Làm gì khi ngộ độc thức ăn? - Tạp chí Đẹp

Làm gì khi ngộ độc thức ăn?

Sức Khỏe

– Ngộ độc thức ăn được hiểu như thế nào thưa bác sĩ?

– Ngộ độc thức ăn hay ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hoặc có chứa chất gây ngộ độc, hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia … Ngộ độc thức ăn đôi khi không chỉ xảy ra cho một cá nhân, có khi là cả một gia đình hoặc tập thể ăn cùng một loại thức ăn đó.

 

– Người bị ngộ độc thức ăn có những biểu hiện gì?

– Các biểu hiện cấp tính xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ, có khi tới một ngày tuỳ theo nguyên nhân gây ngộ độc. Các biểu hiện thường là buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, phân nhiều nước, đôi khi có máu, có thể sốt hoặc không. Các biểu hiện nặng, nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ và người già là mất nước, mất điện giải, trụy mạch hoặc sốc, với các biểu hiện: đái ít, nước tiểu vàng sẫm màu, khô miệng, môi khô, khát nước, da nhăn nheo, mắt trùng, mạch nhanh.

– Ngộ độc thức ăn thường do những nguyên nhân nào?

– Nguyên nhân chính của ngộ độc thức ăn là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm hoá học (kim loại nặng, độc tố vi nấm …). Đặc biệt, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, giữa giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn biến thành chất độc.

Thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc: kim loại nặng, hợp chất hữu cơ, thuốc diệt côn trùng, chất phóng xạ, thuỷ ngân …

Vi sinh vật như virus, vi khuẩn hay nấm mốc phát triển trong thực phẩm như tụ cầu, ly trực trùng, phẩy khuẩn tả, vi khuẩn yếm khí trong đồ hộp và một số loại virus khác.

Các chất có tự nhiên trong thực phẩm:  nấm độc, lá ngón, cá nóc, da cóc, gan, trứng cóc …

– Người bệnh cần phải làm các xét nghiệm nào để biết có bị ngộ độc thức ăn hay không?

– Khi nghi ngờ bị ngộ độc thức ăn, cần giữ lại các thực phẩm đã ăn để xét nghiệm, giữ lại chất nôn để xét nghiệm, xét nghiệm phân và cấy phân, xét nghiệm máu khi bệnh nhân bị sốt, xét nghiệm máu và nước tiểu nếu nghi ngờ có hoá chất độc hại.

 

Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thức ăn

– Điều trị ngộ độc thức ăn như thế nào thưa bác sĩ?

– Với một người có biểu hiện ngộ độc, nếu còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng hai ngón tay ngoáy họng hay thìa nhỏ đưa vào gốc lưỡi để gây nôn. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh sặc vào phổi. Một số trường hợp không nên gây nôn là khi nghi ngờ chất độc là dầu hoả, xăng, hoá chất trừ sâu, thuốc chuột … vì có thể làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang nôn. Khi đó, cần cho bệnh nhân uống than hoạt tính để giữ các chất độc không cho thấm vào máu, tiếp đó dùng thuốc nhuận tràng Sorbitol để tống chất độc và than hoạt qua đường phân. Nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để than hoạt dễ dàng đi ra ngoài. Bù nước và điện giải bằng cách cho uống dung dịch Oresol hoặc nước cháo muối, nhất là sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Tiếp tục cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.

Nếu thấy bệnh nhân mất nước nặng, ly bì, sốt cao , hay phân có máu thì phải đưa đến bệnh viện để được truyền dịch và điều trị kịp thời. Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được rửa dạ dày, dùng thuốc kháng độc nếu biết rõ loại chất độc, dùng kháng sinh nếu bệnh nhân có sốt, hồi sức tuần hoàn hô hấp nếu bệnh nhân có suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp.

– Vậy có cách nào để phòng ngộ độc thức ăn?

– Để phòng ngộ độc thức ăn, cần giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Tìm hiểu kỹ rau, nấm, cá để phân biệt được loại không độc và loại độc. Tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ.

Cần lựa chọn thực phẩm tươi, không giập nát. Không ăn cá ươn, không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng để ăn.

Chuẩn bị thức ăn kỹ càng: nấu chín, đun sôi, bỏ những phần nghi là gây độc (bỏ vỏ sẵn và ngâm nước trước khi luộc, bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu …)

Giữ sạch dụng cụ đựng thức ăn. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay.

Diệt ruồi, gián, chuột … không để chúng tiếp xúc với thức ăn.

Quả, rau sống phải rửa sạch, ngâm và gọt vỏ rồi mới ăn.

Không uống mật cá trắm, trôi, chép với mục đích chữa bệnh. Tuyệt đối không ăn cá nóc.

Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi chuẩn bị chế biến thức ăn.

Theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

10/01/2013, 14:18