Nhắc đến Cát Phượng là người ta nghĩ ngay đến diễn viên hài. Và diễn viên hài này có biệt tài, chỉ cần nói thôi là khán giả đã cười rung ghế. Thế nhưng, khi nhìn Cát Phượng không – son – phấn, lại không thể nào cười nổi.
Cái nghịch lí đó khiến tôi nhớ đến một câu trong truyện Kép Tư Bền: “Ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của anh Tư Bền”.
Phải chăng, ẩn sau tiếng cười của một nghệ sĩ hài, bao giờ cũng là nước mắt và sự khổ đau?
Hồi diễn vở Tám Bính đêm về tôi khóc hoài
Tôi không nhớ đã gặp chị lần thứ bao nhiêu, có lẽ đủ để tôi có một nhận xét thế này: trừ khi lên sân khấu, gương mặt chị lúc nào cũng buồn. Không biết diện mạo tạo nên số phận hay số phận vẽ nên diện mạo đó?
Chị nói tôi lúc nào cũng buồn là đúng đấy. Có điều đứng trước công chúng mình phải khỏa lấp đi. Hơn nữa, lên sân khấu sống cho nhân vật, mình cũng phải quên đi. Đó là lí do tôi thích diễn hài, rất sợ diễn vai bi như “Tám Bính”, “Phận làm gái”…
Hồi diễn vở Tám Bính đêm về tôi khóc hoài. Vì diễn những vai đó, tâm lí nặng nề, bi kịch quá, trong khi cuộc đời mình đã đủ bi kịch rồi.
Nỗi buồn của chị là cuộc hôn nhân đổ vỡ? Nhưng chuyện đã xảy ra hai năm rồi, đủ để mình nguôi ngoai. Thực tế, có bao nhiêu cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhưng họ vẫn phải đứng lên, làm lại, và rồi “con tim sẽ vui trở lại”?
Sự đổ vỡ của hôn nhân, nếu nói không buồn là không đúng, nhưng tôi chỉ buồn thoáng qua thôi.
Cái buồn ở đây là, tôi có một đứa con mà không biết mình có đem lại cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho nó không? Có phải mình đẻ nó ra là xong đâu, mà đó là bổn phận, trách nhiệm to lớn nhất.
Một điều khiến tôi buồn nữa là, khi chui ra từ bụng mẹ để làm một kiếp con người, tôi khổ lắm. Cuộc đời mình bị đưa đẩy, bị bầm dập nhiều quá.
Xung quanh mình lúc nào cũng là đau khổ, tôi cảm thấy cuộc sống này chẳng có gì để vui. Cảm giác đó đeo đẳng mình từ nhỏ đến giờ.
Nỗi buồn thứ nhất, có phải do chị tự tạo ra không? Đành rằng sinh con, ai cũng lo cho con, nhưng không thể đánh tráo thành nỗi buồn, nhất là khi chị có công việc tốt, chị nổi tiếng, có tương lai, và vẫn đang còn trẻ?
Chị có hiểu được cái cảm giác của một người mẹ đơn độc nuôi con không? Tôi đang ngồi đây nói chuyện với chị, nếu chút nữa về tôi bị xe đụng chết thì sao?
Không phải tôi sống cực đoan đâu, mà tôi đã thấy rồi. Hai người bạn điện thoại rủ tôi về quê, tôi kẹt công việc, không về được, và đó là lần điện thoại cuối cùng họ nói chuyện với tôi.
Bởi trong chuyến về quê đó, họ đã bị đụng xe và tử nạn. Cái chết của hai người bạn trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời tôi.
Hơn nữa, liệu ngày mai tôi còn diễn như thế này để kiếm tiền nuôi con được không? Có thể chị sẽ nói tôi không tự tin vào bản thân. Nếu cứ lo như vậy thì lo cả đời.
Ngày hôm nay tôi đang làm tốt thì cứ làm tốt và tận hưởng ngày hôm nay, tại sao lại sợ ngày mai? Nhưng như đã nói, chị phải hiểu được cái cảm giác của một người mẹ đơn độc nuôi con!
“Chui ra từ bụng mẹ để làm một kiếp con người, tôi khổ lắm” – câu nói đó của chị bao gồm cả một tuổi thơ không bình yên?
Nói về gia đình ư? Gia đình tôi nghèo, bố mẹ sống không hạnh phúc. Bố tôi là người độc đoán, gia trưởng. Mẹ tôi sống theo khuôn phép của bố tôi.
Ông nói con gà thì phải là con gà, không được nói con khác. Kêu cái gì cũng phải làm cái đó, không làm là ông đánh, mà ông đánh tàn nhẫn lắm. Lúc đó tôi còn nhỏ, và nó trở thành một sự ám ảnh.
Rồi gia đình tôi làm ăn thua lỗ. Bố tôi là người có tài, nhưng ông không nghe ai. Ngay cả bây giờ chúng tôi lớn rồi, nhưng nói ông vẫn không nghe. Bố tôi thích cái gì làm cái đó.
Học hết lớp 12 tôi theo bố lên Sài Gòn làm ăn. Đọc báo thấy trường Sân khấu – Điện ảnh tuyển sinh, tôi dự thi và được 70 ngàn học bổng (1990).
Vậy là tôi tự học, tự nuôi mình. Từ quê lên đây, xung quanh kẻ này dụ, người kia dọa, có hết. Nhưng tôi không sợ. Tôi tự tạo cho mình một vỏ bọc khác, đó là sự dữ dằn.
Tôi hút thuốc, uống rượu, để người ta nói con này dễ sợ lắm, đừng có đụng vào. Người ta đâu có gọi tôi là Cát Phượng, mà toàn gọi là Cát Bụi.
Tôi làm vậy để làm gì? Để bảo vệ mấy đứa em của tôi lên đây học. Mà cuộc sống sinh viên cực lắm. Thời đó tôi phải đi quay karaoke, đóng vai quần chúng để có tiền ăn học, để nuôi mấy đứa em.
Khi không được đóng phim thì tôi phải đi bán máu để sống. Hỏi như vậy có buồn không? Lúc nào trong đầu tôi cũng vang lên câu hỏi: “Cuộc sống của mình như thế này đến bao giờ?”.
Đến hôm nay, cuộc sống của tôi mới chỉ khá lên được một chút thì lại có những chuyện khác. Ví dụ chuyện nghề nghiệp đi.
Chị cũng biết nghề này không hề trơn tru bằng phẳng như bề ngoài, mà bên trong là sự cạnh tranh, đạp đổ. Đạp chừng nào tóe máu thì thôi. Vẫn phải làm việc, nhưng tôi buồn.
Tôi không hiểu tại sao người ta phải tranh giành nhau như vậy? Liệu mình được như vậy, người ta nằm đó, mình có vui không?
Mà cái nghề này có bao nhiêu người đâu. Tại sao người ta lại sống như thế? Đó cũng là điều khiến tôi buồn. Hết nghĩ đến nghề lại nghĩ đến con.
Liệu ngày mai mình có còn sống để lo cho con trưởng thành không? Cứ thế tôi bị xoáy vào vòng luẩn quẩn, không gỡ ra được.
Xém một lần tôi bị đánh ghen
Chúng ta hãy bỏ qua chuyện nghề nghiệp, vì nghề nào cũng có cạnh tranh. Điều tôi muốn hỏi là, có phải tuổi thơ cay đắng đã làm chị nhìn cuộc sống ở phía tăm tối?
Nếu ra đời, gặp một anh chàng tốt bụng yêu chị. Hai người đến được với nhau, hoặc vì một lí do gì đó hai người chia tay, thì chị vẫn cho tất cả những người đàn ông trên thế gian này là tốt, và ngược lại.
Người đàn ông đầu tiên của chị…
Là một người đàn ông xấu!
Chị yêu năm bao nhiêu tuổi?
Năm 21 tuổi.
21 tuổi, cũng đủ để chín chắn?
Đủ chín chắn với một cô gái thành phố. Còn tôi sinh ở bệnh viện Từ Dũ, nhưng 6 tuổi tôi về quê sống đến năm 18 tuổi. Lúc đó tôi ngây ngô, khờ khạo lắm.
Khi gặp người đàn ông này, tôi yêu và đặt trọn niềm tin. Tôi muốn người này vừa là bố, là mẹ, vừa là anh, là chồng. Vì mình thiếu thốn tình cảm mà. Nhưng càng hy vọng tôi càng thất vọng.
Người đàn ông đó chỉ được bề ngoài thôi. Mình cứ tưởng họ tốt, nhưng sự thật họ là người từng trải, bay bướm, đã có vợ, có con, lại có bạn gái khác nữa, mà không phải một cô đâu!
Tôi vô tình gặp phải, mới vỡ lẽ hết những điều đó. Vậy là tuổi thơ tôi bị đá một cái, lớn lên lại bị người đàn ông đầu đời đạp cho ngã dúi!
Sao chị không nghĩ đơn giản là, hãy “vứt” người đàn ông đó ra khỏi cuộc đời, để sống tiếp, tốt đẹp hơn?
Yêu người thứ hai tôi lại bị như thế. Lần thứ ba cũng lại như thế, họ đều đã có vợ, và mình vẫn bị lừa dối!
Trong cuộc sống, chúng ta đều công nhận, không có lần vấp ngã nào giống lần vấp ngã nào. Nhưng tại sao với chị, lần ngã thứ hai giống lần đầu và lần thứ ba lại giống lần thứ hai?
Thế mới “khốn nạn” cho cuộc đời tôi! Tôi cả tin lắm. Ai nói gì tôi tin nấy, bởi tôi sống thật quá và nghĩ ai cũng thật giống mình.
Tôi yêu ai, người ta nói anh chưa có gia đình, anh đang tìm một người để lập gia đình, thế là mình tin. Cả tin là nhược điểm lớn nhất của tôi.
Có thể tôi hơi nặng nề khi phán xét thế này: trong những trường hợp như vậy, sự cả tin là… ngu ngốc và vô trách nhiệm với bản thân?
Tôi hỏi chị, khi yêu, có người con gái nào không cả tin, nhẹ dạ không? Tôi là người như thế.
Khi yêu, tôi móc cả trái tim ra yêu, và khi làm việc, tôi móc cả cái tâm ra làm. Nên trong nghề, đến hôm nay tôi vẫn còn bị dẫm đạp.
Trong tình yêu, đến hôm nay, không biết đã hết những đau đớn chưa, nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn bị như thế, dù tôi đi xem bói, thầy có nói tôi đã qua hết ải rồi.
Tôi nghe để tự trấn an cho mình thôi, chứ tử vi của tôi đã nói, cuộc đời tôi giống lòng biển, nó bình lặng tưởng êm ái, nhưng lâu lâu nó ào lên, tất lại bị vỡ tan và phải làm lại từ đầu.
Mỗi lần như thế là một vết đau, một vết thương, là một nỗi buồn đeo bám suốt cuộc đời, cho đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay mới hết.
Nếu cuộc sống mà bị ám ảnh bởi số phận sẽ rất nặng nề?
Tôi biết điều đó. Nhưng nhiều khi không thoát ra được.
Chúng ta hãy đặt “số phận” sang một bên để trở về vấn đề thực tế: trong những lần “nhẹ dạ” như thế, có khi nào chị bị… đánh ghen không?
Xém một lần tôi bị đánh ghen. Đó là lần thứ ba. Người ta xông thẳng vào nhà tôi. Tôi phải gọi người đàn ông đó đến. Ba mặt một lời mới vỡ lẽ.
Tôi có nói với người vợ đó là tôi hoàn toàn không biết. Nếu đã biết tôi không thể nào yêu một người như vậy, nên có đánh thì chị nên đánh chồng chị.
Tôi chỉ là người cả tin, và tôi ghét nhất loại người đi phá hoại hạnh phúc của người khác. Tôi cũng nói với người đàn ông đó một câu: làm người hãy sống làm sao cho đúng nghĩa chữ người. Tới tận bây giờ, lâu lâu chị vợ đó vẫn điện thoại hỏi thăm tôi.
Tôi lại yêu như chưa yêu lần nào
Người xấu thì phụ bạc chị, còn người tốt – ở đây tôi muốn nói đến Thái Hòa – cũng bỏ chị ra đi. Điều đó có làm chị bi quan càng bi quan hơn không?
Thái Hòa là người tốt, nhưng trong cuộc sống vợ chồng, tốt không chưa đủ. Chúng tôi có nhiều điều không hợp nhau.
Chồng ăn thịt, vợ ăn cá cũng bất thường rồi, mà trong cuộc sống vợ chồng, nhiều cái nhỏ sẽ tạo thành cái lớn. Mệt mỏi lắm.
Chia tay Thái Hòa là mất mát, là nuối tiếc của tôi. Không biết Thái Hòa có suy nghĩ giống tôi không?
Nhưng thà có sự mất mát to lớn đó để giữ cái tốt đẹp sau này và mãi mãi, còn hơn là sống với nhau, rạn nứt rồi vỡ tan tành, không còn gì nữa. Đó là lí do ngày hôm nay, tôi với Thái Hòa vẫn làm việc chung.
Tôi nghĩ, tiếc nuối là một lẽ, nhưng vì tiếc cái áo đó đẹp quá mà mặc vào để áo đi đằng áo, người đi đằng người còn tệ hại hơn.
Còn chị hỏi tôi có bi quan không ư? Tôi tin số phận lắm. Khi lấy Thái Hòa, đêm ngủ tôi giật mình hoài. Nhìn Thái Hòa ngủ mà tôi cứ hỏi chồng của mình đây sao?!
Yêu và lấy Thái Hòa là điều bất ngờ lớn nhất đối với tôi. Giờ Thái Hòa là người tốt mà vẫn quay lưng, tôi nghĩ đó là nỗi buồn. Nó cứ đau đáu, day dứt.
Nhưng để quay lại thì không. Không ai hiểu tôi bằng Thái Hòa và không ai hiểu Thái Hòa bằng tôi, nên tốt nhất là cứ như thế!
Chị nghĩ sao, khi sau một thời gian chia tay chị, Thái Hòa yêu đời, vui vẻ, và sự nghiệp có vẻ “phất” hơn?
Tôi cũng thế. Tôi thấy thoải mái hơn, thoáng hơn. Tôi không thích Thái Hòa buồn vì mất tôi. Thái Hòa làm việc vui vẻ, tôi thích hơn. Điều quan trọng là không còn ai yêu ai.
Thái Hoà có hỏi tôi: “Bà còn yêu tôi không?”. Tôi nói “Không”. Tôi hỏi Thái Hòa: “Ông còn yêu tôi không?”. Thái Hòa cũng nói “Không”! Nếu còn yêu nhau, chúng tôi đã không ly dị nhau.
Thái Hòa từ bỏ một người vợ nổi tiếng và hạnh phúc bên một cô sinh viên mới ra trường. Chị nghĩ sao về sự chênh lệch này?
Câu hỏi này hay đấy! Đó là lí do lớn nhất dẫn đến cuộc chia tay của chúng tôi. Sống với Thái Hòa, tôi không cho mình là người nổi tiếng, mà tôi luôn cho mình là người vợ.
Nhưng Thái Hòa không nghĩ thế. Tôi rủ Thái Hòa: “Đi xem phim không anh?”, Thái Hòa nói: “Xem phim gì tôi lấy về cho bà xem”. Tôi hỏi: “Đi uống cà phê không anh?”, Thái Hòa nói: “Tôi không thích cà phê”.
Bởi đi ra đường người ta nhìn tôi, xúm vào tôi nhiều hơn. Nên thà Thái Hòa yêu một cô sinh viên hơn là yêu một người nổi tiếng. Đàn ông lúc nào cũng là đàn ông, không ông chồng nào muốn thua vợ.
Tôi đi quay phim ở ngã tư Hóc Môn một mình, Thái Hòa không chở tôi đi. Tại vì người ta mời tôi mà không mời Thái Hòa. Tôi đau khổ là thế. Tại sao Thái Hòa không thoát ra được những suy nghĩ đó, trong khi lúc nào tôi cũng tôn trọng Thái Hòa.
Tôi lấy Thái Hòa làm chồng, vì biết ông ấy có tài, yêu nghề và tâm huyết với nghề. Có lần tôi nói với Thái Hòa: “Ông sẽ nổi tiếng trong 3 năm nữa thôi. Nhưng sự nổi tiếng, tiền tài của ông lúc đó tôi không hưởng, mà người khác hưởng”. Sự thật đúng y chang!
Từ câu chuyện của chị, có thể thấy mặt trái của người phụ nữ thành đạt: người phụ nữ, phấn đấu lắm mới làm nên sự nghiệp, nhưng chưa chắc đã hạnh phúc bằng một sinh viên mới ra trường?
Chính xác. Nhưng tôi là týp phụ nữ năng động, tôi không thích ngồi một chỗ. Đúng là người phụ nữ của công việc luôn gặp bất hạnh trong chuyện tình cảm, còn týp phụ nữ gọi dạ bảo vâng lại có hạnh phúc gia đình.
Điều đó làm mình đau đớn chứ, nhưng tôi nghĩ ông Trời không triệt đường sống của ai. Thực tế là tôi đã có một tình yêu mới, và tôi lại yêu như chưa yêu lần nào.
Người đàn ông đó chắc khác hẳn Thái Hòa?
Anh ấy ngoài nghề, nhưng hiểu công việc của tôi. Tình yêu bắt đầu từ những chuyến tôi đi lưu diễn ở Mỹ. Anh ấy đi xem tôi diễn, qua báo chí cũng biết cuộc sống hôn nhân của tôi, và chúng tôi trở thành chỗ dựa của nhau.
Sao lúc này chị lại chấp nhận một tình yêu cách trở về địa lí?
Tôi nghĩ xa cách như vậy lại tốt. Lúc nào cũng ở bên cạnh nhau, nhưng trong đầu người ta nghĩ gì mình không biết, còn hơn xa nhau, mà gìn giữ cho nhau những điều tốt đẹp.
Sau những “vết thương” về tình cảm, chị có tin là mình sẽ hạnh phúc?
Ngày mai của mình như thế nào, tôi không biết. Cuộc sống của tôi bây giờ, vui được một ngày, tối nằm xuống tôi cám ơn Trời Phật đã cho tôi được một ngày vui. Tôi sống hết ngày đó, ngày mai như thế nào sẽ tính tiếp!
Dương Thúy |