Làm sao để hành xử thật "slay" với lời phê bình nơi công sở? - Tạp chí Đẹp

Làm sao để hành xử thật “slay” với lời phê bình nơi công sở?

Sống

Ở nơi làm việc, “feedback” (tạm dịch: phản hồi) từ sếp và đồng nghiệp là chìa khóa thúc đẩy hiệu suất làm việc và cho bạn thấy mình cần thay đổi điều gì. Nhưng trên thực tế, các nhận xét tiêu cực có thể “khó nuốt”, khiến chúng ta cảm thấy ấm ức và suy nghĩ cả ngày dài. Vậy bạn cần làm gì để nhận góp ý với tinh thần cầu thị hơn?

Lắng nghe và nhận lỗi

Điều đầu tiên bạn cần làm là hãy lắng nghe thật kỹ những gì cấp trên hoặc đồng nghiệp góp ý. Bạn hãy ghi chép cẩn thận lại nhận xét đó, mạnh dạn đặt câu hỏi ngay nếu có gì lấn cấn, nhận lỗi về mình nếu những lời phê bình đó xác đáng… tất cả điều này nhằm thể hiện thái độ cầu thị và tránh những rắc rối không đáng có về sau. Đặc biệt, đừng quên cảm ơn người đã dành thời gian làm việc để feedback cho bạn. Những hành động này tuy nhỏ nhưng không chỉ giúp tạo dựng bầu không khí cởi mở hơn mà còn khiến người đối diện cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe. 

Khi nhận góp ý, hãy bỏ cái tôi sang một bên và xin lỗi nếu phạm sai lầm
Kiểm soát cảm xúc và tránh phản ứng luôn
Hãy dành thời gian bình tâm lại trước khi phản ứng luôn với góp ý tiêu cực

Những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, buồn bã, bực bội hay thậm chí tổn thương là không thể tránh khỏi khi bạn nhận được lời phê bình. Tuy nhiên, hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc của chính mình và giữ thái độ bình tĩnh. “Ngắt lời”, “chống chế” hay “bơ đẹp” feedback hoàn toàn không phải là cách giải quyết hay trong trường hợp này. Bạn hãy để cảm xúc của mình lắng xuống, sau đó cân nhắc góp ý nhận được, rồi sửa chữa để không phạm phải sai lầm tương tự trong tương lai.

Hiểu rằng góp ý không phải là công kích cá nhân

Nhiều người thường có xu hướng “đánh đồng” feedback tiêu cực với công kích cá nhân. Họ cho rằng khi cấp trên góp ý về “đứa con tinh thần” của mình tức là có hiềm khích cá nhân. Tuy nhiên suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm vì những lời đánh giá hay nhận xét thường tập trung vào quá trình và hiệu quả công việc chứ không đánh giá con người bạn. Đồng nghiệp chỉ đơn giản là nhận ra những điểm yếu của bạn, mong muốn bạn khắc phục để phát triển và đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc. Lời khuyên cho bạn là hãy tách bạch cảm xúc cá nhân và tiếp thu feedback một cách khách quan để có thể nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng hơn.

Hiểu rằng cấp trên và đồng nghiệp đang đánh giá công việc của bạn, chứ không phải con người bạn
Tìm kiếm hỗ trợ tinh thần từ gia đình và bạn bè

Nếu bạn cảm thấy buồn bã, thất vọng hay thậm chí tức giận trong quá trình xử lý feedback tiêu cực, hãy đi xả stress cùng gia đình và bạn bè. Chia sẻ một cách cởi mở với những người thân yêu có thể giúp bạn giải tỏa cảm xúc, nhận được sự đồng cảm và khích lệ. Họ có thể không phải là những “chuyên gia” trong lĩnh vực công việc của bạn nhưng hoàn toàn đủ khả năng để giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác, cho bạn lời khuyên hữu ích dựa trên quan điểm và kinh nghiệm của họ. Đôi khi, việc được nói ra “tiếng lòng” của mình và được người khác lắng nghe đã là một liều thuốc hữu hiệu, giúp bạn lấy lại tinh thần và động lực để đối mặt với giai đoạn khó khăn này. 

Khi quá mệt mỏi, tại sao bạn không “xả stress” cùng gia đình và người thân?
Chủ động hỏi xin góp ý

Thay vì bị động trong công việc và chờ đợi sự phản hồi của người khác, bạn nên chủ động tìm kiếm nhận xét từ đồng nghiệp, cấp trên hoặc người hướng dẫn. Việc thường xuyên tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ giúp bạn nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu và chủ động cải thiện bản thân một cách hiệu quả hơn. Sự chủ động trong công việc còn là một điểm cộng trong môi trường công sở, giúp bạn xây dựng hình ảnh tích cực và được cấp trên tin tưởng hơn.

Thay vì thụ động chờ feedback, bạn luôn có thể hỏi cấp trên và đồng nghiệp đánh giá gì về mình
Học hỏi từ khiếm khuyết

Sai lầm và thất bại là những điều không thể thiếu, nếu không muốn nói là cực kỳ quan trọng trong quá trình học tập và phát triển bản thân. Thay vì né tránh hay cảm thấy chán nản, hãy xem đây là cơ hội để bạn học hỏi và phát triển bản thân trong khía cạnh công việc. Khi phạm sai lầm, bạn sẽ nhận ra những điểm yếu, những thiếu sót, từ đó, điều chỉnh phương hướng, trau dồi kiến thức và kỹ năng để hoàn thiện bản thân hơn. Hãy biến những thử thách thành động lực để đạt được những thành công lớn hơn trong tương lai. 

Nhận góp ý không phải chỉ để đó rồi thôi, mà quan trọng bạn biết học hỏi và sửa chữa từ lỗi lầm
Đặt ra mục tiêu cụ thể

Sau khi đã tiếp thu góp ý, hãy dành thời gian phân tích và đặt ra những mục tiêu cụ thể và xây dựng kế hoạch hành động để cải thiện bản thân. Nếu làm việc không có mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng mất định hướng và chán nản trong công việc vì không thấy sự tiến bộ của bản thân qua từng ngày. Với những mục tiêu cụ thể, bạn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ công việc và đánh giá hiệu quả của bản thân, từ đó đưa ra những thay đổi kịp thời để nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. 

Trong công việc, điều quan trọng là đặt ra mục tiêu cụ thể để thấy sự tiến bộ qua từng ngày

Hãy nhớ rằng, ai cũng từng mắc sai lầm và có những thất bại trong cuộc sống cũng như công việc. Nhưng những lời phê bình không có nghĩa là bạn là một người kém cỏi và không có năng lực. Điều quan trọng là hãy biến những sai lầm ấy thành bàn đạp để bạn không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân và chinh phục thành công. 

Tác giả: Vân Anh

05/08/2024, 10:51