Làm sao với phí ATM thu trái phép?

Ở các nước tiên tiến, nhà chức trách xử lý không ít trường hợp nhà sản xuất, phân phối gây thiệt hại cho người tiêu dùng trên diện rộng và tổng thiệt hại thì lớn, nhưng thiệt hại mà từng người tiêu dùng gánh chịu lại không đáng kể. Nguyên tắc xử lý là một mặt người gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng với tổn thất mình gây ra, mặt khác người bị thiệt hại, chứ không phải ai khác, là người nhận sự bù đắp nếu không trực tiếp thì gián tiếp.

Một cách hợp lý là ngân hàng nào thu trái phép bao nhiêu sẽ phải giao trả lại bấy nhiêu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rất khó, thậm chí không thể hình dung khả năng hoàn trả số tiền lỡ thu của chủ thẻ ATM cho từng người. Muốn làm như thế, trước hết cần phải rà lại danh sách những chủ thẻ đã bị trừ tiền trong tài khoản và dựng lại toàn bộ các giao dịch có thu phí. Công việc này có thể đòi hỏi chi phí có khi còn lớn hơn số tiền cần hoàn trả.

Về lý thuyết, có thể yêu cầu ngân hàng vi phạm thực hiện việc tổ chức hoàn trả bằng chi phí của họ. Nhưng chẳng có gì bảo đảm họ sẽ làm việc đó một cách nghiêm túc: cần phải tổ chức kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ và chi phí phải bỏ ra cho công tác ấy có thể sẽ lên đến một con số rất lớn.

Nhưng cũng không thể tìm được lý do thuyết phục, cả theo luật và theo đạo lý, để sung công quỹ số tiền đó. Nếu Nhà nước thu nhận số tiền do các ngân hàng giao nộp, trong khi người có thẻ chịu mất một số tiền cũng bằng chừng đó, thì trong điều kiện giữa thiệt hại của chủ thẻ và mối lợi mà công quỹ thu được có mối liên hệ nhân quả rành rành, có thể nói vô hình trung Nhà nước đã thu phí trái luật thông qua vai trò của ngân hàng (!?).

 

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Nhà chức trách phải làm tất cả những gì có thể để cá thể hóa việc bồi thường, cho phép mỗi người bị thiệt hại trực tiếp nhận lại cho đủ những gì đã mất. Chỉ khi nào không thể tổ chức bồi thường cho từng người mới tiến hành bồi thường tập thể, bằng cách sung số tiền bồi thường vào một quỹ phục vụ lợi ích của cộng đồng người tiêu dùng.

Thông thường, quỹ này được đặt dưới sự quản trị của một hội bảo vệ người tiêu dùng. Nếu thiệt hại gây ra cho một giới tiêu dùng đối với một loại sản phẩm, dịch vụ nào đó thì tiền bồi thường thiệt hại được sung vào quỹ của hội bảo vệ người tiêu dùng chuyên biệt tương ứng. Chẳng hạn, thiệt hại gây ra cho các chủ thẻ ATM thì tiền bồi thường được giao cho hội những người sử dụng dịch vụ thẻ ATM.

Còn nếu thiệt hại gây ra cho nhiều người tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực, thì hoặc các hội có liên quan thỏa thuận về việc phân chia tiền bồi thường, hoặc toàn bộ số tiền được giao cho một quỹ đặt dưới sự quản lý của liên hiệp các hội bảo vệ người tiêu dùng.

Từ đó có thể thấy còn nhiều việc phải làm ở Việt Nam để việc xử lý các vi phạm của một số ngân hàng trong việc thu phí dịch vụ ATM được thực hiện một cách thỏa đáng và công bằng. Dẫu sao đã có một hội bảo vệ người tiêu dùng đang hoạt động, cần phát huy vai trò của hội này một cách hợp lý trong việc xử lý số tiền sẽ thu được, còn hơn quyết định sung công chung chung rồi sau đó chẳng biết tiền đi về đâu.

PGS.TS NGUIYỄN NGỌC ĐIỆN
Theo Tuổi trẻ

From the same category