Làm miến ở Cự Đà

Một mẻ miến từ khi còn là bột dong riềng đến lúc đóng gói thành thành phẩm chuyển đi các tỉnh thường mất từ 2-4 ngày. Nghề làm miến phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sợi miến phải phơi qua hai nắng mới đạt độ giòn dai, nên nếu trời mưa, cả làng cùng nghỉ. Đôi khi lò đã nhóm lên rồi, thấy trời xâm xẩm hơi mưa cũng phải dừng.

3 giờ sáng một ngày đầu tháng Chạp, tiếng người đã rục rịch, máy móc đã vào guồng. Không khí này sẽ thưa thớt hơn ở những mùa còn lại trong năm. Những lúc đó, dân làng tản đi mỗi người một nghề một việc, vài ba tháng họ mới sản xuất một tấn miến. Còn dịp này, tất cả đều quây quần bên những phên miến từ sáng đến tối để kịp phục vụ nhu cầu ăn Tết của đồng bào cả nước. Mỗi hộ gia đình thường thu về một tấn miến mỗi ngày.

Đó cũng là lúc ta thấy rõ nhất nét đẹp truyền thống của làng nghề nằm khép mình bên sông Nhuệ, một ngôi làng cổ kính mang mô hình vừa nông nghiệp, lại vừa giao thương.  

Bột dong riềng được nhập từ làng So ngay sát Cự Đà. Trước khi đem nấu chín, bột được phơi khô dưới nắng, đó là một trong những bí quyết giúp miến Cự Đà luôn mềm mà vẫn đủ độ giòn dai hơn miến những nơi khác.

Sau khi phơi khô, bột được đem quấy với nước ấm, tráng thành tấm bánh mỏng như bánh đa, hấp chín rồi phơi nắng.

Việc cắt bánh trông đơn giản nhưng thật ra lại rất khó. Anh Đạt, chủ cơ sở miến Phát Đạt, không yên tâm để Thanh làm công việc này, vì chỉ một sơ suất nhỏ do không quen tay, cả phên miến sẽ phải bỏ đi.

Trên đồng dưới bãi, ngoài ngõ trong nhà, bất cứ khoảng không nào cũng được tận dụng để phơi miến.

Sau khi phơi qua một nắng, bánh miến được cắt thành từng tấm dài 3-4 mét, rộng 15cm, nhúng qua nước cho mềm rồi đưa vào máy cán thành sợi nhỏ. Từng vắt miến sau đó cần được vò nhuyễn bằng tay. “Vò miến phải có lực, không mạnh không nhẹ. Vò mạnh thì nát, vò nhẹ thì miến khó dai”, Thanh nói.

Miến này tiếp tục được mang ra đồng phơi thêm một lần nắng để đạt độ giòn, dai tiêu chuẩn. Những người dân nơi đây “chăm” miến rất kỹ. Khi phơi, họ vuốt miến thật thẳng, không để sợi nào bị rối.

“Một nắm miến không nhiều không ít, túm hai đầu không ngắn cũng không dài” là kinh nghiệm Thanh rút ra sau khi tham gia vào công đoạn đóng gói ở xưởng miến Cự Nhân.

 

Trương Thanh Thanh
25 tuổi, Nghiên cứu sinh thạc sỹ ngành chính trị quốc tế

“Một ngày ở làng nghề, thực sự lăn lộn từ sáng sớm đến tối mịt để làm ra sợi miến mộc, tôi không chỉ thấy nghề này vất vả, mà còn khâm phục và kính trọng hơn nữa những người lao động, người nghệ sĩ, người giữ lửa và truyền lửa của làng, của dân tộc. Dù chỉ có một ngày ngắn ngủi, tôi đã hiểu được đôi phần những giọt mồ hôi sau mỗi sợi ‘tơ của đất’, để biết quý trọng hơn những sợi mỏng manh ấy từ đây về sau. Cầu cho hồn nghề được xã hội và chính quyền quan tâm nhiều hơn, để những giá trị kinh tế thị trường không làm lu mờ đi những giá trị văn hóa ngàn đời đáng quý.”

  

Thực hiện: Hương Thủy
Ảnh: Tuấn Đào

logo 


From the same category