Làn da trắng: Tản mạn về trắng - Tạp chí Đẹp

Làn da trắng: Tản mạn về trắng

Xu Hướng Làm Đẹp

Từ chuyện ta sang chuyện Tây

Cách đây hơn một năm, có cô sinh viên Mỹ tới gặp tôi nhờ giúp đỡ cho bản khóa luận, cô đang đi tìm lời giải tại sao phụ nữ Việt Nam lại chuộng khăn bịt mặt và áo chống nắng. Tôi thoáng giật mình, hóa ra hình ảnh này gây ấn tượng mạnh với những vị khách từ bên ngoài tới vậy. Tôi đã từng đi nhiều nước trên thế giới, và phải công nhận rằng hình ảnh chị em ra đường với áo chống nắng đã trở thành một “đặc sản” của Việt Nam. Nó thậm chí còn được coi như một thứ thời trang, khi người ta mỗi năm lại tạo ra một kiểu cách, khi thì áo nữ hoàng cổ cao tới nửa mặt, khi lại là chiếc váy kiểu xà rông sặc sỡ.

Một chàng trai người Mỹ khác, tên là Brian, đã viết trên báo thế này: “Những người phụ nữ ngồi trên xe máy, được bọc kín từ đầu tới ngón chân. Không một milimét nào trên mặt họ hở ra. Họ được bọc kỹ hơn cả những phụ nữ ở hầu hết các nước Hồi giáo.” Nhưng thường là hình ảnh ấy ít khi để lại ấn tượng đẹp. Tôi đọc thấy có người đàn ông phát biểu: “Nói thật mặc áo này phóng xe máy trông các chị giống hệt những con ếch hoa di động… Áo chống nắng như đã trở thành một xu hướng thời trang đường phố nổi bật của phụ nữ Việt… Nếu du khách nước ngoài đến Việt Nam vào mùa hè và kết luận phụ nữ Việt mặc xấu nhất thế giới thì cũng chẳng oan. Vì chị em ta ra đường trong đồng phục chống nắng với số lượng áp đảo.” Cũng là chàng trai Brian, đã kể: “Có lần tôi ngồi với một cô bạn người Việt, sau khi cô ấy nghỉ mát về. Đang ngồi ở quán cà phê thì cô ấy gặp một người bạn Việt khác, cỡ bằng tuổi. Người bạn nói: ‘Ôi, bạn đen thế!’. Nhận xét đó tương đương với việc nói ‘Bạn béo lên đấy’, hay ‘Bạn xấu đi đấy’.”

Trở lại câu chuyện với cô sinh viên người Mỹ, nhận được đề nghị của cô, tôi đã ngồi suy nghĩ rất lâu. Những việc với người ngoài là kỳ lạ nhưng diễn ra hàng ngày xung quanh ta, ta nghiễm nhiên coi nó là bình thường. Tôi nhớ cách đây khoảng gần 30 năm, trào lưu chống nắng bắt đầu ở Sài Gòn, với những đôi găng tay vải mềm co giãn. Thời đó ai ra Hà Nội cũng mang theo găng tay chống nắng làm quà. Rồi một hệ quả ngọt ngào của sự phát triển kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của hàng tiêu dùng, là chị em quan tâm nhiều hơn tới sắc đẹp, cộng với số lượng khổng lồ xe gắn máy trong thành phố, và kết quả là vậy đó.

Tôi nhớ một cuộc gặp gỡ khác, với một nhà nghiên cứu người Nhật. Anh nói rằng phụ nữ thường mắc hai sai lầm lớn trong việc chống nắng, chống sự ô nhiễm của không khí. Thứ nhất, họ cho rằng chỉ cần tìm cách cho mình ở trong bóng râm (đi dưới bóng cây, che chắn bằng ô, bằng quần áo…) thì sẽ không bị tác động của tia UV. Thứ hai, nếu đã dùng sản phẩm nuôi dưỡng da (với các dưỡng chất, vitamin A, C…) giúp da khỏe và trắng sáng từ bên trong thì không cần dùng kem chống nắng bảo vệ nữa. Bởi ấn tượng mà các quảng cáo kem chống nắng với những cô gái trẻ trung và xinh đẹp mặc bikini tung tăng đùa giỡn trên cát trắng đã để lại quá mạnh, mà chị em mặc nhiên cho rằng kem chống nắng chỉ dành cho bãi biển. Đó có lẽ chính là lý do cho “thế thượng phong” của những chiếc áo chống nắng này.
Chuyện phụ nữ “điên lên vì làn da trắng” không phải cá biệt riêng Việt Nam mới có. Đơn giản nhất là nhìn từ Hollywood, nơi đa số các hình mẫu biểu tượng cái đẹp đều có làn da trắng. Walt Disney cũng vài lần đưa ra những người đẹp da màu như Hoa Mộc Lan và Công chúa Ếch, nhưng không áp đảo được số lượng các nàng công chúa da trắng xinh đẹp nổi tiếng của mình.

 

Những biểu tượng sắc đẹp da màu Beyonce, Jennifer Lopez, Queen Latifah, Rihanna, Jennifer Hudson, Halle Berry xuất hiện với diện mạo làn da ngày càng sáng hơn, tóc thẳng hơn (có thể lượn sóng), trang điểm sáng màu hơn, đeo contact lens màu sắc… Ngay cả nữ diễn viên được đề cử Oscar Gabourey Sidibe (trong phim “Precious”) khi lên bìa một tạp chí thời trang danh tiếng cũng đã được “tân trang” cho làn da sáng màu hơn nhiều lần.

Những công ty như L’Oreal và Clairol đã khôn khéo sử dụng các người mẫu da màu như Beyonce và Queen Latifah trong các quảng cáo cho làn da và mái tóc sáng. Dường như tiêu chuẩn của cái đẹp được mặc định là làn da sáng, tóc thẳng sáng màu, nếu bạn nghi ngờ, hãy nhìn những bức hình “before and after” của hàng chục tên tuổi người đẹp da màu nổi tiếng thế giới Tyra Banks, Rihanna, Gabrielle Union, Ciara, Zoe Saldana, Brandy, Janet Jackson, Alicia Keys…

Những triết lý về “trắng”

Người ta nghiên cứu thấy rằng đa số phụ nữ đều không hài lòng về bản thân mình: quá béo hay quá gầy, ngực quá to hoặc quá nhỏ, da quá trắng hay quá đen. Và bất cứ điều gì phụ nữ cần, họ sẽ được đáp ứng. Các nhãn hiệu mỹ phẩm đều coi dòng sản phẩm trắng da (cùng dòng lão hóa) là con bài chiến lược của mình. Trong cuộc chiến ấy, mỗi thương hiệu lại đưa ra một triết lý về màu trắng của riêng mình.

Nhãn hiệu Đức – Nivea (cái tên xuất phát từ một từ tiếng Latin “nivis” nghĩa là “tuyết”) đưa ra khái niệm “healthy white” (làn da trắng khỏe khoắn). Shiseido, thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đến từ Nhật Bản – nơi mà đa số dân cư chỉ thuộc một chủng tộc duy nhất có màu da trắng tự nhiên, đưa ra triết lý về “trắng sáng”. Với Shiseido, trắng không có nghĩa là làm cho màu da chuyển đổi, mà giúp làn da có màu sáng từ cả bên trong nhờ dưỡng chất lẫn bên ngoài nhờ các yếu tố thị giác. Đầu năm 2011, trong buổi gặp gỡ báo chí toàn khu vực châu Á tổ chức tại xứ tuyết Hokkaido với cái cớ rất đẹp – ngày tình nhân White Day truyền thống của Nhật Bản – Shiseido đã khiến người ta ngạc nhiên với dòng sản phẩm trang điểm trắng da có những hạt bắt sáng, và phấn nền 3 màu có khả năng kết hợp với màu sắc nguyên bản của làn da để tạo nên màu trắng hồng tiêu chuẩn.

 

Shiseido White Lucent

 

Pond’s đến từ Mỹ, đi theo triết lý “flawless white” (trắng hồng không tì vết). Cũng tới từ Mỹ, thương hiệu cao cấp Elizabeth Arden lại có một cái nhìn khá lạ về “màu trắng”. Năm 2007, Elizabeth Arden giới thiệu dòng sản phẩm trắng da “White Glove” (dòng sản phẩm này được cải tiến trong phiên bản White Glove Extreme ra mắt năm 2010). Giải thích cho cái tên “găng tay trắng” khá lạ này, ông Tony Vagas, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển tập đoàn Elizabeth Arden cho biết: “Găng tay trắng gợi nhớ hình ảnh những nhà nghiên cứu khoa học miệt mài trong các phòng nghiên cứu để tìm ra những chiết xuất mới lạ nhất (trong trường hợp cụ thể là phức hợp Emblica C từ cây lý gai Ấn Độ); găng tay trắng cũng được sử dụng như một biểu tượng về sự phục vụ tận tình với tiêu chuẩn 5 sao; Và tất nhiên, găng tay trắng còn là hình ảnh tiêu biểu cho những quý cô, quý bà thanh lịch, sang trọng, quyến rũ… Đó chính là thông điệp mà Elizabeth Arden gửi gắm trong dòng sản phẩm mới này.”

 

Elizabeth Arden White Glove 

 

Elizabeth Arden White Glove Extreme 

Có thể kể ra đây không hết những thương hiệu đình đám với các dòng sản phẩm trắng da danh tiếng, đi theo các triết lý trắng da riêng biệt, với hàng trăm loại chiết xuất được tìm tòi nghiên cứu. Và dường như cuộc chạy đua này sẽ không bao giờ dừng lại. Âu hay Á, Mỹ hay Thái Bình Dương, ở bất cứ đâu phụ nữ đã/ đang/và sẽ luôn “điên lên” vì làn da trắng. Ít nhất là tới khi các nàng Lọ Lem hay người đẹp ngủ trong rừng được chuyển sang tạo hình với làn da bánh mật.

Bài: Minh Châu

Các bạn đón đọc Câu chuyện làm đẹp về chủ đề làn da trắng:

>> Tản mạn về trắng

>> Mùi của màu trắng 

Thực hiện: depweb

12/07/2012, 14:28