Làm sao chữa hôi miệng?

Trả lời:

Chào bạn,

Chứng hôi miệng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người và khiến họ tự ti trong khi giao tiếp. Với một số trường hợp, bạn có thể giảm chứng này bằng cách giữ gìn vệ sinh răng miệng cẩn thận, đúng cách, nhưng nếu đã vệ sinh răng miệng tốt mà không đỡ, thì rất có khả năng bạn đang gặp bệnh lý.

Trước tiên, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới chứng hôi miệng.

– Có thể bạn hôi miệng do thức ăn. Do sự phân hủy của thức ăn quanh răng gây mùi hôi hoặc các loại thức ăn có chất tinh dầu như hảnh tỏi cũng gây hôi.

– Do vấn đề răng miệng: Chăm sóc răng miệng không đúng cách hoặc bị bệnh về răng miệng cũng là nguyên nhân gây hôi miệng. Chẳng hạn việc không đánh răng, súc miệng thường xuyên gây sâu răng, viêm lợi tạo mùi hôi. Một nguyên nhân nữa là có thể miệng bạn bị khô làm một số tế bào chết tích tụ ở răng, lợi, lưỡi. Chúng bị phân hủy và tạo mùi. Khô miệng có thể do bạn ngủ hở miệng, hút thuốc hay sử dụng một số loại thuốc.

– Bệnh: Nhiễm trùng phổi mạn tính hay bệnh abcès phổi có thể làm hôi miệng nặng. Suy thận gây ra mùi nước tiểu, còn suy gan gây mùi như cá tanh. Bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát cũng có mùi trái cây. Hôi miệng còn gặp ở những người bị viêm xoang, viêm họng, viêm amygdale, trào ngược acid.

Theo đó, bạn cần chăm sóc vệ sinh răng miệng cẩn thận như:

– Đánh răng sau khi ăn. Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn dính ở răng.

– Cạo lưỡi để lấy đi các tế bào chết và thức ăn bám ở đó.

– Uống nhiều nước để không bị khô miệng.

– Đổi bàn chải định kỳ 2-3 tháng/lần

– Thường xuyên khám nha khoa, lấy cao răng…

– Súc miệng bằng nước muối hoặc nước bình thường cũng được.

Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu có nghi ngờ hôi miệng do bệnh lý.

Chúc bạn sớm chữa được chứng hôi miệng khó chịu này.

Thân mến!

Bạn đang có điều gì băn khoăn và cần tư vấn? Hãy gửi những câu hỏi về Đẹp Online qua email: giadinh@dep.com.vn để cùng gỡ rối nhé!

From the same category