Làng dệt lanh độc đáo giữa cao nguyên đá - Tạp chí Đẹp

Làng dệt lanh độc đáo giữa cao nguyên đá

Du Lịch

Nếu không được ai đó chỉ trước thì bạn sẽ dễ bỏ qua làng dệt trên hành trình khám phá miền cao nguyên đá Đồng Văn. Nằm cách cổng trời Quản Bạ không xa, bản Hợp Tiến của xã Lùng Tám là nơi sinh sống của đồng bảo H’mông (Mông) với nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Đất Lùng Tám là một thung lũng nhỏ nằm giữa bốn bề núi đá và có dòng sông Miện (Miệm) chảy qua. Để chạm chân tới mảnh đất này, người đi sẽ phải vượt qua những con dốc quanh co sườn núi, trập trùng giữa mây bay hoặc sương mờ mịt. Làng dệt Lùng Tám là một điều đặc biệt chỉ trồng lanh trong khi hầu hết tập quán của người H’Mông ở vùng cao nguyên đá này là trồng ngô trong những hốc đá trên núi khô cằn.

Những người phụ nữ Mông thương luôn rất giỏi trong việc dệt vải

Các mặt hàng như vỏ chăn, khăn trải bàn, túi thổ cẩm, ví, tấm trang trí, vỏ gối… của Lùng Tám đều được làm bằng tay theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại cho tới bây giờ. Nguyên liệu chính để làm nên những tấm thổ cẩm là từ những sợi lanh. Những cây lanh được trồng ở trong xã hoặc vùng lân cận và chọn lựa rất kỹ, sau khi ngâm và tuốt sẽ tách ra từng sợi nhỏ. Tiếp theo, những người phụ nữ H’mông sẽ luộc và hấp cho sợi lanh mềm. Khâu nhuộm màu cũng rất đặc biệt. Tất cả các màu đều được làm từ lá cây rừng như chè, ổi hay củ nâu hoặc loại gỗ khác mà tuyệt đối không có hóa chất công nghiệp nào.

Mọi công đoạn của quá trình làm ra một sản phẩm lanh Lùng Tám đều là thủ công 

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Vàng Thị Mai – chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến cho biết rằng người Mông rất ưa chuộng vải lanh bởi nó có độ bền chắc hơn vải bông. Thêm nữa, theo quan niệm của đồng bào, vải lanh được coi là sự gắn kết bền chặt giữa con người và thế giới tâm linh. Họ cho rằng sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người. Với người Mông, dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng phẩm hạnh của người phụ nữ.

Những sản phầm handmade độc đáo đã có mặt khắp năm châu

Chị Mai cũng cho chúng tôi biết thêm một điều thú vị là hầu hết các sản phẩm dệt lanh Lùng Tám đều được xuất khẩu tới khoảng hơn 20 nước trên thế giới, khách hàng trong nước ít biết đến lắm. Mỗi sản phẩm dệt đều mang những nét hoa văn truyền thống, những hình ảnh đều mang ý nghĩa riêng và chủ yếu là họa tiết của người Mông trên mảnh đất này. Bạn có thể nghe tiếng thoi của khung dệt ngay từ đầu làng hoặc thấy những khuôn lớn để căng và se sợi lanh hay tấm thổ cẩm lớn đang phơi trên hàng rào quanh nhà.

Lùng Tám cách núi đôi Tam Sơn (Quản Bạ) chừng 8km 

Những năm gần đây, con đường vào xã Lùng Tám đã được đầu tư, nâng cấp, trải nhựa nên giao thông đã rất thuận tiện. Bạn có thể dành từ nửa ngày tới một ngày để khám phá và tìm hiểu hoặc ngồi dệt hay khâu tay cùng những chị em phụ nữ tại đây. Bạn sẽ được chứng kiến sự tỉ mỉ, khéo tay và kiên nhẫn cửa người phụ nữ Mông. Sẽ thấy đầy đủ từng công đoạn vất vả và khó nhọc để làm nên một sản phẩm đặc biệt. Trước đây, vải lanh thường chỉ được dệt và may váy áo mặc trong những dịp lễ hội hay tết, giờ thì được sử dụng để làm nên hàng chục sản phẩm lưu niệm khác nhau.

Những cây lanh tươi được thu gọm về và phơi héo

Lanh được xe thành từng sợi nhỏ trên khung 

Quá trình định hình vải cũng được làm thủ công hoàn toàn

Hoa văn trên các sản phẩm đều thể hiện nét văn hóa của người Mông

Màu sắc đều được nhuộm từ các loại cây rừng 

Vải lanh đã được dùng để tạo ra hàng chục sản phẩm khác nhau

Bài và ảnh: Trần Giáp


logo

Thực hiện: depweb

16/05/2016, 12:58