Làm lành với hôn nhân - Tạp chí Đẹp

Làm lành với hôn nhân

Sống
Một đứa trẻ, khi ăn phải miếng bánh mì có kẹp ớt, nó sẽ thóc thét lên, lè ra, và đồng nhất bánh mì = cay. từ đấy, cứ
nhìn thấy bánh mì là cảm giác bỏng rát trỗi dậy, nó sợ. mất vài năm để nó nhận
thức được rằng: chỉ cần bỏ ớt ra là xong! nỗi sợ hôn nhân cũng vậy. Chúng ta
chối từ cả miếng bánh mì ngon lành chỉ vì miếng ớt trong đó. Hội chứng này chỉ
là hiệu ứng quả lắc của sai lầm trước đó, nó ngớ ngẩn chẳng kém gì việc vì muốn
uống một ly sữa, mà bạn đã dại dột tậu cả một con bò!


Tuần trước, trên Facebook có một bạn nói đùa: “Tử vi nói năm sau em lại kết hôn.
Em có tội tình gì đâu mà bắt em lấy chồng?”. Câu nói chơi, nhưng khối người bấm “Like”. Trong số vài chục người bấm
“like”, tôi biết có hơn chục bạn từng thở phào khi nhìn lại cuộc hôn nhân kém
vui họ vừa đi qua.


Nhìn ra các nước xung quanh, con số sau đây cũng khiến chúng ta ngỡ ngàng:
“Trong năm 2010, 1/3 phụ nữ nhật Bản bước vào độ tuổi 30 vẫn còn độc thân. Trong
số này, có lẽ hơn một nửa sẽ không bao giờ lấy chồng. Tại Đài Loan, tỷ lệ chị em
vẫn còn độc thân khi ở độ tuổi 30-34 là 37%, từ 35 đến 39 tuổi là 21%” (Phụ nữ châu á sợ hôn nhân – VnExpress.net,
ngày 25/8/2011).

Chán hôn nhân, sợ hôn nhân dường như đã trở thành hội chứng tâm lý của nhiều phụ
nữ đô thị châu Á .Sao họ sợ hôn nhân đến thế? Họ chán đàn ông hay chán đàn ông
trong quan hệ hôn nhân? Hay là chán phải đối diện với chính con người của mình
đã bi hư hại ra sao sau bao đổ vỡ? Hôn nhân có thực sự là con “ngáo ộp” không?


Khi vị cay của cuộc hôn nhân trước chưa phai, nỗi sợ vẫn còn đó. Bạn không chỉ
sợ hôn nhân mà sợ rất nhiều thứ. Không thể làm gì được với tình trạng mất cân
bằng tâm lý này. Tôi có vài bạn gái như vậy. nói chuyện với họ rất chán, vì
chẳng có gì sáng suốt trong đó. Họ lao vào kiếm tiền, rồi dùng tiền mua sắm để
trở thành những con công nhiều màu sắc trước đàn ông, rồi bị cuốn vào tình dục.
Khi trống trải, họ sục sạo trên internet, trải lòng trên các mạng xã hội để tìm
sự chia sẻ, nhưng càng tìm càng vô vọng. Phần còn lại của cuộc đời họ là sự
chống trả tuyệt vọng với nỗi sợ.


Tôi đã từng nằm trong số họ. Cho đến khi tôi biết cách đi xuyên qua nỗi sợ hãi
như những thủy thủ đi xuyên qua cơn bão biển. Bạn có nhớ nam tài tử điển trai
George Clooney trong “Perfect storm”? Bộ phim là cuộc vật lộn của những thủy thủ
với cơn bão khủng khiếp ập đến giữa biển khơi. Thay vì trốn chạy (vì không thể
trốn chạy), họ đi xuyên qua nó. Chỉ có đối diện, đi xuyên qua nỗi sợ, bạn mới
chế ngự được nó.



Tôi đã sợ gì?



Tôi sợ đổ vỡ. Đây là một kinh nghiệm của tôi lúc bé: Một lần, bà ngoại đưa tôi
chiếc chén sứ Giang Tây quý, bảo tôi rửa để đặt lên bàn thờ. Tôi rón rén cầm,
rón rén rửa, vừa làm vừa nín thở. Mọi sự yên ổn được đến lúc tôi rót nước vào đó,
khệ nệ bê tới, chuẩn bị trèo lên chiếc ghế cao để đặt lên tủ thờ. Thì… choang!


Sau khi tôi ngưng khóc, bà ngoại nhẹ nhàng bảo: “Cháu quá căng thẳng, cháu nín
thở nên thiếu ôxy, tay run nên mới rớt. Lần sau làm gì cũng nên giữ nhịp thở cho
đều”. Hai năm sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi mới có thời gian ngẫm nghĩ và nhớ bài
học thuở ấu thơ.

Những mối quan hệ dễ vỡ có lẽ bởi người trong cuộc mang tâm lý
căng thẳng và chịu quá nhiều áp lực.Giống mình tập xe đạp lần đầu, tự nhủ đừng đâm
vào cột điện là y như rằng cái cột điện như có chân đâm uỳnh vào mình! Hãy tháo
bớt áp lực cho hôn nhân và… thở đều, nghĩa là làm cho mọi chuyện diễn ra trong
sự thư thái nhẹ nhàng. Tôi sẽ nhớ lời dạy của bà, nếu có dịp kết hôn lần nữa.


Tôi sợ bị tổn thương lần nữa. Sao tôi lại sợ tổn thương? Sự tổn thương hay chỉ
là lớp vỏ bằng gốm sứ của bản ngã bị đập vỡ? Khi soi chiếu chính mình, tôi hiểu
rằng bản ngã tôi còn dày quá, cái tôi quá lớn khiến tôi không còn đủ trong suốt
và tinh tế để cảm nhận chính mình và người khác, khiến cho khoảng cách giữa tôi
và anh ấy càng xa. Một điều đơn giản thế, mà đi qua bao nhiêu tổn thương, gãy đổ,
giờ tôi mới nhận ra.


Tôi sợ sự tẻ nhạt thường trực như con dơi khổng lồ, xòe cánh phủ bóng tối lên
mối quan hệ. Đến một lúc, tôi nhận ra rằng hôn nhân không phải là một ngày hội,
không nên là ngày hội. Sở dĩ nó trở nên tẻ nhạt vì tôi đã ép nó phải là một cái
thác, một danh lam thắng cảnh, khi bản chất nó không phải như vậy.

Về phương
diện nào đấy, hôn nhân chính là khi những cái thác của tình yêu và đam mê ở
thượng nguồn đã hòa chung thành một dòng sông rộng lớn, hiền hòa. Khi hòa mình
trong sự bình yên bao la mà nó đem lại, và cảm nhận, tôi sẽ không thấy nó tẻ
nhạt nữa mà sẽ biết nương vào sự bình yên ấy để làm thêm bao nhiêu việc có ý
nghĩa.


Tôi sợ sự kém chung thủy thiên bẩm của đàn ông sẽ biến tôi thành hẹp hòi, ích kỷ.
Ôi, điều này đúng là nan giải! nhưng để vượt qua, tôi phải nương vào lý nhân
duyên của nhà Phật. Tất cả là do duyên. nếu không phải thế thì xin bạn hãy giải
thích giùm tôi: tại sao giữa 8 tỷ người xa lạ trên hành tinh này, ông tơ bà
nguyệt lại chỉ đích danh tôi và anh ấy chứ không phải ai khác?


Tôi sợ hôn nhân giết chết tự do và tình yêu. hôn nhân không phải là kẻ thù của
tình yêu và tự do. Kẻ thù của tình yêu chính là sự ngu ngốc. Còn kẻ thù của tự do chính là sự kém tự tin do thiếu hiểu biết… Tôi đã trưởng
thành hơn tôi ngày hôm qua, nên tôi sẽ có ý thức tránh xa sự ngu ngốc. hôn nhân
chính là vườn hoa để cánh bướm tình yêu có nơi đậu xuống. Vậy thì tôi có sợ chi,
nếu nó thực sự hứa hẹn là một bông hoa?


Tôi sợ sự chia ly lần nữa. Rời khỏi người đàn ông bạn yêu bằng cả trái tim có
khi còn khó khăn hơn người mù từ bỏ cây gậy, nhưng tin tôi đi, sau đó bạn sẽ
được bù đắp bằng đôi mắt sáng.


Khi dòng sông hợp lưu hay chia hai ngả, là vấn đề của địa lý, đất trời chứ đâu
còn là của riêng nó nữa. Đằng nào thì chúng cũng tan vào biển cả.


Thế nên, nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, “chảy đi sông ơi, băn khoăn làm gì…”.



 Bài: Phạm Tường Vân

Thực hiện: depweb

06/10/2011, 11:03