Lao động trốn phố về quê

Về quê trú ẩn

Chị Quý (xã Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định) than thở đi bán hoa quả rong ở Hà Nội đã hơn 5 năm nay nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh ế ẩm và khó khăn như lúc này.

“Cả ngày nai lưng, rong ruổi hết các con đường mà có hôm chỉ kiếm được có vài chục đến hơn trăm nghìn mỗi ngày. Có hôm sáng lấy hàng thì đắt mà đến tối ế ẩm quá hòa vốn cũng phải bán cho hết chứ mang về thì chỉ có vứt đi”.

Thu nhập bấp bênh và ít ỏi trong khi ở lại Hà Nội dù có cố gắng tiết kiệm đến mấy cũng không thể nào bớt được các khoản ăn, ở, điện nước. Thế nên, một tháng trừ chi phí sinh hoạt số tiền chị dành dụm được chẳng đáng là bao. Cùng đường, chị đã tính đến bỏ gánh hàng rong để về quê.

Giờ mà về quê trông vào mấy sào ruộng thì cũng chẳng sống được, nhưng tạm thời thì đành phải thế đã, bởi về quê chí ít là được gần chồng, gần con rồi vợ chồng tính tiếp. Chồng ở nhà thì đi làm phụ hồ rồi, tôi chắc mua đàn gà giống nuôi đến Tết bán một mẻ là vừa”, chị Quý lo lắng.

Vợ chồng anh Thân (Khoái Châu, Hưng Yên) cũng đã lên Hà Nội đi lao động gần chục năm nay, thế mà đến giờ này vợ chồng anh cũng đang bàn tính rời Thủ đô để về quê khi công việc ngày có ngày không.

Lên thành phố, anh đi bốc vác ở dốc Bưởi, còn vợ làm giúp việc theo giờ, ki cóp cũng kiếm được “đồng ra đồng vào” hơn ở quê đi làm lúa.

Thế nhưng bây giờ việc thì ít mà tiền sinh hoạt cái gì cũng tăng. Vợ chồng tôi xoay xở chóng mặt, tháng nào cũng mất hơn triệu tiền nhà, điện, nước rồi thực phẩm thì cái gì cũng lên giá, tiền tiêu ngang ngửa tiền kiếm được. Đợt này, chắc chúng tôi phải về quê tính cách khác”, anh Thân cho hay.

Anh Thân chia sẻ, đi làm mấy năm vợ chồng anh cũng dành dụm được ít vốn, anh tính mở cửa hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán, còn vợ anh sẽ lấy lại mấy sào ruộng, ngoài trồng lúa sẽ cố làm thêm mấy vụ hoa màu để cải thiện.

Đa phần những người lao động tự do không có việc làm, lại phải đối diện với chi phí đắt đỏ chốn thành thị đã tìm cách “lánh nạn” về quê. Với nhiều người lao động, về quê chưa hẳn là đã tìm được công việc khác, song tâm lí về nhà chi tiêu đỡ tốn kém hơn trong thời buổi đắt đỏ này cũng là một động lực.

Anh Huynh làm việc tại khu vực chợ lao động Phùng Khoang, Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi toàn lao động chân tay, trình độ học vấn chẳng có nên hy vọng tìm được việc lúc này nó mong manh lắm. Cứ cố bám trụ ở đây có khi việc chẳng có mà ăn thì không thể nhịn được. Về quê rau dưa trong vườn đấy rồi, đơn giản cũng kiếm được bữa ăn đạm bạc”.

Bỏ nhà máy về làm nông

Không chỉ những người làm nghề lao động tự do đối diện với tình trạng khủng hoảng, không có việc làm phải đổ “ngược” về quê tìm kế sinh nhai mà nhiều công nhân các khu công nghiệp dẫu đắn đo cuối cùng vẫn quay trở về.

Chị Loan (Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình) vốn là công nhân da giày tại một nhà máy trong khu công nghiệp Sóng Thần I (Bình Dương) nhưng đã về quê hơn 4 tháng nay vì chật vật không tìm được việc làm.

Chị cho biết, công ty ít việc nên một lượng lớn công nhân mất việc. Không muốn trở về quê, chị Loan đã đi xin làm chạy bàn tại một quán ăn. Công việc vất vả nhưng lương tháng nhận được vỏn vẹn 2 triệu đồng.

“Với số tiền kiếm được như vậy thì ăn tiêu, trả tiền nhà trọ là hết sạch, chẳng còn dư giật gì mà gửi về phụ giúp bố mẹ, thế nên tính đi tính lại tôi quyết định về. Giờ tôi đang xin đi phụ học may, khi nào thành nghề sẽ cố mở một cửa hàng của mình để kiếm kế sinh nhai.”

Nhiều lao động từ quê ra thành phố xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp với suy nghĩ ra thành phố dễ kiếm việc hơn, lương công nhân còn cao hơn đi làm ruộng ở quê nhưng chính suy nghĩ đó khiến không ít người thất vọng, nhiều người đành ngán ngẩm quay về.

Chị Phạm Thị Hiên làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội đang dự tính sẽ về quê tìm một công việc khác. Chị cho biết: “Cứ nghĩ lương công nhân một tháng hơn 2 triệu đồng là cũng ổn rồi nhưng lên Hà Nội mới biết chi tiêu đắt đỏ quá. Bây giờ, chỉ cần về quê kiếm việc gì đó làm ít tiền hơn nhưng đổi lại cuộc sống sẽ đỡ chật vật hơn trên này”.

Anh Hội vốn là thợ cơ khí ở khu vực Ngã Tư Sở nhưng từ vài tháng nay, công việc thất thường chẳng có, anh phải dùng phương tiện đi lại duy nhất của mình làm “cần câu cơm”.

Anh tâm sự, chạy xe ôm mới biết công việc này cũng chẳng dễ dàng gì trong thời buổi này. Giá xăng thì tăng, đứng ở bến xe thì tiền bến bãi mất 20.000 đồng/ngày, nên ngày nào may lắm anh kiếm được hơn trăm nghìn. Lo lắng tình trạng không có việc kéo dài anh Hội đang có ý muốn về quê nhưng lại băn khoăn vì về thì cũng chưa biết làm gì để kiếm ra tiền.

“Về quê tuy không mất tiền nhà, ăn uống tiêu pha cũng rẻ hơn thật đấy nhưng mà tìm được việc làm kiếm tiền cũng không đơn giản. Biết chút ít về cơ khí, tôi cũng muốn mở một cửa hàng hàn xì nhôm kính nhưng ngặt cái lại không có vốn. Nếu quyết tâm làm thì chắc chỉ còn cách đi vay thôi.”, anh Hội trăn trở.

Theo Vietnamnet


From the same category