Lãng mạn, với số đông, thường liên quan đến những thứ dễ kiếm như hoa hồng, rượu vang, nến, sóng biển, mạn thuyền và rừng thông. Trong phim truyền hình Hồng Kông, Hàn Quốc, chàng trai rót rượu vang ra cốc (là vang Ý chứ không phải vang Đà Lạt), trong ánh đèn vàng hắt bóng mờ ảo lên những giá sách, tủ rượu style Victoria chứ không phải đèn neon tiết kiệm điện chói sáng lên gian bếp đầy dầu mỡ. Sau khi họ chạm cốc, cạn ly, cô gái tìm thấy một chiếc nhẫn lấp lánh dưới đáy cốc. Tất nhiên không phải nhẫn cỏ, và tất nhiên không phải cốc trà đá. Kim cương và vang Ý không thể được xài trong căn hộ chung cư được xây dựng cho người thu nhập thấp hoặc một nhà hàng rẻ tiền. Ấy là cảnh quay trong nhà, còn ngoài trời thì sao? Cảnh lãng mạn nổi tiếng nhất thế giới là tư thế Titanic trong phim “Titanic”. Nhưng đi đâu mà làm Titanic cho lãng mạn bây giờ? Cái con thuyền du lịch năm sao mười mấy tầng trong bộ phim lừng danh của James Cameron giờ cũng có thể được tìm thấy trên biển Baltic. Hãng Silja Line (Phần Lan) cũng có mấy chục con thuyền như vậy chạy loanh quanh trong vịnh, giá để được lên tàu là vài trăm đô mỗi đêm, chưa kể hơn một ngàn đô tiền vé khứ hồi bay sang chỗ có tàu. Nếu tiết kiệm tiền thì chạy xe ra Hạ Long cũng được, chọn một con tàu tạm đủ to để làm Titanic, giá 200 đô một đêm, rồi rình lúc vắng người thì ùa lên boong dang tay trước gió.
Nhiều năm trước, đọc báo thấy đưa tin Trizzie Phương Trinh đã chinh phục Bằng Kiều bằng cả sự lãng mạn (mà hình như sau này lãng mạn của họ cũng đã chết dần), ấy là khi Bằng Kiều đang lưu diễn cô đơn nơi xứ người thì Trizzie xinh đẹp mời chàng đến nhà đúng vào ngày sinh nhật của chàng. Lúc đến nơi, chàng sững sờ kinh ngạc khi nàng rải hoa hồng từ tầng một lên hết cầu thang dẫn vào phòng khách được thắp nến. Hồi ấy, tôi đang kinh doanh điện hoa, một cửa hàng hoa con con ở phố Quang Trung. Bệnh nghề nghiệp nên tôi vội tính toán cái khoản chi phí cho một đêm hoa hồng. Khoảng bao nhiêu bông để đủ trải thảm hoa rước chàng vào con đường tình yêu, tính xong thấy cụt vốn cho cả một gánh hàng hoa nhập sẵn từ Mê Linh, Đà Lạt chuẩn bị cho vụ làm ăn ngày Valentine.
Có những người hoài cổ phản đối: Ngày xưa, chỉ một đồi hoa sim, một đêm dạo chơi trên biển hay một góc công viên đã là cả một trời lãng mạn. Hỡi ôi, ngày xưa ấy nay còn đâu! Ngày xưa mẹ tôi còn bảo phố Lý Nam Đế là con đường tình yêu. Vì phố ấy vắng, nhiều cây đại thụ, đi cả ngày chẳng thấy một bóng người, 8 giờ tối thì Lý Nam Đế là thiên đường cho những đôi tình nhân dưới gốc cây. Giờ Lý Nam Đế thành phố máy tính, người đông chật như virus máy tính, bất kể giờ nào với những bộ mặt bán linh kiện máy tính lạnh lùng như một cỗ máy. Ở Hà Nội, Sài Gòn, giờ biết tìm đâu ra nơi nào vắng người. Mà cũng đừng dại lai vãng đến những nơi ấy, mất mạng chẳng chơi.
Thành thị hết lãng mạn thì tìm đường ra bãi biển. Mà Sầm Sơn, Đồ Sơn, Bãi Cháy thì cũng không bao giờ ngớt người bon chen. Chưa kể đang đi dạo còn gặp cảnh mời chào thưởng thức hải sản, mực nướng, hứa hẹn một cuộc “chặt chém” đầy kỳ thú; và cảnh những cô nàng móng đỏ, tóc vàng hoe chòm chõm tìm khách hàng cắt ngang cả một trời lãng mạn. Rút cục, muốn được yên thân mà lãng mạn, với một bãi biển nguyên sơ, sạch sẽ không một vẩy rác thì chỉ có nước tìm đường vào resort với những bungalow có view trông ra biển với giá vài trăm đô một đêm.
Một cảnh lãng mạn đáng ao ước nữa mà tôi cứ nhớ mãi, nó thiên nhiên lắm, chẳng sợ ai đụng chạm, cũng không mấy tốn kém, đấy là một cảnh trong “Chuyện tình Paris”. Anh chàng giám đốc điều hành – con trai của một chủ tịch tập đoàn sản xuất xe hơi người Hàn Quốc – gặp cô gái Hàn ở Paris. Cô gái đến làm công việc dọn dẹp cho chàng. Thế rồi yêu, thế rồi tỏ tình. Chàng mời nàng đến một hang động ở ngoại ô. Khi chàng dẫn nàng đang ngơ ngác vào trong cái hang tối om, pháo hoa tự động phụt sáng như sao sa, và một bó hồng xuất hiện. Vốn có nghề tổ chức sự kiện, tôi tính ngay ra khoản tiền pháo hoa là có thể chịu đựng được cho màn biểu diễn lãng mạn độc nhất vô nhị này. Nhưng hỡi ôi. Cái công việc đi tiền trạm để tìm một hang động cho phù hợp, cái hang động nào có thể đậu được ôtô, cái hang động nào không có trẻ làng lẻn vào trộm hết pháo hoa và cả việc đến lắp pháo hoa nữa, nó mới kỳ công, tốn kém làm sao. Không chỉ tốn tiền, mà còn tốn cả thời gian. Mới hay lãng mạn không những cần vô số ý tưởng và óc sáng tạo mà còn cần nhiều thời gian, công sức nữa.
Đừng tin vào màn bạc. Màn bạc vẽ ra toàn viễn cảnh các giám đốc điều hành những công ty trị giá tỷ đô lọ mọ đi mua pháo hoa, pháo giấy về gắn đầy trong hang, trong khi báo chí đưa tin tỷ phú Đoàn Nguyên Đức, người tự nhận mình có khối tài sản 5 đời ăn không hết, 20 năm trời chưa lần nào được đi du lịch vì không có thời gian, cũng không quen ai chân dài vì… không có thời gian. Báo chí cũng bảo minh tinh Phạm Băng Băng – một trong những mỹ nhân đẹp nhất Châu Á – đến giờ vẫn chưa có bạn trai vì… không có thời gian.
Ừ, yêu đương lãng mạn tốn thời gian lắm. Lãng mạn không bao giờ đồng nghĩa với việc gặp nhau chớp nhoáng là xong. Lãng mạn cần hàng giờ ngồi bên nhau mỗi ngày để chia sẻ, cần những tin nhắn và dòng thư đầy yêu thương, cần thời gian tư duy xem tại sao hôm nay người ấy lại có vẻ không vui, cần cả thời gian giận dỗi nữa. Mỗi ngày cần tới vài giờ để dành cho yêu thương và lãng mạn, như phim Hàn, như tiểu thuyết Mỹ – xa xỉ quá cho những người đang trên đà hái ra tiền.
Có lần tôi sang Nhật và đến Hakone vào một ngày thu đẹp tuyệt vời. Rừng thông dưới chân núi Phú Sĩ quả là thiên đường cho những người đang yêu. Nắng vàng rượi như mật ong dát trên những con đường trải nhựa không một bóng người. Tôi cứ tưởng tượng và mong mãi bóng dáng một chiếc xe mui trần chở hai người trẻ mặt rạng ngời hạnh phúc đang chầm chậm phóng lên đỉnh núi mờ ảo, hoặc hai người khẽ nắm tay nhau đi dạo trên những con đường mòn. Nhưng suốt mấy ngày ở Hakone, chỉ bắt gặp mấy cụ già. Có lẽ cũng chỉ những cụ già mới đủ thời gian và lương hưu cho sự lãng mạn. Còn người trẻ, những người lúc nào cũng cảm thấy thiếu tiền và thời gian, thì đang quần quật ở Tokyo.
Một số người hoài cổ cuối cùng còn sót lại của thế kỷ vẫn tin rằng lãng mạn không cần phải ý tưởng gì nhiều, chỉ một bài thơ tình là xong. Nhưng thật đáng buồn, hồi mấy năm trước tôi có đề xuất ý tưởng với một công ty sách về việc tuyển chọn 99 bài thơ tình hay nhất thế kỷ với hình thức thật đẹp. Sau đó sách ế đến nỗi mấy năm chẳng bán được cuốn nào. Đến ngày Valentine và 8/3, tôi gợi ý cho các sinh viên ngồi bán 99 bài thơ tình làm quà tặng, với một nỗ lực đến tuyệt vọng nhằm tiêu thụ hết số sách ế. Phản hồi rất giống nhau: Thưa cô, thoạt đầu ai cũng cầm ngay cuốn sách lên vì nó đẹp quá, nhưng vừa lật được một trang họ đã kêu lên: “Ối thơ à?”, rồi thả ngay cuốn sách xuống. Thế đấy, bây giờ ai mà đi tặng thơ tình thì còn đâm ngại, sợ “đối tác” cho rằng mình không bình thường. Lãng mạn thời nay đã khác xưa nhiều rồi.
– Lãng mạn thế nào đây?
Bài: Di Li
Xem thêm: Hãy ôm em 2 phút mỗi ngày