Làm sao đừng già trước tuổi?

Tế bào tất nhiên không vô cớ bỗng xơ cứng làm chi rồi chết yểu! Chuyện gì cũng có lý do. Thiếu nội lực khó tránh sớm đo ván khi phải đỡ đòn liên tục. Trước móng vuốt của tập thể, chất oxy hóa tràn ngập trong môi trường ô nhiễm, trong rượu bia, thuốc lá, phế phẩm công nghiệp, hóa chất nông nghiệp, khói xăng dầu, hóa chất gia dụng… tế bào khó tránh không bị xơ hóa, thậm chí biến thể ác tính thành tế bào ung thư! Đã vậy, song song với tuổi đời, tế bào vừa mất nước vừa thiếu dưỡng chất cần thiết cho cấu trúc khỏe mạnh. Trong cảnh “trên đe dưới búa” như thế, tế bào nếu không lão hóa ngay khi gia chủ còn trẻ mới là chuyện lạ!

Nghịch lý hơn nữa là tế bào “suy dinh dưỡng” một cách oan uổng mặc dầu gia chủ đủ ăn đủ mặc! Lý do là vì tế bào muốn dung nạp dưỡng chất cần có sự hiện diện của tập thể hoạt chất có tên là MEN (enzymes). Tuy gọi là men nhưng các chất này không lên men gì hết. Nhiệm vụ trọng yếu của chúng xoay quanh chức năng xúc tác vô số phản ứng sinh hoạt và sinh vật lý trong cơ thể. Thiếu men thì cho dù có đủ dưỡng chất cũng gần bằng không, vì một lượng lớn các hoạt chất cần thiết cho tiến trình phục hồi của cơ thể hoặc không được triển khai tác dụng như mong muốn, hoặc tệ hơn nữa, trật đường biến dưỡng để rồi sản sinh phế phẩm bất lợi cho sức khỏe!

Ngược lại, nhờ có đủ men thuộc nhóm kháng oxy hóa mà:

– Thực bào và bạch cầu dễ phát hiện bệnh nguyên.

– Mạch máu giữ được tính đàn hồi nên vùng mô lân cận không thiếu dưỡng khí.

– Chất sinh ung thư bị biến thể trước khi kịp triển khai độc tính.

– Cấu trúc tế bào ổn định nên không biến thể thành tế bào ung thư.

– Tổn thương trong nhu mô của các cơ quan giải độc như gan, thận được phục hồi nhanh chóng.

Không lạ gì khi các men như bromelin trong trái thơm, papain trong đu đủ… đã từ nhiều thập niên là nhân tố quen thuộc trong phác đồ điều trị bệnh mãn tính, chấn thương thể thao, hậu ung thư… ở các quốc gia coi trọng quan điểm sinh học như Đức, Áo, Nhật…

Kẹt một nỗi là cơ thể bắt đầu thiếu men kháng oxy hóa từ tuổi 40 với tiến độ càng lúc càng nhanh, đến độ khi bước vào tuổi thất tuần chỉ còn không đến 10% nếu so với lúc còn xuân xanh. Chính vì thế mà tế bào có khuynh hướng nhanh chân lão hóa từ tuổi trung niên, nhất là khi độc chất như cholesterol, acid uric, creatinin, ure… đã tích lũy trước khi gia chủ chuẩn bị về hưu. Hàng trăm công trình nghiên cứu ở Đức, Áo, Anh… về bệnh Alzheimer trong lãnh vực lão khoa, về chấn thương phần mềm, về sức đề kháng trong bệnh tự miễn… cho thấy men sinh học là đáp án trong cuộc sống với bệnh thời đại chiếm thế thượng phong, vì nếp sinh hoạt của con người càng lúc càng đi ngược với quy luật của thiên nhiên.

Cung ứng cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất, tạo điều kiện cho cơ thể được giải độc định kỳ là đúng nhưng vẫn chưa đủ để bảo vệ tế bào. Tiếp tế men sinh học để tế bào đừng hụt hơi, vì tuy có ăn mà vẫn đói chính là một trong các nguyên tắc cơ bản để tuổi thọ của tế bào ung dung sánh vai với tuổi đời. Đó cũng là lý do tại sao chuyên gia ngành dinh dưỡng đồng thanh tán dương thói quen ngày 5 lần dùng rau quả tươi như biện pháp phòng bệnh. Đáng tiếc cho người chữa bệnh ở xứ mình khi rau quả tươi quanh năm không hề thiếu! Chút trái cây nhiều lần nhấm nháp trong ngày liệu có khó lắm không? Khó hơn nhiều là làm sao thuyết phục nông dân đừng bón cây theo kiểu “không độc không dùng”, làm sao cổ động người bán hàng đừng tham lợi đến độ đánh bóng rau trái bằng hóa chất!

Tương tự như trái ngon nhờ chín cây, nếu phải già cứ già nhưng già cho “đúng tuổi”. Mong ước này hoàn toàn khả thi nếu biết cách bảo vệ cấu trúc của tế bào, đơn vị của sự sống, ngay lúc còn trẻ, ngay lúc bề ngoài coi còn khỏe. Tuổi già nếu xồng xộc vào nhà chẳng qua vì gia chủ mở cửa đón khách ngay… kẻ trộm! Xưa nay mấy khi không lửa bỗng có khói?
Theo Cẩm nang mua sắm

From the same category