Làm sao để thoát khỏi sự đeo bám dai dẳng của người yêu cũ? - Tạp chí Đẹp

Làm sao để thoát khỏi sự đeo bám dai dẳng của người yêu cũ?

Sống

Sau khi một mối quan hệ kết thúc, may mắn thì đôi bên tôn trọng quyết định của đối phương và cho nhau lối đi riêng. Nhưng với vài trường hợp, người còn lại càng trở nên đeo bám quyết liệt hơn, dùng đủ mọi hình thức để tiếp cận bạn với mong muốn được tái hợp bất chấp lời chia tay nghiêm túc được đồng thuận trước đó. Tình trạng này nếu kéo dài trong một thời gian không chỉ khiến cuộc sống của bạn thêm mệt mỏi, mà còn có khả năng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hiên tại của bạn (nếu có).

Bạn sẽ rất dễ rơi vào cảm giác rằng: “Liệu đã đến mức phải hành động quá tuyệt tình đến thế chưa?”. Nhưng phải hiểu rằng, với một người không tôn trọng mong muốn của bạn và càng không màng đến việc nuôi dưỡng tình cảm bạn bè tốt đẹp sau chia tay, thì cũng chẳng có gì đáng phải đắn đo. Lòng thương người nên có nhưng phải đặt đúng chỗ nếu không sẽ đem đến những phiền hà không đáng có. Trong chuyện tình cảm, một khi đã đường ai nấy đi thì càng dứt khoát rõ ràng chừng nào càng tốt chừng đó, tránh tạo thêm ảo tưởng còn cơ hội quay lại.

Chiến lược để đối phó với người yêu cũ đeo bám dai dẳng sẽ thay đổi tùy theo đặc điểm của người đó. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung mà bạn có thể làm theo để khiến người kia hiểu, rằng bạn đã chia tay là một lần và mãi mãi, cũng như để bảo vệ bản thân nếu đối phương bắt đầu gây nguy hiểm thực sự.

Thận trọng trong việc giao tiếp

Tránh những câu như “Tôi cần tập trung vào bản thân ngay bây giờ” hoặc “Tôi không có thời gian cho một mối quan hệ ngay lúc này,” vì những câu này có thể gợi ý rằng mối quan hệ có thể bắt đầu lại trong tương lai. Điều quan trọng là tất cả các tín hiệu bạn đưa ra sau lời chia tay đều phải thống nhất có chung một thông điệp rằng “mối quan hệ này đã chấm dứt”. Bạn càng không cần mất thời gian giải đáp từng đòi hỏi hay thắc mắc của người kia, điều này chỉ khiến cuộc nói chuyện hậu chia tay vốn đã không cần thiết nay lại bất đắc dĩ kéo dài.

Nếu bạn muốn kết thúc một mối tình thì hãy cứ làm như vậy, đừng để cuộc chia tay mất quá nhiều thời gian. Nếu không, người yêu cũ có thể cho rằng mối quan hệ vẫn đang tiếp diễn hoặc có thể tưởng tượng rằng hai bạn sẽ quay lại với nhau vào một thời điểm nào đó.

Công khai về tình trạng mối quan hệ

Hãy nói với gia đình và bạn bè của bạn (đặc biệt là những người bạn chung của cả hai) rằng cả hai đã chia tay. Thông tin càng công khai thì thông tin đó càng “thật” với người yêu cũ của bạn. Nếu bạn chia tay trong lặng lẽ và không nói với người khác, người yêu cũ có thể hiểu đó là dấu hiệu cho thấy bạn vẫn còn quan tâm và trở nên ám ảnh về việc quay trở lại với bạn.

Cắt đứt mọi liên lạc với người yêu cũ

Người yêu cũ bị ám ảnh có thể cố gắng bắt đầu liên lạc cho bạn mỗi ngày, những tin nhắn và cuộc gọi đến liên tục đến mức khiến bạn phát điên. Nhưng nếu bạn hồi âm thì dù chỉ là một câu lạnh lùng: “Hãy để tôi yên” hay “Đừng phiền nữa”, người yêu cũ có thể giải thích đó là dấu hiệu cho thấy bạn vẫn quan tâm đến sự tồn tại và lời nói của họ.

Trong thời đại kỹ thuật số đang lên ngôi, để đối phó với một người yêu cũ bị ám ảnh tốt nhất là tránh mọi sự tiếp xúc, không trả lời các cuộc gọi, tin nhắn, email… Chỉ cần đơn giản là xóa chúng hoặc chặn hết tất cả phương thức liên hệ. Nếu người kia âm thầm gửi quà hoặc các vật phẩm khác như thư xin lỗi, cũng đừng phản hồi hay tương tác lại. Lúc này, sự im lặng và hành động quyết liệt đóng một vai trò rất lớn trong việc khẳng định thái độ “nửa bước cũng không thỏa hiệp” của bạn.

Tránh gặp mặt người cũ giai đoạn hậu chia tay

Tránh tiếp xúc là một cách hiệu quả để đối phó với một người yêu cũ bị ám ảnh. Nếu đối phương không có cơ hội gặp bạn, nỗi ám ảnh theo thời gian sẽ tự kết thúc. Điều này có nghĩa là bạn phải thay đổi một số thói quen của mình, ít nhất là về những nơi hay lui tới. Nếu bạn nghĩ rằng sẽ gặp người yêu cũ tại một quán cà phê cụ thể mà bạn thường xuyên đến, tốt nhất là tìm một quán khác. Điều này có thể khiến bạn khá khó chịu, nhưng về mặt tích cực, bạn có thể khám phá một số địa điểm mới. Không gặp sẽ không thổi bùng thêm sự ám ảnh, vậy nên với bất kỳ yêu cầu nào cho lần gặp cuối, điều duy nhất bạn nên làm là cự tuyệt.

Những dấu hiệu nhận biết tình hình đeo bám đang leo thang

Đôi khi người cũ dừng lại việc làm phiền và sẽ bắt đầu lại. Họ có thể bóp méo sự thật và cảm thấy bản thân không làm gì sai và quyết định liên hệ lại với bạn. Có không thiếu những người thực hiện chu kỳ rình rập theo dõi này hàng tuần, hàng tháng và không may là đôi khi hàng năm.

Nếu bạn cảm thấy như thể người yêu cũ đã đi xa đến mức trở thành kẻ theo dõi, tình hình có thể rất nguy hiểm. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người thân/bạn bè cũng như sự can thiệp của luật pháp. Theo dõi tức là đã liên quan đến quấy rối hoặc lạm dụng lâu dài. Rình rập xảy ra khi ai đó liên tục (2 lần trở lên) đến gần bạn hoặc liên lạc với bạn dù bạn đã yêu cầu họ không được phép làm thế. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: theo dõi; liên hệ với bạn thông qua các phương tiện không phù hợp, chẳng hạn như gọi điện cho sếp/người thân để thảo luận về mối quan hệ của bạn; quấy rối hoặc lạm dụng bạn bằng lời nói bằng các tin nhắn tục tĩu, đe dọa; quấy rối bạn hoặc những người thân cận của bạn trực tuyến…

Thực hiện: Huyền My Trương

18/10/2020, 17:30