Các công trình tại Việt Nam khi cao điểm có đến trên 1.000 công nhân Trung Quốc, điển hình như công trường bôxít Tân Rai, Lâm Đồng. Tại Cà Mau, vào đầu tháng 8.2011, sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau phát hiện, trong số hơn 3.700 người lao động đang thi công nhà máy của công ty Ngũ Hoàn có đến 1.051/1.728 công nhân người Trung Quốc không có giấy phép.
Sau thời gian báo chí rộ lên phản ánh, tình hình vẫn không có dấu hiệu khả quan, bởi vào ngày 20.4.2012, thanh tra sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục phát hiện 15 lao động Trung Quốc không có giấy phép, đang làm việc tại công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 1.7.2012 vừa qua, ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) cho biết đã phát hiện 229 công nhân Trung Quốc chưa có giấy phép lao động, đang tham gia thi công dự án dây chuyền 2 nhà máy ximăng Công Thanh.
Ảnh minh họa
Việc lao động Trung Quốc “chui” vào Việt Nam theo đường “thầu” khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Một phần vì lực lượng lao động người Trung Quốc được “hợp pháp hoá”, nhưng cái chính là họ đã bắt “thóp” những kẽ hở của luật Xuất nhập cảnh lẫn luật Lao động của Việt Nam hiện nay. Và lao động Trung Quốc cũng sẵn sàng làm nhiều giờ lao động hơn trong một ngày với một mức lương thấp hơn. Điều này càng rõ ràng khi chính bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó cục trưởng cục Việc làm (bộ Lao động – thương binh và xã hội), thừa nhận rằng cùng một công việc đơn giản với mức lương tương tự như người lao động Việt Nam, nhưng lao động Trung Quốc làm việc rất khoẻ, chịu khó, cần cù, làm việc với cường lực cao, không kén việc…
Việt Nam hiện nay với dân số vượt mốc 87 triệu người (theo công bố của tổng cục Thống kê năm 2011), nền kinh tế hiện tại gặp rất nhiều khó khăn và vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá đẩy tốc độ đô thị hoá rất nhanh khiến các khu đất canh tác “bờ xôi, ruộng mật” đang bị các khu công nghiệp dần thay thế. Điều đáng nói là trong khi Việt Nam thiếu đất làm nông, thiếu nơi lao động thì lượng “tài nguyên” công việc lại chia năm xẻ bảy, rơi rớt nhiều phần vào tay lực lượng lao động người Trung Quốc. Thậm chí còn thành lập hẳn “khu phố dành riêng cho người Hoa”, như cái cách mà công ty Becamex IJC tỉnh Bình Dương đã đứng ra đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm thành phố mới ở Bình Dương.
Trong khi luật Lao động dành cho người Việt được thắt chặt thì luật Lao động đối với người nước ngoài tại Việt Nam hiện còn rất lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc và răn đe. Thực tế, không ít lao động người nước ngoài là người Trung Quốc sử dụng các chiêu trò “đi du lịch” hoặc “thăm người thân”… để được nhập cảnh vào Việt Nam và tham gia thị trường lao động.
Mặc dù nghị định 46/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.8.2011 được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 34/2008/NĐ-CP đã quy định thẩm quyền của các cơ quan phụ trách kiểm soát lao động nước ngoài, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan cũng chưa chặt chẽ, đặc biệt trong khâu tuyển dụng lao động. Nghị định 46 chưa quy định rõ một danh mục liên tục cập nhật các việc làm phải cần đến lao động nước ngoài, cùng các quy định xét duyệt công việc cho lao động nước ngoài. Thế nên, dù nghị định trên đã quy định rõ chỉ tuyển lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng được nhu cầu công việc, thì khi phát hiện tình trạng lao động người Trung Quốc ở khắp các ngành nghề thì không biết lấy đâu ra quy định để xử. Đó là chưa tính tới việc bộ yêu cầu cơ quan địa phương sử dụng lao động nước ngoài trực tiếp quản lý, trái lại các cơ quan này lại chưa biết… quản lý cái gì.
Đáng lo ngại hơn, mức phạt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trái phép theo khoản 2, điều 14, nghị định 47/2010/NĐ-CP là còn rất “khiêm tốn”. Điều này tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, nhà thầu “cố đấm ăn xôi”, bởi nếu “xui xẻo” bị phát hiện, họ chỉ mất từ 20 – 30 triệu đồng – một số tiền quá nhỏ so với những lợi ích họ đạt được từ việc “khai thác” công sức của người lao động chui. Trong khi đó về phía người lao động Trung Quốc trái phép, các động thái cảnh cáo, trục xuất… cũng chưa được mạnh tay khiến không ít đối tượng tái vi phạm.
Luật đưa ra cần chú trọng hướng đến ba đối tượng chính. Một là đơn vị tuyển dụng lao động; hai là người lao động; và ba là đơn vị trước đây chưa thấy đả động trong luật chính là “đơn vị quản lý” lực lượng lao động nước ngoài tại các địa phương. Những kẽ hở luật Lao động lẫn xuất nhập cảnh đã được nghiên cứu và chỉ điểm, việc còn lại của chúng ta là ban hành, sửa đổi và thực hiện theo đúng quy trình, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần làm gọn nhẹ, minh bạch thủ tục hành chính nhằm giúp người lao động dễ hiểu, người quản lý dễ kiểm soát. Đối với các đối tượng vi phạm, các biện pháp mạnh tay xử lý về tài chính lẫn trách nhiệm hình sự sẽ không thừa, trước khi các đối tượng này gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng.
Phép nước cần phải nghiêm, bắt đầu từ khâu quản lý đầu vào. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” như những trường hợp đã từng xảy ra trong quá khứ.
Theo SGTT