Cần quy định danh mục các mức trần các khoản được thu
Đó là nguyện vọng chung không chỉ của đông đảo phụ huynh học sinh mà còn của các trường trên địa bàn thành phố. Việc thống nhất các mức thu học phí trên toàn thành phố chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ trong “mớ bòng bong” loạn thu đầu năm học. Những khoản thu mà phụ huynh học sinh lo lắng nhất chính là các khoản thu được cho là “thỏa thuận” mà các trường bằng cách này hay cách khác đặt ra. Mức thu các khoản không có danh mục này mỗi trường lại có các mức khác nhau nên càng gây bức xúc rộng rãi. Chẳng hạn đầu năm nay, tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, phụ huynh đã phải đóng trên 3 triệu đồng/1 khoá học tiếng Anh trẻ em/học kì mà giáo viên là người nước ngoài, còn số học sinh khác không đủ tiền thì học một khoá khác chỉ có 70.000 đồng/tháng và được đóng sau. Đó là chưa kể tiền đồng phục và tiền sách giáo khoa, chỉ 2 khoản này đã gần 1 triệu. Vài năm trước, phong trào kêu gọi phụ huynh học sinh đầu tư kinh phí để mua sắm một số thiết bị đắt tiền như điều hòa, máy chiếu, máy vi tính, thiết bị nghe nhìn… để phục vụ học tập được nhiều trường áp dụng nhưng mỗi nơi một khác. Đầu năm nay, tại trường tiểu học HHT quận Ba Đình, phụ huynh học sinh lớp 1 phải đóng tiền điều hoà 990.000 đồng. Một trường tiểu học khác tại quận Cầu Giấy thu khoản này 1 triệu đồng… Tại nhiều trường, học sinh khi lên lớp chuyển phòng học học khác, việc xử lý thanh lý các thiết bị đã mua sắm cũng gây tranh cãi khiến nhiều người không hài lòng… Rồi việc các trường thu tiền điện quá cao để sử dụng điều hòa cũng gây bức xúc. Và không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện tài chính để đóng góp những khoản tiền lớn ngoài kế hoạch như vậy… Ngay việc quy định thu tiền nước uống của học sinh, có không ít ý kiến cho rằng khoản này không nên thu của phụ huynh mà trích từ ngân sách, bởi từ năm 2011, Hà Nội đã tăng định mức ngân sách chi trên đầu học sinh lên gấp đôi… Trước tình trạng này, nhiều trường cho rằng, bên cạnh việc áp dụng thống nhất mức học phí, cần quy định danh mục và mức trần cho các khoản thu khác trong nhà trường. Việc ban hành danh mục này không chỉ làm minh bạch các khoản thu, giảm đi tình trạng cố tình thu nhiều, thu sai ở một số nơi như đã từng xảy ra, mà còn giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của đông đảo phụ huynh học sinh và dư luận.
Con em vào năm học mới cũng là lúc phụ huynh phấp phỏng với các khoản tiền trường (ảnh minh họa)
Minh bạch hóa việc sử dụng các nguồn thu
Thực tế là năm nào Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đều có các văn bản quy định cụ thể và hướng dẫn về các khoản thu, song không phải phụ huynh nào cũng được tiếp xúc với các văn bản này. Một số trường không công khai danh mục các khoản thu khác ngoài học phí mà liệt kê nhập nhèm cả những khoản thu bắt buộc và tự nguyện cũng như thu hộ. Việc sử dụng các khoản thu cũng chưa được minh bạch, công khai mà chỉ được liệt kê chung chung. Phần lớn việc chi những khoản tiền này đều do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện và hầu hết những người này vẫn phụ thuộc vào nhà trường, không có chính kiến riêng, ít người đấu tranh vì quyền lợi của học sinh.
Bởi vậy, ngay từ đầu năm học, nhiều phụ huynh học sinh đã nêu ý kiến đề nghị Sở GD&ĐT cần quy định rõ các trường cần công khai mục đích sử dụng và giải trình cụ thể với các khoản thu đó. Đối với những công trình và khoản thu “xã hội hóa”, phụ huynh học sinh phải là những người giám sát độc lập, không phụ thuộc vào nhà trường… Ngoài ra, việc lấy ý kiến của phụ huynh về các khoản đóng góp tự nguyện nên tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín, tránh sự trù úm của giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh. Đặc biệt, tình trạng lạm thu năm nào cũng có không ít trường còn sai sót và vi phạm, nhưng hầu như không có cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm hay bị xử phạt về việc này.
Về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để xảy ra tình trạng lạm thu, trước tiên trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Bởi lẽ, đây là chuyện thi hành pháp luật chứ không phải chỉ là chuyện riêng của ngành giáo dục. Chính quyền cần yêu cầu ngành giáo dục địa phương giải thích tại sao lại có việc đó?
Kế tiếp là trách nhiệm trực tiếp của ngành giáo dục, từ trên xuống dưới. cơ quan quản lý các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục. Biện pháp hữu hiệu có thể thực hiện ngay là cần có hộp thư nghe phản ánh mà không cần phải nêu tên cụ thể để lấy ý kiến của các bậc cha mẹ phụ huynh về các khoản thu bất hợp lý, hình thức thu chưa ổn. Mặt khác, các đoàn thể cần phải vào cuộc tập hợp ý kiến để xử lý giám sát. Thông qua việc chất vấn các cấp để làm rõ những khoản thu đúng sai từ đó có các hình thức xử lý theo đúng quy định.