Lars von Trier – Nhà sáng lập trào lưu Dogme 95
Trong suốt hơn 100 năm phát triển của điện ảnh, không phải giai đoạn nào cũng có sự đột phá, một cuộc cách mạng về làm phim. Đếm sơ qua cũng chỉ có chủ nghĩa tân hiện thực (Newrealism) của điện ảnh Ý giai đoạn sau chiến tranh thế giới lần thứ II, làn sóng mới (Nouvelle Vague) của điện ảnh Pháp ra đời vào cuối những năm 50 – đầu thập niên 60, hay Parallel Cinema của Ấn Độ…
Cùng với Thomas Vinterberg, Lars von Trier là một trong hai đạo diễn tiên phong người Đan Mạch đã sáng tạo ra trào lưu phim Dogme 95 vô cùng nổi tiếng từ năm 1995 (camera phải cầm tay mà không sử dụng bất cứ trang thiết bị phụ trợ nào, không dùng kỹ xảo, cùng nhiều quy định nghiêm ngặt khác về ánh sáng, âm thanh, bối cảnh). Dù chưa có sức lan tỏa quá rộng nhưng rõ ràng, trào lưu Dogme 95 là một trong những dấu ấn quan trọng trong lịch sử điện ảnh hiện đại.
Đối với một số khán giả, các tuyệt phẩm thuộc trào lưu Dogme như “Breaking the Waves”, “Dancer in the Dark”, “The Idiots” của Lars von Trier thực sự rất khó xem. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn thưởng thức cho đến tận phút cuối, ngôn ngữ điện ảnh của ông sẽ khiến bạn rung động.
Mỗi tác phẩm mới của Lars von Trier luôn có một sức hút nhất định không chỉ với các LHP lớn, giới phê bình khó tính mà với cả các khán giả yêu thích điện ảnh thực thụ. Thậm chí, nhiều diễn viên tên tuổi trên thế giới còn mong muốn được cộng tác với ông ngay cả khi đề tài, thể loại phim thuộc hàng nhạy cảm và khó nhằn. Gần đây có thể kể đến “Dogville”, “Manderley”, “Antichrist”, “Melancholia” và điển hình là “Nymphomaniac”.
“Nymphomaniac” – Không còn là cú sốc
Nếu ai đã từng xem phim của Lars von Trier trong những năm trở lại đây với những đề tài cấm kỵ, tình dục, bạo lực được lột tả một cách chân thực và bạo liệt, ắt hẳn sẽ không cảm thấy ngạc nhiên với “Nymphomaniac”. Lars von Trier luôn mang tới cho khán giả những “quả đấm” thép và những bất ngờ lớn nên “Nymphomaniac” không còn là cú sốc nữa. Cho dù bộ phim cực kỳ “nặng đô”, phô bày hết mọi ngóc ngách thầm kín nhất, nhạy cảm nhất trên màn ảnh nhưng vẫn là một tác phẩm hết sức nghiêm túc.
Được chia thành 2 phần với 8 chương, “Nymphomaniac” kể về những trải nghiệm trong cuộc phiêu lưu tình dục ẩn chứa vô vàn sự kiện, biến cố với hàng trăm người đàn ông của Joe (do Charlotte Gainsbourg và Stacy Martin thủ vai) từ lúc cô còn ngây thơ cho tới khi trở thành người đàn bà cuồng dâm 50 tuổi. Trong phim, những cảnh làm tình tràn ngập từ đầu tới cuối và được thể hiện hết sức trần trụi, trực diện, không hề e dè.
Đối lập với nhân vật Joe ương ngạnh, bất cần là người đàn ông trầm lặng, sâu sắc Seligman (Stellan Skarsgard đóng). Chứng kiến Joe nằm bất động trong căn ngõ hẻm vì bị đánh, Seligman đưa cô về nhà chăm sóc. Họ trò chuyện, đối thoại, tranh luận với nhau nhưng không bao giờ trực diện về một vấn đề. Mỗi khi Joe hồi tưởng lại quá khứ mang đầy nhục dục (như khi khám phá dương vật, mê hoặc đàn ông trên tàu, lần mất trinh đầu tiên) thì Seligman lại chỉ nói về những ý niệm đầy triết lý và ẩn dụ (về đàn cá, về việc câu cá bằng côn trùng, hay những chuyện liên quan tới văn chương, toán học, thậm chí cả tôn giáo). Hai nhân vật, hai tính cách, hai vấn đề trái ngược nhau nhưng lại đưa đẩy, tôn câu chuyện của mỗi người lên. Đây là một trong những nét sáng tạo rất hay mà Lars von Trier đưa vào “Nymphomaniac”.
Nhìn chung, hai phần của “Nymphomaniac” tuy có chung một chủ đề, một đường dây câu chuyện nhưng lại được thực hiện ở hai cấp độ khác nhau. Ít nhất ở phần đầu còn có sự hài hước, một chút lãng mạn, ghen tuông của tuổi trẻ thì bước sang phần 2, không khí dần trở nên u ám, nặng nề hơn. Tính chất bạo lực dần được đẩy lên cao, đặc biệt là khi nhân vật K (Jamie Bell đóng) xuất hiện.
Ngoại trừ gương mặt mới Stacy Martin, còn lại “Nymphomaniac” quy tụ một dàn diễn viên có uy tín và đẳng cấp quốc tế. Nếu như Charlotte Gainsbourg, Stellan Skarsgard đều là hai gương mặt gạo cội, luôn chứng tỏ được bản lĩnh nghề nghiệp từ nhiều năm qua thì bộ đôi Shia LaBeouf và Jamie Bell lại khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Thậm chí, Shia LaBeouf còn phải chia tay với bạn gái để đảm nhận những cảnh làm tình gần như thật trong phim.
Gương mặt nổi bật nhất trong “Nymphomaniac” chính là Stacy Martin, vốn là người mẫu trẻ mang hai dòng máu Anh – Pháp. Lần đầu đóng phim, lại phải diễn những cảnh khỏa thân, quan hệ với nhiều người đàn ông nhưng Stacy Martin khiến khán giả phải kinh ngạc về khả năng của mình.
Một trong những điểm nhấn quan trọng khác đó là cách Lars von Trier sử dụng âm nhạc. Ông pha trộn hài hòa giữa các bản giao hưởng truyền thống của Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, George Frideric Handel, Johann Sebastian Bach, Richard Wagner với các ca khúc nhạc rock hiện đại của ban nhạc Rammstein.
Là cuộc hành trình đầy thử thách đối với khán giả – 240 phút phim, nếu theo dõi liền từ đầu tới cuối sẽ là sự hành-xác-lẫn-tâm-trí không hề dễ chịu chút nào – nhưng quả thật, “Nymphomaniac” là một bộ phim rất đáng xem.
Bài: Hoàng Phương
>>> Có thể bạn quan tâm: Có lẽ yếu tố chủ yếu mang lại hồn cốt, sức hấp dẫn của phim là âm nhạc. Mỗi bài hát trong “Begin Again” đều có giai điệu khá đặc biệt, rất có cảm giác indie (âm nhạc độc lập). Lời của những bài này cũng rất hay, rất độc đáo, rất thú vị và dễ đồng cảm.