Lạm phát giờ trưa: Khi dân công sở đau đầu vì bữa cơm giữa ngày - Tạp chí Đẹp

Lạm phát giờ trưa: Khi dân công sở đau đầu vì bữa cơm giữa ngày

Sống

Nguy cơ lạm phát đã được cảnh báo từ đầu năm nay, do những yếu tố như giá cả dầu mỏ thế giới và ảnh hưởng toàn cục của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Kể cả khi không biết đến lý thuyết kinh tế vĩ mô, nhân sự giới văn phòng cũng đang cảm nhận những ảnh hưởng của lạm phát lên đời sống, đến độ họ đặt cho nó cả một cái tên: Lạm phát giờ trưa.

Lạm phát giờ trưa là gì?

“Lạm phát giờ trưa” mô tả tình trạng tăng giá cho bữa ăn giữa ngày của nhân viên công sở. Lạm phát xảy ra là vì hàng loạt các sự kiện như chiến tranh Nga – Ukraine, Trung Quốc đóng cửa khẩu, thế giới chưa thực sự ổn định sau đại dịch. Ngoài ra, các đợt hạn hán nghiêm trọng ở các nước xuất khẩu lương thực lớn như Brazil và Argentina cũng góp một phần lí do khiến giá lương thực và năng lượng đồng loạt leo thang. Trong khi các nhà kinh tế lo sợ chuỗi cung ứng đứt gãy. Các nhà lãnh đạo hàng đầu quốc gia sợ đợt suy thoái theo sau lạm phát. Còn dân văn phòng sợ một điều rõ rệt, thiết yếu, và căn bản hơn rất nhiều: Giá bữa ăn giữa ngày.

85% dân công sở tại Australia tin rằng lạm phát bữa trưa là mối bận tâm khi họ trở lại văn phòng từ tháng 4, Businesswire đưa tin. Tại Việt Nam, giá lương thực và thực phẩm cũng tăng vùn vụt ở các khu đô thị – nơi tập trung nhiều lực lượng lao động nhất. Ở nhiều quận của TP.HCM, giá một đĩa cơm trưa trước đây chỉ 30.000 đồng thì nay hầu hết đã tăng thêm 5.000 – 10.000 đồng. Các hãng đồ uống như Highlands cũng thông báo tăng giá 60-80% do “biến động thị trường”. 

Nguyên nhân khiến một bữa trưa trở nên đắt đỏ là vì giá các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì gói, sữa… đều tăng mạnh. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển, xăng xe cũng đồng loạt nhảy dựng 15-20%. Thế nhưng, vấn đề ở đây là, trong khi tất thảy các loại hàng hóa đều đồng loạt leo thang giá cả, nhưng tiền lương nhân sự vẫn rất kiên trì… dậm chân tại chỗ . Giải pháp nào cho giới văn phòng để sống sót qua thời kì lạm phát giờ trưa?

Nấu ăn tại nhà

Sự thật là dù bạn nấu ăn tại nhà hay ăn ngoài thì giá thực phẩm vẫn không hạ giá. Tuy nhiên, nấu ăn tại nhà giúp dân công sở tiết kiệm được phí vận chuyển, phí năng lượng hay thậm chí là phí mặt bằng tại các hàng quán. Chưa kể, với tiền một bữa ăn ngoài, bạn có thể  mua đủ nguyên liệu để nấu ăn cho cả ba bữa. Ngoài mục tiêu tiết kiệm, đây cũng là cơ hội để bạn quay lại căn bếp, nấu những món thân thiện với cơ thể và kết nối gia đình lại với nhau. 

Lên kế hoạch chi tiêu

Không có gì rủi ro hơn việc tiêu xài quá tay vào thời điểm này. Bạn cần lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng trong từng tháng. Nếu giá các bữa ăn trong ngày tăng cao, vậy bạn phải lược bỏ bớt chi phí nào để bù vào khoản đó? Có thể là tiền hò hẹn ở ngoài, tiền lang thang chọn đồ trên các sàn thương mại điện tử, tiền bữa trà chiều với các đồng nghiệp chẳng hạn. Sau khi chi trả cho các khoản thiết yếu, hãy cân nhắc giữ một khoản cho việc chăm sóc bản thân và một khoản dành cho tiết kiệm. 

Tìm kiếm hỗ trợ

Trong thời đại lạm phát, mọi nhân sự đều chịu những ảnh hưởng như nhau. Túi tiền của họ cũng đang đầy “biến động”, vậy thì tại sao bạn không cùng họ thử tìm kiếm hỗ trợ từ chỗ làm. Một đề nghị hỗ trợ chi phí ăn trưa/xăng xe, nghe có vẻ  không tưởng nhưng biết đâu lại có thể được lãnh đạo duyệt qua vì tính cấp bách của nó? Hoặc chí ít, bạn có thể tìm đến những người có hoàn cảnh tương tự để tìm hiểu cách họ trụ vững trong lạm phát. 

Tạo thêm nguồn thu

Trong một hoàn cảnh không ổn định, bạn nên gia cố ví tiền của mình bằng cách tạo thêm nguồn thu nhập. Ngày nay, có rất nhiều cách để đa dạng nguồn thu miễn là bạn có thể phân bổ thời gian hợp lý. Sau 8 tiếng làm việc trên văn phòng, bạn có thể đảm nhiệm thêm công việc freelance, viết lách part-time, làm việc thêm tại cửa hàng, bán hàng online hay trở thành TikToker/Youtuber trái tay với thu nhập khủng lồ. 

Tác giả: Hằng Trần

27/07/2022, 07:00