chàng chăn dê tên là Kaldi, người xứ Abyssinia. Một hôm anh ta ngồi trên một tảng đá cạnh sườn núi bỗng nhận ra đàn dê vốn dĩ ngoan ngoãn hiền lành của mình đột hiên có vẻ sinh động lạ thường. Sau khi đến gần quan sát kỹ hơn, Kaldi thấy những con dê đã đớp những trái màu đo đỏ ở một cái cây gần đó. Anh ta cũng liều lĩnh hái một vài trái ăn thử và cũng thấy mình hăng hái hẳn lên, tưởng như tràn đầy sinh lực.
Người chăn dê nghĩ rằng mình đã gặp một phép lạ, vội vàng chạy về một tu viện gần đó báo cho vị quản nhiệm. Nhà tu kia sợ rằng đây chính là một thứ trái cấm của qủy dữ, lập tức vứt những trái cây chín đỏ kia vào lò lửa. Thế nhưng khi những hạt kia bị đốt cháy tỏa ra một mùi thơm lừng, người tu sĩ mới tin rằng đây chính là một món quà của Thượng Đế nên vội vàng khều ra và gọi những tăng lữ khác đến tiếp tay. Những hạt rang kia được pha trong nước để mọi người cùng được hưởng thiên ân. Cà phê nguyên chất đầu tiên được ra đời như thế.
Tác dụng của cà phê
Ngoài tác dụng giúp chúng ta tỉnh táo tăng cường các hoạt động về tinh thần và trí tuệ, tạo sự sảng khoái tích cực về tâm lý, cà phê nguyên chất còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe:
1. Cà phê giúp chậm lão hóa: Hạt cà phê chứa một số chất khoáng như Mg, Ca, K và hàm lượng cao những hợp chất Polyphenols là những chất chống lão hóa hữu ích. Chất chống oxy hóa giúp trung hòa những gốc tự do để ngăn chặn quá trình hư hại tế bào và ADN trong các loại bệnh tim mạch, ung thư và quá trình lão hóa, khiến lâu già.
2. Cà phê giúp giảm cân: Cà phê giúp bạn giảm béo và có thân hình thon gọn hơn. Uống một ly cà phê nguyên chất vào buổi sáng sẽ giúp làm tăng quá trình trao đổi chất, giúp đốt cháy calorie.
3. Cà phê đối với hệ tim mạch: Là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa tự nhiên, cà phê có tác dụng giữ cho máu sạch, ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch. Cà phê chứa các hợp chất phenol với tính chất oxy hóa có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Một số lợi ích cho sức khỏe có thể vươn xa đến ngăn ngừa tai biến mạch máu não.
4. Cà phê giúp lợi tiểu và làm sạch dạ dày: Cà phê được xem là thức uống lợi tiểu giúp làm sạch dạ dày và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, những người có vấn đề về dạ dày, dễ phản ứng với cà phê thì không nên uống nhiều cà phê.
5. Cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật: Theo nhiều nghiên cứu lâm sàng, cà phê có tác dụng giảm cholesterol trong mật dạ dày, giúp ngăn ngừa nguy cơ tạo sỏi túi mật.
6. Cà phê ngừa bệnh xơ gan: Một số nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy những người uống cà phê thường xuyên và điều độ, giảm được tới 80% khả năng phát triển bệnh xơ gan.
Tuy nhiên, nhiều loại cà phê đang lưu thông trên thị trường (đặc biệt là cà phê dành cho pha phin) trộn lẫn tạp chất (bắp, đậu nành rang cháy xay nhuyễn, caramel, bơ, rượu) và hóa chất như chất tạo độ sánh sệt, chất tạo bọt, chất cầm hương, nước mắm nhĩ (tăng mùi)…Những loại hóa chất này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Việc uống cà phê có chứa tạp chất lâu dài sẽ dẫn tới triệu chứng dị ứng trên da, ù tai, chóng mặt, giảm sức nghe và nhiều triệu chứng phụ kèm khác.
Vậy đâu là một tiêu chuẩn cho ly cà phê thuần khiết và đảm bảo sức khỏe?
Những mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn nhận biết cà phê nguyên chất
* Thử bột:
– Nhìn bột cà phê nguyên chất có màu nâu chứ không phải màu đen.
– Nếu bạn thường xuyên bảo quản cà phê trong hũ nhựa hoặc lọ thủy tinh, bạn hãy thử xốc hũ lên xuống nhiều lần, vì không có hương liệu và rất nhẹ nên bột cà phê nguyên chất không bám vào thành hũ mà rớt hết xuống đáy.
– Thả một ít bột cà phê vào nước lạnh thấy bột hoàn toàn nổi lên trên mặt nước, 5 phút sau bột vẫn không chìm.
* Quan sát khi pha:
– Bột cà phê nguyên chất khi rót nước sôi vào phin thì bột cà phê nở bung, thông thường nắp gài của phin nhôm sẽ bị trồi lên do bột cà phê nở.
– Nước cà phê nhỏ giọt rất nhanh, màu nâu cánh gián, không sánh đặc.
– Cà phê nguyên chất thường có ít bọt và bọt tan đi rất nhanh.
* Cảm nhận khi uống:
– Hương thơm tự nhiên của cà phê không ngào ngạt mà phảng phất.
– Mùi cà phê “thực” thường thay đổi khá nhiều (ít thơm như lúc đầu) sau 10 phút, do cà phê bị oxy hóa và thay đổi cấu trúc phân tử nhanh trong điều kiện thường.
– Mùi vị khi uống: đắng dịu, có vị chua, sâu lắng tự nhiên. Sau khi uống bạn có thể cảm nhận vị đắng đọng lại ở cổ họng.
– Tách cà phê luôn có hậu vị lưu luyến, tuy đã uống cạn ly nhưng mùi cà phê quyến rũ vẫn vương vấn đâu đây.
* Một vài lưu ý nhỏ cho bạn uống cà phê:
– Chất cafein trong cà phê có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động trong hệ thống tim mạch. Những người bị rối loạn tim mạch hoặc không dung nạp cafein thì không nên uống nhiều cà phê.
– Cafein có tác dụng kích thích làm tăng tiết axit dịch vị, vì vậy, tránh uống cà phê vào lúc đói. Người đã yếu dạ dày nếu uống cà phê lúc đói sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày. Một số người chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không dùng điểm tâm sẽ dễ gây ra các chứng bệnh dạ dày, nên bỏ đi thói quen này.
– Cafein có thể gây tương tác với một số dược phẩm, chẳng hạn làm mất tác dụng an thần của thuốc an thần gây ngủ. Vì vậy, nên tránh uống cà phê với thuốc.
* Tận dụng bã cà phê:
– Bã cà phê chớ nên bỏ đi, bạn hãy cho vào bồn rửa chén, xả nước cho trôi. Bã cà phê làm mát mùi hôi ở bồn và làm sạch dầu mỡ bám ở ống nước.
– Bã cà phê phơi khô gói lại cho vào tủ lạnh có tác dụng khử mùi.
Theo Young