Hội độc thân thường than thở rằng tìm bạn đời thật khó. Số liệu khoa học cũng đã kiểm chứng khi có tới 75% người tham nghiên cứu của Pew Research Center có cùng một nỗi trăn trở với nhau. Tệ hơn, nếu không độc thân thì họ cũng hẹn hò sai người. Mà phần lớn lý do là vì “mẫu bạn trai lý tưởng thì không thu hút tôi, người tôi bị thu hút thì lại đầy báo động đỏ”.
The Atlantic giải thích hiện tượng Groundhog Day Syndrom trong hẹn hò: Yêu đương 10 người nhưng người nào cũng giống nhau. Một khuôn mẫu thất bại lặp lại nhiều lần. Một phát hiện bất ngờ do The Atlantic đưa ra: Phụ nữ có xu hướng thấy đàn ông đã kết hôn quyến rũ hơn. Đi sau đó là những người có tâm lý phức tạp, câu chuyện thơ ấu đầy trauma (sang chấn), gặp vấn đề trong việc trao-nhận tình yêu thương.
Rõ ràng bạn không nên hẹn hò với một người đã có gia đình hoặc một người chưa ổn định tâm lý. Nhưng lý trí ít khi nào thắng nổi con tim trong riêng khoản yêu đương. Đa số vẫn đâm đầu vào những hình mẫu sai lầm, thất bại đầu dẫn tới thất bại sau với cùng những lý do giống nhau.
Nếu bạn mơ hồ thấy hình mẫu mà mình đang theo đuổi không phù hợp, không phải là lựa chọn sáng suốt, hãy làm theo bốn chiến lược sau đây để ra quyết định dễ dàng hơn.
Hiếm ai nhận ra rằng họ chọn bạn đời phần lớn vì tiêu chuẩn xã hội. Cách họ đánh giá một người thường bị tác động bởi góc nhìn của người khác. Ví dụ: Bạn bè đăng story khoe ảnh người yêu chuyển tiền vào Valentine, bạn cảm thấy không hài lòng nếu bạn trai tương lai không làm tương tự thế. Luôn so sánh với người khác không phải là con đường dẫn tới hạnh phúc, càng không phải là một cách hay để tìm kiếm bạn đời. Hãy tự hỏi điều này: Bạn muốn xây dựng một tiêu chuẩn bạn trai chung chung hay thiết kế một hình mẫu thật sự phù hợp với chính bản thân mình? Bạn có thực sự thích người này không, hay bạn thích người này vì đám bạn gái cũng thấy thích?
Theo Science Direct, emophillia là hội chứng “sa vào lưới tình” quá nhanh và quá nguy hiểm. Hội chứng giải thích cho việc yêu đương không trọn vẹn, bắt đầu vội vã và kết thúc chóng vánh, hoặc các trường hợp kết hôn và ly hôn nhiều lần. Người mắc hội chứng emophillia có xu hướng yêu từ cái nhìn đầu tiên và bước vào mối quan hệ dựa trên tiếng sét ái tình đó. Kiểu tình yêu này đã được văn hóa đại chúng tung hô đủ nhiều, nhưng chúng dường như không mấy hiệu quả ở ngoài đời thực. Họ thường gán một số phẩm chất chủ quan lên đối phương và yêu cái hình mẫu lý tưởng đó thay vì yêu con người thực. Do vậy, đa số các cặp ban đầu si mê và nhiệt thành dần trở nên bất cần và vỡ mộng. Mặc dù nghe có vẻ phi lý, nhưng hãy chững lại trước khi rơi vào lướt tình. Quan sát và dành thời gian tìm hiểu lẫn nhau để có một bức chân dung khách quan hơn về đối phương. Lúc trái tim còn đặt ở trên đầu, tốt nhất không đưa ra quyết định gì quan trọng.
Không thể chối cãi ngoại hình và địa vị là những đặc điểm gây ấn tượng đầu tiên. Tuy nhiên, chức năng của nó chỉ nên dừng lại ở đó – thu hút sự chú ý trong giây đầu tiên, thay vì là yếu tố lớn chi phối hoàn toàn quyết định của bạn. Theo Proceedings of the National Academy of Sciences, việc chọn bạn đời dựa trên vẻ ngoài mà phớt lờ phẩm cách của họ sẽ rất sai lầm. Cách chọn này không mang lại một bạn đời phù hợp, đồng thời sẽ tăng tỉ lệ vướng vào một mối tình thao túng, bất mãn và độc hại. Nói tóm lại, một thân hình cao ráo và công việc được trả lương cao không dự đoán được lòng chung thủy và lòng tốt. Những phẩm chất này cần thời gian để tìm hiểu, vì vậy hãy trì hoãn quyết định tới khi bạn thực sự chắc chắn đối phương là người tử tế và phù hợp.
Chẳng có nghĩa gì chấm dứt qua lại với người yêu cũ độc hại, và lại hẹn hò với một bản sao của người yêu cũ cùng những tính xấu tương tự. Nó giống như bước ra bước vào hai cánh cửa khác nhau nhưng dẫn chung vào một phòng vậy.
Nếu bạn thấy mình mắc kẹt trong một kiểu hẹn hò có hại, hãy viết ra những vấn đề của người yêu cũ, sau đó mô tả ai đó có những đức tính ngược lại và nghĩ xem bạn có thể tìm thấy họ ở đâu. Ví dụ, nếu rượu là vấn đề lớn trong các mối quan hệ trước đây, bạn có thể quyết định ngừng tìm kiếm bạn tình ở những club, quán bar.
Điều cuối cùng và quan trọng nhất, ngừng lãng mạn hóa các kiểu tình yêu cam chịu. “Tôi rồi sẽ thay đổi được anh ấy/cô ấy”, “Tình yêu cần sự thỏa hiệp và hi sinh”. Qủa thật tình yêu cần sự thỏa hiệp giữa đôi bên, nhưng bạn chỉ thỏa hiệp khi cả hai có quan điểm bất đồng, bạn không thỏa hiệp với nát rượu, bạo lực tinh thần hay thể xác.