Cuộc sống là một chuỗi các sự kiện, như giáo sư, nhà tâm lý học và tác giả Harriet Lerner từng nói. Trong những ngày này, tất cả chúng ta đang phải đối mặt với những chuỗi sự kiện khá u ám. Những tin xấu, con số thiệt hại về người và của trở thành cách bạn chào đón ngày mới, rất khó để duy trì trạng thái tĩnh tâm khi nguy hiểm từ dịch bệnh đã trở nên sát sườn. Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe cơ thể, giữ cho tâm lý không trở nên hoảng loạn cũng là việc nên làm.
Dưới đây là 8 cách giúp làm dịu cơn âu lo mùa dịch được giáo sư Lerner viết riêng cho tờ New York Times nhằm giúp bạn đối mặt với những nỗi sợ vô hình và chuẩn bị tinh thần cho những ngày sắp tới.
“Lời khuyên của tôi để đối phó với âu lo mà cuộc sống mang đến: tìm kiếm sự thật – thậm chí nếu đó có là những sự thật khó tiếp nhận – bởi cơn âu lo sẽ bị đẩy lên cao trào khi bạn không có thông tin chính xác”. Tuy nhiên, có quá nhiều thông tin lại tạo nên kiểu căng thẳng khác.
Vì vậy, để có được sự kiểm soát thông tin, hãy tránh những nguồn tin không chính thống hay không đáng tin cậy, chỉ tập trung vào một, hai nguồn đảm bảo có tính xác thực cao. “Khi gặp căng thẳng, mọi người thường khó có thể có bộ lọc thông tin chuẩn xác giúp họ tiếp cận thực tế, chú ý vào thông tin và nguồn tin chuẩn xác sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng bối rối“, giáo sư Lerner chia sẻ.
Đại dịch, hay bất kỳ khủng hoảng toàn cầu nào không chỉ là vấn đề duy nhất gây căng thẳng cho tất cả mọi người. Cuộc sống vẫn đang vận hành cùng với những rủi ro cá nhân, vì vậy đừng so sánh mất mát của bạn với người khác hay luôn cho rằng bản thân đang ở tình thế ngặt nghèo hơn.
Một yếu tố quan trọng không kém là cân bằng giữa việc bạn nên và không nên làm. Theo giáo sư Lerner, chúng ta nên cảnh giác thay vì phó mặc. Thái độ cảnh giác khiến bạn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng, điều này có thể tránh cho bạn bị sốc khi không thể lường trước những tin xấu, tuy nhiên, sự cảnh giác cân bằng nên đi kèm với việc làm theo hướng dẫn và tiếp tục cuộc sống thay vì chăm chăm lo nghĩ về cơn đại dịch 24/7.
Nếu bạn nhận biết được mình âu lo là do sợ bị bệnh, hay căng thẳng đến từ việc không thể giao tiếp xã hội, hay gánh nặng tài chính, hay lo sợ mất việc, hay nỗi cô đơn… chúng ta có thể tìm ra cách loại bỏ nó hoặc tìm hướng giải quyết cho hạng mục cụ thể đó.
Khi cảm giác âu lo liên quan đến tính mạng cũng như thực tế về việc có thể bạn không thể mua được món đồ mình cần ở siêu thị, rất dễ để ta đổ lỗi cho người khác, thậm chí bôi nhọ. Sự âu lo là tiền đề cho những hành động tiêu cực hướng đến đối tượng khác và khiến ta quên sự thật rằng chúng ta không quá khác biệt. Càng để cơn âu lo thúc đẩy bạn càng cư xử tiêu cực, tác động của nó sẽ chỉ dội ngược lại và khiến bạn càng âu lo hơn.
Âu lo ngược lại có thể trở nên hữu dụng nếu nó cho ta biết dấu hiệu về những vấn đề cần được giải quyết, việc của ta là tìm hướng giải quyết có hiệu quả nhất.
Dù là hỏi ý kiến về những thông tin bạn tiếp cận hay chỉ đơn giản tham khảo thông tin về lĩnh vực bạn quan tâm, việc tìm kiếm sự giúp đỡ không chỉ cho bạn nhiều lời khuyên mà còn mang đến cảm giác gắn bó và gần gũi với người khác, nhất là trong tình cảnh khi bạn phải cách ly với những người xung quanh.
Âu lo thường hoặc khiến ta phản ứng quá đà như thường xuyên rửa tay, hay ngược lại, hành động như thể vi khuẩn sẽ chẳng tìm đến bạn. Bạn sẽ không thể biết mình có thể ra đường mua thực phẩm được không hay bạn có tìm thấy món đồ mình cần không, nên hãy chủ động chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm và thực phẩm (chứ không phải tích trữ). Hãy tạo nên những thay đổi cần thiết trong thói quen hàng ngày với tâm thế chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Cách ly xã hội buộc ta dành phần lớn thời gian ở nhà, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ta cần phải tự cô lập bản thân. Điều quan trọng nhất là giữ liên lạc với gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp… hãy dùng bất cứ cách thức liên lạc nào có thể như điện thoại, tin nhắn, email, và kết nối với những người có xu hướng bình tĩnh hơn. Bạn sẽ tìm thấy nhiều sự an ủi hơn từ những người như vậy.
Chỉ bởi không ra ngoài không đồng nghĩa bạn chẳng cần bận tâm chế độ ăn, cân nặng, làn da, hay năng lượng cần thiết, bởi nếu không cảm thấy xinh đẹp, tự tin hay nhiều năng lượng, cảm giác chán nản khi ở nhà sẽ khiến bạn có những suy nghĩ tiêu cực hơn. Nhiều liệu pháp trị liệu tinh thần và thể chất bạn có thể áp dụng như trao đổi thông tin, yoga, thiền định, hay thậm chí sáng tạo nghệ thuật… Những hoạt động này không chỉ giúp bạn giải tỏa cảm xúc mà còn giúp bạn tận dụng thời gian hiệu quả và điều hướng sự âu lo của bạn sang những cảm xúc tích cực hơn.