Làm sao để ăn nhiều nhưng vẫn tiêu hoá tốt ngày Tết?

Tết là dịp mọi người thường dung nạp vào cơ thể nhiều món ăn hấp dẫn và bắt mắt, tuy nhiên, để duy trì một kỳ nghỉ Tết vui khỏe và lành mạnh, chúng ta cần cảnh giác với một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy bụng, viêm dạ dày, ngộ độc thực phẩm.

Thái độ vô tư trong ăn uống vào dịp Tết đôi khi có thể gây ra nhiều tác hại khó lường cho cơ thể, ở cấp độ nhẹ, chúng ta có thể mắc các chứng đầy hơi, khó tiêu, nặng hơn sẽ là viên dạ dày cấp hoặc là ngộ độc thực phẩm, kèm theo đó là nhiều biến chứng có thể xuất hiện, gây suy yếu hệ tiêu hóa của cơ thể về sau.

Đầy bụng: Triệu chứng chướng bụng, đầy hơi thường gặp nhất trong các ngày Tết bởi ăn uống thất thường, ăn quá nhiều chất đạm, lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích dẫn đến tiêu hoá không tốt, thức ăn ứ đọng ở dạ dày. Nếu gặp trường hợp này, chúng ta có thể xử trí bằng cách dùng gừng giã nhỏ, vắt lấy nước rồi hoà với nước ấm rồi uống hoặc chườm lên vùng bụng. Nếu không thuyên giảm thì có thể đến các phòng khám để được tư vấn kỹ hơn.
Viêm dạ dày cấp: Tết là thời điểm nhiều người dễ bị viêm dạ dày cấp do uống rượu, bia quá độ, sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt … Biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào, nóng rát vùng thượng vị kèm theo ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Trường hợp nặng, có thể xuất huyết tiêu hoá là nôn ra máu và đại tiện phân đen, người bệnh nên gặp bác sĩ để được điều trị hợp lý.
Ngộ độc thực phẩm: Việc dự trữ quá nhiều thực phẩm sẽ gây bất cập trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh cho thực phẩm. Ngoài ra, các thực phẩm, rượu bia khi mua sắm nếu không có nguồn gốc uy tín thì nguy cơ thực phẩm và rượu bia bị nhiễm hóa chất, nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… sẽ rất cao, có thể gây ngộ độc cho cơ thể trước mắt và nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sau này.
Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Khi có các triệu chứng nhẹ như buồn nôn, khó chịu ở bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy, chúng ta cần uống đủ nước cháo muối, bột gạo rang, dùng thêm gói chống mất nước điện giải là Orezol (ORS). Pha khoảng hai gói với một lít nước, uống liên tục trước khi chuyển tới bệnh viện. Hoặc nếu toàn thân sốt, nhức đầu, chóng mặt, thậm chí tụt huyết áp, hôn mê … là đã chuyển sang triệu chứng nặng thì cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm.

Để tránh ngộ độc thức ăn, cần lưu ý:

Lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, tốt nhất là có kiểm định. Với những thức ăn chế biến sẵn, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh, còn hạn sử dụng. Cảnh giác với các loại thực phẩm có nguy cơ cao: Cá ngừ; Măng tươi; Nấm; Các thức ăn chế biến sẵn không rõ nguồn gốc.

Các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 – 3 lần trước khi ăn. Bảo quản thực phẩm hợp lý vì các loại vi khuẩn tiềm ẩn sẽ phát triển rất nhanh nếu không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì bảo quản trong tủ lạnh và hâm lại trước khi ăn.

Các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá. Loại bỏ các thức ăn dư thừa, thức ăn được hâm đi hâm lại nhiều lần bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thực phẩm. Rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Ngoài ra, để đảm bảo sức khoẻ cho hệ tiêu hoá trong các ngày Tết, chúng ta cần ăn đầy đủ rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm dạng hạt, đặc biệt nên bổ sung một số thực phẩm có tác dụng chống đầy hơi như tỏi, nấm hương, mộc nhĩ … Nên uống nhiều nước và có một chế độ nghỉ hợp lý, nhằm đảm bảo cơ thể luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh để khởi đầu một năm mới đầy niềm vui.


From the same category