Thomas Flower (Michael Caine), nhà báo kỳ cựu người Anh trong “Một người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Phillip Noyce thổ lộ: “Điều đầu tiên bạn ấn tượng ở Việt Nam chính là mùi vị, điều này hứa hẹn mọi thứ sẽ thay đổi trong tâm hồn bạn”…
Mùi nhiệt đới
Tôi tự hỏi, tại sao các nhà lữ hành không chọn câu nói đó của Flower trong bộ phim đầy cảm tình về Việt Nam để làm câu slogan quảng bá du lịch?! Điện ảnh là một câu chuyện được kể bằng hình. Và hình ảnh, với thế mạnh tác động trực tiếp đến thị giác người xem, sẽ tiếp tục tạo ra sự khơi gợi. Những khuôn hình điện ảnh, nếu không tạo ra được sự khơi gợi hay cảm nhận, thì đó là thứ điện ảnh vứt đi!
Mở đầu “Một người Mỹ trầm lặng” là hình ảnh của dòng sông đêm đầy ăm ắp, những ánh đèn sáng lấp loáng, và giọng hát mơ hồ và liêu trai của Hồng Nhung cất lên, ca khúc “Thiên thai” của Văn Cao. Rồi giọng tự sự của Thomas Flower trong vai trò người kể chuyện: “Tôi không biết điều gì đã làm tôi yêu Việt Nam? Đó có thể là giọng nói của một người phụ nữ khiến bạn mê mẩn (trong tiểu thuyết của Graham Greene, ông miêu tả giọng nói của phụ nữ Việt Nam như tiếng chim, líu lo và liếp nhiếp trên gối khi ngủ cùng họ), đó có thể là những thứ rất mãnh liệt khác: màu sắc, hương vị, kể cả những giọt mưa”. Nhưng đó chỉ là những cảm nhận ban đầu, những thứ đánh vào giác quan của bạn, ngay tức thì khi đến Việt Nam.
Với Thomas Flower, sau những năm tháng trải nghiệm ở đây với tư cách một phóng viên chiến trường, yêu say đắm một cô gái Việt, thì những đúc kết sau đây, mới thực sự giá trị: “Người ta nói rằng những gì bạn muốn tìm, bạn sẽ tìm thấy ở đó. Họ nói rằng khi bạn đến Việt Nam, bạn sẽ hiểu được rất nhiều điều chỉ trong vòng vài phút, nhưng phải sống mới hiểu hết những điều còn lại”…
Điều tôi thích bộ phim này, có lẽ bởi vì những nhà làm phim đã hiểu “những điều còn lại” đó ở Việt Nam với những khuôn hình đẹp mê mẩn của tay máy phù thủy Christopher Doyle. Một vẻ đẹp nhiệt đới, không trộn lẫn với sự ẩm ướt, hơi nóng, sự ngột ngạt của những khuôn hình chật, ánh sáng ngoại rạng rỡ, ánh sáng nội ấm và nóng, gợi sự nhục cảm. Tất cả đều gợi lên cảm giác về mùi. Mùi nhiệt đới.
Mùi nhiệt đới, tôi luôn luôn tìm thấy điều đó trong những bộ phim xuất sắc của các đạo diễn nước ngoài hay Việt kiều khi quay về Việt Nam, nhưng lại rất khó thấy ở các bộ phim Việt, dù các đạo diễn nội sinh ra ở lớn lên trên mảnh đất này.
Trần Anh Hùng với tôi luôn là một đạo diễn đánh thức mãnh liệt về các giác quan. Những khuôn hình của anh luôn làm tôi có cảm giác chạm vào được, nếm được vị và ngửi được mùi. Bộ ba (trilogy) về Việt Nam của Trần Anh Hùng về ba miền tạo ra 3 thứ mùi khác biệt, nhưng đều Việt Nam, không trộn lẫn.
“Mùi đu đủ xanh” ngai ngái và nồng nồng với những giọt mủ trắng ứa ra từ quả đu đủ xanh, đánh thức khứu giác đặc biệt trong cô bé Mùi năm 10 tuổi, mãi mãi trở thành một thứ mùi của ký ức trong cô, không dễ gì quên được. Mùi tóc của Mùi năm 20 tuổi khi được gội bằng những thứ nước nấu lá thơm cũng vậy. Nghệ thuật quay đặc tả và cận cảnh trong bộ phim này với vẻ đẹp duy mỹ của từng khuôn hình, càng tăng thêm cảm giác cho người xem rằng mình là người trong đó, sờ và ngửi được từng hình ảnh một.
“Xích lô” là mùi của đường phố Sài Gòn, mùi của bạo lực, mùi của cuộc sống bên lề, mùi của những lo âu dự cảm, mùi của tuyệt vọng và hi vọng. Mùi của “Xích lô” vừa hữu hình vừa vô hình. Mỗi một nhân vật của “Xích lô” đều tạo ra mùi của riêng họ: anh lái xích lô, cô gái trinh, anh nhà thơ, bà chủ chứa và đứa con thiểu năng…
Còn mùi của “Mùa hè chiều thẳng đứng” thì lại mùi của Hà Nội, mùi của những cơn mưa mùa hạ, mùi của những căn nhà kiến trúc Pháp cổ đặc trưng, mùi của những món quà sáng, những cái ngõ chật hẹp. Và còn những thứ mùi vô hình khác, gợi lên sự ẩn ức.
Mùi của buổi sớm mai, khi hai anh em Hải và Liên thức giấc trên chiếc giường bừa bộn mùi chăn chiếu, họ kể cho nhau những giấc mơ đêm qua, đùa cợt, chòng ghẹo rồi khiêu vũ với nhau trên nền nhạc của Lou Reed. Với Sương và Khanh là mùi của cuộc sống hai mặt, những khát khao ẩn ức muốn bung phá và trách nhiệm bổn phận đạo đức đè nén và níu giữ chân họ.
Muốn ngửi mùi Nam Bộ, tôi chọn “Người tình” của Jean-Jacques Annaud và “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
“Người tình” gợi lên mùi chăn chiếu, của những cuộc truy hoan của cô gái trẻ người Pháp và chàng trai người Hoa trong căn nhà ở chợ Lớn, giữa những tiếng ồn ào náo nhiệt và oi nồng ban ngày của khu phố Tàu. Để rồi khi cuộc tình tan vỡ, nó trở thành mùi kí ức của cô.
“Mùa len trâu” lại là mùi của mùa nước lũ, mùi của rũ mục và hồi sinh, mùi của sự tranh sống, của đấu tranh và sinh tồn, mùi bản năng hoang dã và sự trưởng thành… Nguyễn Võ Nghiêm Minh đem đến một thứ mùi khác, khác hoàn toàn với hình dung về “Hương rừng Cà Mau” mà Sơn Nam đã tạo dựng được trong tôi.
Lần theo mùi hương…
Những diễn giải trên của tôi, thực ra rất cảm tính từ những khuôn hình khơi gợi của điện ảnh. Một kiểu “ép khuôn hình cho ra mùi”!
Thực ra điện ảnh cũng không thiếu những bộ phim về mùi, theo đúng nghĩa đen của từ này. Tất nhiên, điều mà các đạo diễn muốn gửi gắm qua những câu chuyện về mùi này là thông điệp về cuộc sống.
Đó là “Ẩm thực nam nữ” của đạo diễn Lý An, câu chuyện gia đình cảm động giữa một ông bố làm nghề đầu bếp đã về hưu và 3 cô con gái chưa chồng. Một bộ phim gia đình gợi nhớ đến chùm phim “Xuân sớm”, “Hè Muộn”, “Thu Sớm”, “Thu Muộn” của huyền thoại điện ảnh Nhật Ozu. Những giá trị truyền thống và sự đổi thay.
Mái ấm gia đình và sự lạnh lẽo vô tình của xã hội bên ngoài. Mỗi người vừa là một cá thể độc lập với số phận riêng vừa là sự gắn kết với người khác trong cùng sợi dây huyết thống. Đó có thể là thông điệp mà đạo diễn Lý An mang lại cho khán giả sau bộ phim, nhưng những khuôn hình của ông, về những buổi tiệc ẩm thực tối chủ nhật của ông bố, ngày sum họp của gia đình họ thì tỏa hương ngào ngạt, đánh thức thứ khứu giác trong ý nghĩ, khiến tôi không đừng được việc nuốt nước bọt!
“Ratatouille” (Chú chuột đầu bếp), một tuyệt tác hoạt hình của hãng Pixar dưới bàn tay của đạo diễn Brad Bird xứng đáng là bộ phim hay nhất về ẩm thực, nhất là khi nó được thể hiện bằng phim hoạt hình 3D. Chú chuột Remy, được sinh ra với một khứu giác đặc biệt, điều này khiến chú khác hẳn với đồng loại và thậm chí là cả gia đình mình. Vì cực kỳ nhạy cảm về mùi vị, nên Remy chỉ ăn những gì ngon nhất.
“Đã mang tiếng ăn cắp thức ăn của con người, thì con chỉ ăn những gì ngon nhất chứ không ăn rác do họ thải ra”, Remy tranh luận với bố như thế. Với cậu “mỗi mùi vị hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu biết cách trộn chúng lại thì sẽ tạo ra một thứ mùi vị tuyệt hảo”. Và một cuộc phiêu lưu kỳ thú đưa Remy đến với Paris, nơi có nhà hàng cao cấp của chuyên gia đầu bếp nổi tiếng Gusteau đã quá cố, thần tượng của cậu trong những lần coi ké tivi nhà bà lão.
Tại nhà bếp nổi tiếng này, Remy đã cùng anh chàng hậu đậu Linguini “song kiếm hợp bích tạo” ra những món ăn nổi tiếng, làm sống lại nhà hàng 5 sao đang trên đà xuống dốc. Món nổi tiếng nhất từ công thức pha chế kỳ diệu của Remy là Ratatouille, một món súp rau nổi tiếng miền Nam nước Pháp. Cuộc thử thách cuối cùng của Remy là Ego, một nhà phê bình ẩm thực danh tiếng và cực kỳ cay độc, kẻ đã khiến Gusteau phải phẫn uất mà chết. Nhưng khi nếm thử món Ratatouille của Remy, chính Ego phải… buông bút. Trong bài phê bình ẩm thực sau đó, Ego viết “Không phải ai sinh ra cũng có thể trở thành nghệ sĩ, nhưng người nghệ sĩ tài giỏi nhất có thể xuất thân từ bất cứ nơi đâu”.
Nếu Remy, chú chuột đầu bếp có cái mũi nhạy cảm nhất về ẩm thực thì Jean Baptiste Grenouille, một kẻ quái dị (cũng ở Pháp) là vị vua không ngai của mùi hương. “Perfume: The Story of a Murderer” (Mùi hương: Chuyện về một tên sát thủ) là một chuyển thể trung thành và khá thành công so với cuốn tiểu thuyết kỳ diệu của nhà văn Đức Tom Tykwer.
Bộ phim mở đầu với một hình ảnh khá ẩn dụ: một khuôn hình tĩnh, bóng tối bao trùm, rồi dần dần hiện lên một đốm sáng nhỏ, và sáng dần sau song sắt nhà tù: cái mũi kì dị của Jean Baptiste Grenouille. Hắn đang chờ ngày ra pháp trường với tội danh giết người man rợ. Bộ phim quay lại điểm khởi đầu. Nước Pháp thế kỷ 18, Jean được mẹ hắn đẻ phọt ra ở giữa chợ cá sặc mùi hôi thối.
Đáng lẽ ra, hắn cũng sẽ chết như 5 anh chị em đẻ rơi đẻ rớt của mẹ hắn, nhưng chính tiếng khóc định mệnh đã cứu Jean. Hắn được gửi đến một trại mồ côi và bất chấp những cản trở, hắn dần dần lớn lên. Jean có một khả năng khứu giác kỳ lạ, một “tư chất về mùi hết sức đặc biệt”, nhưng chính bản thân hắn lại không có mùi. Hắn càng được dịp phát huy về biệt tài này, khi học làm nghề nước hoa với ông chủ Baldini và dần dần học cách để chưng cất các loại mùi vị. Và thứ mùi thần bí nhất, có sức mạnh quyền năng nhất, chính là mùi hương chưng cất từ thân thể các cô gái trinh nữ.
Jean Baptiste Grenouille bắt đầu trở thành một tên sát thủ ghê tởm, lần lượt giết chết 24 cô gái trẻ đẹp, gọt tóc họ, ướp mỡ vào vải len quấn quanh thân thể trần truồng của họ, để gột cho hết mùi hương trinh nữ, chưng cất trong 24 chiếc lọ thủy tinh. Hắn chỉ cần thêm duy nhất một mùi hương nữa, từ cô gái 16 tuổi đẹp tuyệt trần Laure Richis để hoàn thành bộ sưu tập mùi hương quyền năng của mình…
Antoine Richis, ông tổng chưởng lý thành phố Grasse luôn dự cảm kẻ thủ ác sẽ không bỏ qua con gái mình, viên ngọc xinh đẹp nhất, nên đưa con gái bỏ trốn đến một nơi khác. Nhưng Jean, một lần nữa, với khả năng đánh hơi xa hàng chục dặm, đã lần theo mùi hương của cô trinh nữ Laure, để lấy cho bằng được mùi hương tuyệt trần của cô.
Kẻ giết 25 trinh nữ cuối cùng cũng bị đưa ra pháp trường thành phố Grasse trước sự căm hận và ghê tởm của hàng ngàn dân chúng trong vùng. Nhưng chỉ cần một giọt hương chưng cất, trộn từ 25 mùi hương trinh nữ của hắn phất lên từ chiếc khăn nhỏ, hàng ngàn người từ căm hận hắn tận xương tận tủy, kể cả đức Giám mục và Antoine Richis, cha của Laure đều phủ phục dưới chân hắn, coi hắn là thiên sứ, là vị chúa cứu thế mới.
Rồi dần dần, cả hàng ngàn người, cởi hết quần áo, lao vào nhau, không phân biệt đẳng cấp, địa vị, già trẻ… trong những cuộc giao hoan bất tận (một cảnh phim ngoài sức tưởng tượng của người xem và được thể hiện tuyệt đẹp). Sức mạnh của mùi hương hay quyền năng của nhục cảm? Jean là người biết rõ hơn ai hết, nhưng chính hắn cũng cảm nhận thấy rõ sự vô vị của chính mình, vì hắn là kẻ không mùi và thứ nước hoa quyền lực kia không thể nào làm cho hắn yêu và được yêu như những kẻ khác. Cuộc sống với hắn là vô nghĩa…
Vậy một cuộc sống như thế nào thì có ý nghĩa? Với Baddi, một người đàn ông trung niên tìm cách để chết trong bộ phim “A Taste of Cherry” (Hương vị anh đào) thì dường như cuộc sống cũng không còn một ý nghĩa nào khác. Đây là một bộ phim ngụ ngôn về cuộc sống và cái chết của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami, một câu chuyện đơn giản nhưng kì lạ và được thể hiện giản dị nhất có thể.
Bối cảnh phim chỉ là những con đường đất quanh co lên xuống các ngọn đồi ở thủ đô Terehan. Baddi lái một chiếc xe hai cầu cũ, gương mặt hầu như vô cảm. Không có bất cứ một thông tin nào về thân thế, sự nghiệp, gia đình, quá khứ hay lí do mà ông ta chọn cái chết. Ông ta chạy xe lên xuống các con dốc, bụi bay mù mịt với mục đích duy nhất là tìm một người chôn mình khi ông ta chết.
Một công việc thật đơn giản, đúng 6h sáng, người được thuê chỉ cần đến miệng huyệt ở dưới một gốc cây, gọi hai tiếng “Ông Baddi, ông Baddi”, nếu không có tiếng trả lời thì lấp đất chôn lại. Một người lính Kurd, khi nghe Baddi diễn giải và thuyết phục một hồi thì kinh hồn bạt vía, đòi xuống xe và chạy hộc tốc qua mấy ngọn đồi.
Người thứ hai là một sinh viên trường đạo đến từ Afghanistan, cũng mất một hồi diễn giải và thuyết phục, và anh ta cũng bỏ chạy.
Baddi vẫn tiếp tục mục đích của mình và ông ta tìm được ông Bagheri, một ông già người Thổ. Bagheri nghe một hồi, có vẻ hiểu mọi chuyện và không phản ứng hoảng sợ như hai anh chàng trẻ tuổi kia, ông chỉ kể một câu chuyện, về chính ông. Nhiều năm về trước, sau một cú sốc lớn lao, ông cũng lên ý định từ giã cuộc sống. Bagheri mang thòng lọng treo lên một cây anh đào, nhưng ông ta không đủ cao để cho cổ vào thòng lòng.
Bagheri bèn trèo lên cây, tiến về phía dây thòng lọng, nhưng vô tình bàn tay ông cảm nhận một vật mềm. Đó là quả anh đào. Ông ta đưa lên miệng cắn, vị ngọt, mọng nước và thơm tan trong miệng. Ông ta ăn thêm quả nữa, quả nữa. Một vài quả anh đào rụng xuống đất, bọn trẻ con đi ngang qua nhặt lấy và tranh nhau ăn. Bagheri từ bỏ việc tự vẫn, ông hái thêm vài quả nữa để mang về cho vợ. Khi về đến nhà, bà vợ vẫn ngủ say và không hề hay biết ông chồng mình suýt nữa thì đã từ giã cõi đời.
Baddi lắng nghe câu chuyện nhưng vẫn không từ bỏ ý định. Baddi tiếp tục nhắc lại yêu cầu nhờ Bagheri sáng mai hãy giúp ông ta làm nốt công việc hậu sự. Đêm hôm đó, Baddi lái xe đến miệng hố, nằm sẵn bên dưới. Mặt trăng tròn đầy từ từ hiện ra trong mây, trôi trên bầu trời. Ông ra cứ nằm thế, chờ đợi, ánh sáng bình minh bắt đầu ló dạng. Không ai biết ông Bagheri có đến hay không…
Bộ phim ngụ ngôn đầy tính triết học về “hương vị cuộc sống” nhưng được thể hiện giản dị và tài tình này đã đem về cho đạo diễn Abbas Kiarostami giải cao nhất – Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1996. Đây là lần đầu tiên, điện ảnh Iran đoạt giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh và cũng bắt đầu một thời đại mới cho nền điện ảnh nhỏ bé này.