“Lâm Giang Tiên” hiện là tác phẩm thu hút nhiều sự quan tâm nhất nhờ loạt tình tiết “lật mặt” bất ngờ trải dài qua từng tập phim. Dù sử dụng mô-típ quen thuộc, bộ phim vẫn khiến khán giả say mê nhờ cách dẫn dắt kịch tính và câu chuyện tình yêu đầy giằng xé giữa Hoa Như Nguyệt và Bạch Cửu Tư.
“Lâm Giang Tiên” thể hiện rõ nét mô-típ cổ điển về mối tình định mệnh nhưng đầy thù hận và xung khắc. Hoa Như Nguyệt (Bạch Lộc) và Bạch Cửu Tư (Tăng Thuấn Hy), hai thực thể được sinh ra từ con mắt của phụ thần, vốn sở hữu sức mạnh tối thượng trong tam giới, nhưng lại mang trong mình những bản chất hoàn toàn đối nghịch: hỏa và băng. Điều này không chỉ tạo nên sự đối lập về mặt sức mạnh mà còn báo hiệu cho một cuộc tình đầy trắc trở. Chính sự khác biệt triệt để này đã biến tình yêu thuần khiết ban đầu thành những cuộc xung đột dai dẳng, nơi tình và thù không ngừng đan xen, tạo nên vòng luẩn quẩn của số phận mà cả hai không thể thoát khỏi.

Dù khai thác theo mô-típ cũ nhưng không thể phủ nhận được rằng, bộ phim vẫn gây sức hút mạnh mẽ với người xem. Sức hấp dẫn bền vững của công thức “yêu, hận đan xen” nằm ở tính bi thương và đau đớn mà nó mang lại. Mô-típ này còn hoàn toàn khai thác được tâm lý thích kịch tính của khán giả. Sự thất thường, bất định trong tình cảm của nhân vật lúc yêu thương, lúc thù hận đã tạo ra những bất ngờ liên tục, giữ được sự tò mò và hồi qua mỗi tập phim.
“Lâm Giang Tiên” không đi theo mạch phim truyền thống, mà mỗi tập là một cuộc chiến căng não giữa người xem và biên kịch. Bộ phim thành công trong việc xây dựng những tình tiết phức tạp, đa chiều khiến khán giả phải liên tục “động não” suy đoán. Trong những tập đầu, Hoa Như Nguyệt (Bạch Lộc) với thân phận Lý Thanh Nguyệt có vẻ ngốc nghếch, thường bị thương và hiểu lầm. Thậm chí sau khi trở thành đạo lữ của Huyền Tôn Đại Thành (Tăng Thuấn Hy), cô vẫn không thoát khỏi vận xui vì bị chồng mình rắp tâm tính kế.
Tuy nhiên, mãi đến các tập sau, những phân cảnh bị chê là diễn xuất cứng nhắc của Bạch Lộc như cảnh nhìn thấy bạch xà trong hang động, lần đầu gặp thần tiên, hay việc lấy lòng chồng đều được lý giải hoàn toàn hợp lý. Tất cả đã cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng của biên kịch. Đặc biệt hơn, mọi nhân vật trong “Lâm Giang Tiên” đều đảm nhiệm vai trò riêng, không ai là thừa thãi. Phàn Lăng Nhi (Hạ Thùy Hiền) ban đầu tưởng chỉ si tình với Huyền Tôn đại nhân, nhưng thực chất là người của Tứ Linh Tiên Tôn, có nhiệm vụ giúp Tứ Linh hồi sinh. Thậm chí cả môn phái Tịch Vân Tông cũng cùng sư tổ Hoa Như Nguyệt lừa dối thần tiên chỉ để giúp nàng giết Bạch Cửu Tư.
Những cú plot twist này thể hiện rõ nét đặc trưng của Vu Chính, người nổi tiếng với khả năng đảo ngược tình huống một cách bất ngờ nhưng hợp lý. Vu Chính luôn giỏi trong việc đặt những “mồi nhử” từ sớm, khiến khán giả tưởng mình đã hiểu rõ nhân vật, rồi sau đó lật tẩy mọi thứ bằng những chi tiết được cài cắm tinh vi. Đặc trưng của Vu Chính là không bao giờ để nhân vật “đen trắng” tuyệt đối. Mỗi nhân vật đều có động cơ phức tạp, che giấu những bí mật đến tận phút cuối.
Phàn Lăng Nhi không phải là kẻ si tình, Tịch Vân Tông không hẳn là tông môn đầy đạo lý người tu tiên, và quan trọng nhất là Hoa Như Nguyệt không phải kẻ tàn nhẫn không yêu chồng như vẻ ngoài. Cách xử lý này vừa thỏa mãn tâm lý “săn lùng manh mối” của khán giả, vừa tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội – điều mà các tác phẩm của Vu Chính luôn đạt được. Điều đó đã được minh chứng qua thành tích của “Lâm Giang Tiên” với điểm nhiệt 10.000 trên nền tảng IQIYI.
Dù định vị là phim giải trí, tác phẩm vẫn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa đáng suy ngẫm. Câu hỏi về bổn phận thực sự của thần tiên được đặt ra xuyên suốt bộ phim: Liệu thần tiên nên giúp đỡ bách tính hay giữ kỷ cương thiên đình? Bởi vì trong thời gian hạ phàm lịch kiếp, Hoa Như Nguyệt với tấm lòng lương thiện đã cứu giúp dân chúng, thậm chí nghịch thiên để giúp đứa trẻ sống trở lại từ cõi chết. Và quan trọng nhất, câu nói chất vấn “Thần minh để làm gì?” của Mạnh Trường Cầm (Triệu Dịch Khâm) đã như một nhát gõ vào tâm khảm, khiến niềm tin của Hoa Như Nguyệt về trách nhiệm của thần tiên càng thêm kiên định.
Trái ngược hoàn toàn, Bạch Cửu Tư, người vừa mở mắt đã nhìn thấy Hoa Như Nguyệt nhưng chưa từng tận mắt chứng kiến nỗi khổ của nhân gian đã chọn cách nhìn chúng sinh như loài sinh vật nhỏ bé, sống chết có luân hồi, không cần can thiệp. Chính sự đối lập trong thế giới quan giữa hai nhân vật đã mang đến cho “Lâm Giang Tiên” vượt ngoài khuôn khổ của một tác phẩm giải trí thông thường.
Đặc biệt, tác phẩm còn phản ánh rõ nét về sự phân chia giai cấp qua hai nhân vật chính Hoa Như Nguyệt và Bạch Cửu Tư. Để hiểu được chiều sâu kết nối giữa hai nhân vật, khán giả cần nắm bắt được cán cân “mạnh – yếu” ẩn sau vẻ ngoài tưởng như đối lập. Dù là hai cá thể riêng biệt nhưng họ lại cùng chia sẻ một sinh mệnh. Một người sống trọn với hỷ nộ ái ố, khao khát cảm thông. Một người rập khuôn theo luật lệ, lấy kỷ cương làm thước đo cho mọi hành vi. Chính vì thế, Thiên Đạo đã biến chuyện tình của hai người là vụ cá cược lớn nhất giữ “nhân tính và pháp trị”. Điều này không chỉ khiến “Lâm Giang Tiên” trở nên cuốn hút mà còn nâng tầm tác phẩm thành một ẩn dụ sâu sắc về sự giằng co giữa cái thiện bản năng và trật tự do con người dựng nên.