Làn sóng xanh – Gánh nặng của hào quang

Chủ soái nhạc Việt – Thời thế tạo anh hùng

Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ các bạn trẻ sinh năm 96-97, giai đoạn Làn Sóng Xanh ra đời. Phần lớn trong số họ có biết về Làn Sóng Xanh nhưng rất mơ hồ. Khi tôi hỏi “nhạc Làn Sóng Xanh” gợi liên tưởng đến ca sĩ nào, thì các em cũng gọi ra vài cái tên như Phương Thanh, Cẩm Ly, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… – không quá 10 người. Tôi không nói những bạn trẻ ấy đại diện cho người trẻ hiện nay, nhưng nếu nhìn lại 20 năm trước, thời mà những ca khúc Làn Sóng Xanh là câu chuyện cửa miệng của giới học sinh – sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung những năm 97-99, thì chúng ta có thể hình dung ra vị thế của một chủ soái nhạc Việt sau chừng ấy năm.

lan-song-xanh-3
Làn Sóng Xanh cần phải trút bỏ gánh nặng hào quang để sẵn sàng cho một cuộc “tái sinh”.

Chính “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đã làm nên giai đoạn đáng nhớ đó của nhạc Việt. 20 năm sau chiến tranh, một thế hệ mới trưởng thành, ngành băng đĩa Sài Gòn khi đó đã phát triển tới đỉnh cao của kỷ nguyên băng cassette, những nghệ sĩ danh tiếng thế hệ trước hoặc đã rút lui, hoặc… xuất cảnh để trở thành ca sĩ hải ngoại, khoảng trống ấy là cơ hội tuyệt vời cho những gương mặt mới, trong đó có rất nhiều ca sĩ Hà Nội (những người trước đây vẫn ở thế yếu so với nhạc trẻ Sài Gòn). Và quan trọng hơn cả là lớp nhạc sĩ mới đã trưởng thành sau khi internet vào đến Việt Nam. Thay vì ngồi cà phê nghe ké nhạc oldies thập niên cũ hay tụ tập “phê” rock trong các đêm nhạc sinh viên, đám thanh niên nhanh chóng bắt nhịp với các kênh truyền hình ca nhạc như MTV, Channel [V] như một biểu hiện của lối sống sành điệu.

Một trào lưu âm nhạc nhiều khi có thể bắt nguồn từ những điều rất nhỏ. Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc về màn biểu diễn ca khúc “Cho em một ngày” của Hồng Nhung cùng tay ghi ta Vĩnh Tâm trong khán phòng nêm chặt khán giả ở Nhà hát Hòa Bình, hay cơn sốt nhạc Hà Nội nở rộ sau ca khúc “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” cùng sự nổi lên “thần tốc” của ca sĩ Mỹ Linh tạo ra làn sóng hâm mộ chưa từng có cho ca sĩ Bắc kì. Chưa hết, nếu phải kể tên một ca khúc định mệnh (theo ngôn ngữ thời đại là bản hit) có khả năng biến người hát không tên tuổi vụt thành sao hạng A thì “Yêu nhau ghét nhau” của Quang Linh hay “Trống vắng” của Phương Thanh là những ví dụ điển hình… Tất cả – âm nhạc, giọng ca – đều mới lạ, khán giả mở lòng, nghệ sĩ hào hứng, giữa bối cảnh quá thuận lợi đó, chương trình ca nhạc Làn Sóng Xanh ra đời. Còn gì đẹp hơn!

Thời hoàng kim của radio đã qua. Làn Sóng Xanh, sau 10 năm, đã không còn là nơi duy nhất hoặc lý tưởng nhất để nghe nhạc mới hay nghe ca sĩ thần tượng hát nữa.

Làn Sóng Xanh ra đời, vừa đón đầu được nhu cầu xếp hạng bài hát theo kiểu MTV vốn rầm rộ trên báo chí khi đó, vừa là bệ phóng của cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ. Khán giả nhiệt tình gửi thư bầu chọn, mong được nghe lại bài hát mình yêu thích. Ca khúc mới ra mắt đều đặn hàng tuần, ai cũng có cơ hội trong một môi trường âm nhạc quá đỗi rộn ràng. Bản tin thời sự văn nghệ trên các báo xoay quanh những gương mặt bỗng nhiên sáng chói. Mỗi đêm nhạc Làn Sóng Xanh trở thành một đại hội nhạc trẻ thực sự, một kiểu Woodstock Vietnam (Đây chỉ là một cách nói ví von, xin phép không so sánh về thể loại âm nhạc) khi mọi người nô nức kéo tới “thánh đường” sân khấu Lan Anh để say mê ngất ngây với thứ âm nhạc tươi mới trong sự thưởng thức đầy vô tư, không hề chia bè phái. Thật là một thời tươi đẹp!

“Hạnh phúc trôi qua tay giấc mộng tàn”*

Làn Sóng Xanh từng có đủ những yếu tố thuận lợi để có thể kéo dài thời hoàng kim lâu hơn, và biết đâu nhờ thế, di sản để lại sẽ nặng ký hơn. Nhưng mọi hiện tượng đều có tính nhất thời. Đầu những năm 2000, cuộc thăng hoa bỗng có dấu hiệu đuối sức. Lớp ca sĩ mới xuất hiện, vẫn hay, nhưng dường như không đủ sức nặng và tầm lan tỏa như trước. Các ca sĩ bắt đầu lui về phạm vi hoạt động an toàn trong cộng đồng fan của mình. Cũng từ đây, những đêm nhạc Làn Sóng Xanh dần biến thành cuộc chiến fanclub. Sân khấu Lan Anh trở thành đấu trường khiến các khán giả vô tư chán nản. Bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh trở thành nơi các “tập đoàn” fan thao túng; danh sách Top mỗi năm là nơi đấu đá của một vài ca sĩ với hi vọng: còn trong Top là còn hot.

lan-song-xanh-2

Tất nhiên không thể không nhắc tới những ảnh hưởng bên ngoài. Thời hoàng kim của radio đã qua. Làn Sóng Xanh, sau 10 năm, đã không còn là nơi duy nhất hoặc lý tưởng nhất để nghe nhạc mới hay nghe ca sĩ thần tượng hát nữa. Dù chương trình phát thanh và bảng xếp hạng vẫn được duy trì, nhưng ảnh hưởng của nó tới thị trường âm nhạc đã không còn.

Có cảm tưởng chủ soái nhạc Việt năm nào đang phải gánh trên vai vinh quang của chính mình. Làn Sóng Xanh ở thời điểm này chỉ đơn thuần là một chương trình bình thường của một đài phát thanh. Trong những đêm nhạc kỷ niệm vừa qua, nhiều ca khúc tiêu biểu đã không vang lên, nhiều cái tên góp phần làm nên thời hoàng kim đã không xuất hiện, thay vào đó là các ca khúc và ca sĩ của ngày hôm nay. Tất nhiên họ cũng “hot” và hát toàn bản hit, nhưng hầu như không có gì liên quan đến Làn Sóng Xanh, nên khó có thể xem đó là sự tiếp nối, có chăng chỉ là yếu tố giúp chương trình kỷ niệm thêm rôm rả, và có vẻ cập nhật thời cuộc.

Làn Sóng Xanh có nên tiếp tục hay không? Chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời. Nhưng nếu Làn Sóng Xanh muốn tái lập vinh quang đã từng có, thì có lẽ cần phải trút bỏ gánh nặng hào quang của 20 năm trước, để sẵn sàng cho một cuộc “tái sinh”, dù không ai dám chắc nó sẽ mang hình hài ra sao.

* Xin được mượn lời ca khúc “Tình thôi xót xa” (một bản hit của Làn Sóng Xanh ngày ấy) để nói về giai đoạn rực rỡ nhưng ngắn ngủi của nhạc Việt.


From the same category