Làm sao để dòng chảy sáng tạo không đứt đoạn khi phải hạn chế di chuyển? - Tạp chí Đẹp

Làm sao để dòng chảy sáng tạo không đứt đoạn khi phải hạn chế di chuyển?

Sống

“Tôi là kiểu người tìm nguồn cảm hứng bên ngoài cánh cửa. Ý tưởng sẽ đến khi tôi đang xem triển lãm tranh, đi dạo dọc con phố với cốc cà phê trên tay, hay đơn giản là ngắm nhìn mọi người qua lại”. Đây là lời của Caroline Topperman, một cây viết khi chia sẻ về cách tìm kiếm cảm hứng viết lách.

Dịch bệnh khiến Tooperman phải hạn chế di chuyển. Đây là cơn ác mộng không chỉ với Topperman mà còn với hàng ngàn người làm công việc sáng tạo. Nếu bạn cũng đang rơi vào hoàn cảnh này, 4 lời khuyên dưới đây hẳn sẽ giúp ích cho bạn phần nào.

Duy trì thói quen ghi chép lại

Tư duy sáng tạo là thứ bạn có thể mài giũa, không phải thứ để lập trình. Ý tưởng có thể đến bất kì lúc nào và từ bất kì đâu. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn hãy luôn sẵn sàng để ghi chép lại chúng. Một số cho rằng chỉ cần ghi nhớ lại trong đầu là được. Nhưng trong khay lưu trữ ngắn hạn, mỗi thông tin chỉ được bộ não ghi nhớ trong vòng 72 tiếng. Vì thế nếu không ghi chép lại, ý tưởng ấy sẽ trôi vào lãng quên.

Giữ một cuốn sổ tay, bút viết hoặc thiết bị ghi âm ở cạnh giường ngủ, trong nhà bếp, hoặc tiện nhất là trên bàn làm việc… Dù là ở nền tảng nào, hãy giữ chúng trong tầm mắt, tiện lợi để sử dụng ngay lập tức. Việc chép lại đã là một phần của quá trình ghi nhớ, giúp đưa những thông tin ấy vào trí nhớ dài hạn của bộ não. Và sau khi việc ghi chép ý tưởng đã trở thành một thói quen, bạn sẽ bất ngờ khi biết mức độ sáng tạo của mình có thể mới mẻ đến thế nào.

Đọc, đọc, đọc nhiều hơn nữa

Nếu bạn quan tâm đến một vấn đề nào đó, hãy chọn ra ba cuốn sách xoay quanh chủ đề này. Sau khi hoàn thành cả ba, bạn có thể hiểu ra kha khá thứ về đề tài đó. Hoặc nếu một cuốn sách là quá dài với bạn, hãy chọn một tờ báo/tạp chí chất lượng để đọc hằng ngày. Ở đấy, bạn có nhiều lựa chọn về đề tài trong cùng một tờ báo với dung lượng mỗi bài luôn ở mức độ vừa phải.

Miễn là bạn xây dựng và duy trì thói quen đọc, học một cái gì mới mỗi ngày. Khi cần suy nghĩ đến, bạn sẽ tự thấy ý tưởng nảy ra trong đầu mình dù là ở bên ngoài hay bên trong cánh cửa.

Dùng lăng kính kỹ thuật số

Nếu không thể ra ngoài, bạn vẫn có thể nhìn ngắm, tham gia mọi thứ trên nền tảng kĩ thuật số. Tự trải nghiệm thực vẫn là tuyệt nhất, tuy nhiên vì an toàn của bạn và người thân thì đây là biện pháp tạm thời nhưng hữu hiệu trong thời điểm này. Điều quan trọng là bạn có thái độ cởi mở với những trải nghiệm mới. Có lẽ chúng ta không mắc kẹt trong phạm vi địa lý mà đang mắc kẹt khi cứ mãi loanh quanh trong những phương pháp sáng tạo truyền thống.

Cứ… chán thôi!

Nhà vật lý học Archimedes đã tìm ra cách đo khối lượng chiếc vương miện vàng mà không phải nung chảy nó ra. Khoảnh khắc “Eureka” ấy xảy ra lúc Archimedes đang nằm trong bồn tắm. Cuối cùng, theo giai thoại, ông cứ thế trần truồng chạy ra ngoài, hò reo trong sung sướng.

Câu chuyện dạy ta biết tầm quan trọng của sự chán chường. Cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề chính là bước ra sau một bước để có thể xem xét nó dưới góc độ là người đứng ngoài và nhìn thấy một bức tranh tổng thể. Việc để đầu óc lang thang, không quá gánh nặng về chuyện sáng tạo hay không sáng tạo lại giúp bạn sáng tạo đến không ngờ.

Vì vậy, nếu cứ vặt đầu óc mãi mà vẫn không nghĩ ra ý tưởng hay ho nào, bạn cứ cho phép mình được làm những chuyện vặt vãnh. Như đã nói, ý tưởng có thể đến từ bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu. Rồi bạn sẽ tìm thấy khoảnh khắc “Eureka” cho mình. Nhưng xin lưu ý rằng dù có vui sướng thế nào thì bạn mặc đồ vẫn hay hơn.

Tác giả: Hằng Trần

25/05/2021, 07:00