Lắng đọng như một giọt cà phê

Lắng đọng như một giọt cà phê

Tin Tức

Thưởng thức Davidoff Café như đưa chúng tôi lên một quả khinh khí cầu, dạo chơi từ châu Phi qua châu Mỹ, tới châu Đại Dương. Một chuyến hành trình của khứu giác và vị giác, được tỉnh thức bởi sự tinh tế.

Từ tách cà phê giữa châu Phi

Đó là một buổi sáng tinh mơ ở hồ Victoria – hồ nước ngọt lớn nhất Tanzania, lớn nhất châu Phi, và thứ nhì thế giới. Ở châu Phi, mà trời lạnh. Gió thổi lồng lộng từ khoảng trời nước mênh mông trước mặt, khơi dậy một cơn thèm cà phê cồn cào. Tôi trở về lán gỗ, lục ba lô tìm một gói cà phê hòa tan ngõ hầu tìm chút mùi hương cho đỡ ghiền. Thấy tôi lui cui đun nước, anh bạn chủ nhà người Massai (*) cười cười vỗ vai hỏi tôi làm gì đó? Chế nước sôi vào cốc, tôi khuấy lên mời anh thử. Nhấp một ngụm, anh chàng ồ lên thích thú: “Loại sữa này ngon đấy”.

Người châu Phi có ưu điểm là… không biết nói mỉa, nên tôi cũng chẳng biết phải trả lời câu bình luận đó thế nào. Với một chút tự ái, tôi thanh minh rằng đây là cà phê uống liền, tương tự như mỳ ăn liền thôi, để cho nhanh. Còn cà phê Việt Nam rất ngon, rất đậm, và không phải như thế này.
Anh bạn ồ lên lần nữa, bảo nếu thèm cà phê thì ra ngoài hiên uống với anh. Tôi bước ra ngoài, ở đó mấy nhân viên khu nghỉ dưỡng đã ngồi với nhau từ lúc nào, trước mặt mỗi người có một tách nhìn qua đã biết là cà phê đen.

– Anh uống đường chứ?
– Không, cám ơn.
– Nên cho 1 viên nhỏ, có thể hơi chua.

Tôi vẫn từ chối. Uống cà phê đen nóng không đường là một gu phổ biến của người Việt Nam. Nhận tách cà phê nóng, tôi hít sâu một hơi, cảm nhận mùi thơm thanh nhã. Nhấp ngụm đầu tiên, đúng là lẽ ra nên cho đường, cà phê khá chua, có lẽ là loại Arabica nguyên chất. Nhưng hậu vị của nó thì tuyệt vời, dịu, ngọt và mềm mại.

Cách pha cà phê ở Tanzania cũng khác. Họ cho cà phê bột vào một chiếc nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi liu riu. Sau đó, hỗn hợp này được đổ vào phích qua một cái rây để lọc bã. Cà phê trữ nóng trong phích, rót ra tách cho mọi người.

– Cà phê này của nước nào vậy? – tôi hỏi, khi chìa tách ra để nhận lượt rót thứ 2, có kèm theo 1 viên đường.
– Ở đây, nước tôi, Tanzania – anh bạn bản địa nói ngắn gọn, không giấu vẻ tự hào.

Đó là lần đầu tiên tôi biết đến hương vị cà phê  Arabica Tanzania, cà phê châu Phi, được một người Massai kiêu hãnh tự tay pha mời.

Đến hộp cà phê bên hiên biệt thự cổ Hà Nội

Còn bây giờ là buổi chiều Hà Nội. Đã là cuối xuân, trời còn rét nhẹ nấn ná nốt để thiếu nữ kịp diện áo len mới mua, và cánh đàn ông hít hà với nhau tách cà phê nóng. Bạn mời tôi đến, kê bàn ghế ra ban công, nhìn xuống đường. Chỗ ấy chúng tôi thường ngồi đối ẩm cà phê. Tức là, thằng nào đi đâu kiếm được loại cà phê nào mới, ngon, lạ, thì mang về gọi nhau đến thưởng thức. Từ cà phê rang bơ rang mắm công thức bí truyền của Hà Nội, Huế, Hội An. Đến cà phê culi Cầu Đất nhặt riêng từng hạt. Từ cà phê Thổ Nhĩ Kỳ đậm đà, cho đến cà phê Italy thơm ngậy. Những Nhân, những Giảng, những Chất, những Dìn, những Arabica nọ Robusta kia… chúng tôi đã uống nhiều, rất nhiều bên mái hiên căn biệt thự cổ ấy, nhìn xuống đường.

Những tín đồ cà phê trên thế giới nhiều người có cùng quan điểm này: Hương vị của cà phê luôn gắn liền với bối cảnh thưởng thức nó. Đến mức mà, nếm vị cà phê của một vùng đất bạn đã đặt chân, hương vị ấy sẽ tái hiện trong não bạn những ký ức ấn tượng nhất về vùng đất ấy. Những ký ức mà, các bức ảnh, thước phim, hay những dòng nhật ký cũng không thể miêu tả chân xác được.

Chiều hôm ấy, bạn mời tôi một tách cà phê loại trích ly. Sự lạ. Thường chúng tôi không đánh giá cao cà phê hòa tan, dù rằng bột cà phê trích ly gom lại tất cả những ưu điểm nổi bật nhất của cà phê: Hương – Vị – Crema (3). Đoán ý tôi ngần ngại, bạn cười: “Cứ thử đi, hay lắm đấy“.

Tôi nếm thử ngụm đầu tiên. Và cái làn gió sớm bên hồ Victoria ùa về, những đồng cỏ khô, giọt sương mai trên ngọn cây lá gai, lòng bàn tay mát lạnh của người bạn thổ dân Massai, vị chua, hương thơm, hậu ngọt… tất cả ùa về, như thể mới sáng nay thôi.

Bạn đưa tôi chiếc lọ, nó có tên Rich Aroma – một sản phẩm  của Davidoff Café. Màu đỏ kẻ ô của nó gợi nhớ đến màu áo choàng truyền thống ưa thích của những chiến binh Massai. Nổi bật trên nền xám nhạt. Davidoff Café – Rich Aroma là sự kết hợp của hạt cà phê Arabica từ khu vực Nam Mỹ và Đông Phi dành cho những người ưa thích cà phê có vị đậm đà cùng mùi hương mãnh liệt từ núi rừng và cỏ cây.

Set sản phẩm  của Davidoff Café không chỉ có thế, chúng tôi tráng miệng bằng nước lọc, rồi thưởng thức tiếp Davidoff Café – Fine Aroma chỉ bao gồm hạt Arabica của Nam Mỹ. Sử dụng phương pháp rang sơ (light roast), Fine Aroma cho ra hương vị chua thanh nhẹ hơn, phù hợp với những người quá nhạy cảm với cafein, hoặc phụ nữ.

Buổi nếm cà phê kết thúc bằng nửa tách Davidoff Café – Espresso 57. Sự hòa trộn khéo léo từ những hạt cà phê Arabica của cao nguyên đất đỏ bazan tại Costa Rica, Kenya và châu Đại Dương, được rang kỹ (dark roast), tạo ra nhãn cà phê số 57 tuyệt vời. Đây chính là thứ cà phê đen đặc, mà những người đàn ông Việt thường thích thú nhấm nháp vào mỗi sớm mai, như một cách để vuốt ve từng nơ-ron thần kinh của mình trước khi bước vào một ngày làm việc căng thẳng.

Ba nhãn cà phê của Davidoff Café, đưa chúng tôi lên một quả khinh khí cầu, dạo chơi từ châu Phi qua châu Mỹ, tới châu Đại Dương. Chuyến hành trình của khứu giác và vị giác được tỉnh thức bởi sự tinh tế.

Một chút vĩ thanh

Davidoff là thương hiệu mang tên doanh nhân Thụy Sĩ gốc Ucraina – Zino Davidoff (1906 – 1994). Ông khởi xướng và trở thành một trong những người tiên phong mẫu mực cho những sản phẩm tiêu dùng có tính duy mỹ rất cao. Phương châm của ông cô đọng trong câu nói nối tiếng: “Pleasure in a thing of beauty is the essence of a happy life” (Hài lòng với từng điều đẹp đẽ, đó chính là bản chất của cuộc sống hạnh phúc). Zino Davidoff còn có công lớn khi kết nối tinh hoa thẩm mỹ của nhiều quốc gia trên thế giới, điều mà các nhà kinh doanh ngày nay xem như một nguyên tắc bắt buộc.

Khởi đầu với thương hiệu xì gà trứ danh, Davidoff ngày nay trở thành một thương hiệu có uy tín bậc nhất thế giới, với các sản phẩm tinh tế như đồng hồ, nước hoa, xì gà, rượu cognac, và cà phê. Sử dụng sản phẩm của Davidoff, được xem như một biểu hiện của sự am hiểu, lịch lãm mà không phô trương.

Có lẽ, đó cũng là tinh thần của những tín đồ cà phê Việt – những người luôn tự hào rằng, sự sành sỏi về cà phê vốn ăn vào máu ngay từ lúc họ sinh ra…

Chú thích:

(1) Người Massai – một tộc người du mục sống rải rác từ Kenya đến Tanzania. Tộc người này nổi tiếng thiện chiến, có cấu trúc sinh học khác biệt với các tộc người châu Phi khác (cao, chân tay dài, gương mặt thanh thoát rất đẹp). Do sự tinh nhanh và dũng cảm đặc trưng đó, người Massai ngày nay thường được thuê để làm bảo vệ, vệ sĩ, họ tự trang bị vũ khí truyền thống là gươm, lao, và chùy gỗ.

(2) Trích ly là quá trình hòa tan các chất có trong cà phê bằng nước nóng để tạo thành dung dịch chiết có nồng độ và các chất hòa tan khoảng 25 – 35%. Sau khi được trích ly, dung dịch cà phê sẽ được giữ trong các tanks để làm nguội nhanh đồng thời tránh tiếp xúc với không khí kết lắng thành các chất thô và tránh sự bay hơi của một số chất thơm và cuối cùng được lọc và sấy khô hoặc sấy đông lạnh để tạo ra sản phẩm bột cà phê hòa tan.

(3) Lớp bọt tạo bởi protein và melanoidins, có “sức căng bề mặt” cao nên rất bền và khó bị phá vỡ. Bọt khí này là khí CO­2 nằm trong hạt cà phê và trong nguồn nước pha chế. Crema cũng bao gồm cà phê và các loại dầu nhũ hoá được tìm thấy trong hạt cà phê.

Davidoff Café là dòng cà phê hạng sang của Thụy Sĩ, sử dụng 100% hạt Arabica cao cấp. Thương hiệu Davidoff từ gần một thế kỷ nay đã quen thuộc với người tiêu dùng sành điệu trên thế giới với các sản phẩm nước hoa, phụ kiện thời trang, rượu cognac, đồng hồ cao cấp…
Tại Việt Nam, Davidoff Café đem tới trải nghiệm cà phê đa dạng, bao gồm cà phê hòa tan, cà phê nguyên hạt, cà phê rang xay và cà phê viên nén.
Fanpage: facebook.com/davidoffcafevn/
Website: http://bit.ly/davidoff-cafe-vietnam
Bài: Phạm Gia Hiền – Ảnh: Davidoff Cafe

Thực hiện: Huyền My Trương

28/03/2019, 17:48