Làm gì khi không thể ngừng nhắn tin cho người cũ? - Tạp chí Đẹp

Làm gì khi không thể ngừng nhắn tin cho người cũ?

Sống

Thật khó để cắt đứt liên lạc với một mối quan hệ kéo dài nhiều năm hay thậm chí là một cuộc tình chóng vánh. Đối với các chuyên gia tâm lý, quy tắc “không liên lạc” được xem là cách nhanh và hiệu quả nhất để bạn có thể chữa lành trái tim, giữ mọi thứ không phức tạp và thôi thúc bạn tiến về phía trước.

Nếu bí mật của một mối quan hệ lâu dài là sự giao tiếp chân thành thì bí mật của một cuộc chia tay hiệu quả chính là cắt đứt liên lạc. Việc phớt lờ người yêu cũ chẳng bao giờ là dễ dàng, vì vậy hãy lưu ý những lời khuyên dưới đây để hiểu rõ hơn và biết được cách áp dụng quy tắc “không liên lạc” sao cho hiệu quả nhất.

Ảnh: Oleg Breslavtsev (Getty)
Quy tắc “không liên lạc” là gì?

Quy tắc “không liên lạc” (“no contact”) có nội dung chính xác như tên gọi của nó – cắt đứt mọi liên lạc với người yêu cũ sau khi chia tay, điều này bao gồm việc không nhắn tin, gọi điện, email, “like” bài trên mạng xã hội, gặp mặt trực tiếp và thậm chí là không âm thầm xem trang cá nhân (“stalk”) đối phương. 

Leanna Stockard, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại LifeStance Health (Mỹ) cho biết: “Ngoài việc cắt đứt liên lạc trực tiếp với người cũ, bạn cũng không nên theo dõi bạn bè chung của cả hai để tìm hiểu bất kỳ thông tin nào về cuộc sống của người ấy”.

Ảnh: Constantini (Getty)

Sau khi kết thúc một mối quan hệ, dù đó là cuộc tình chóng vánh hay đã kéo dài nhiều năm thì cảm giác nhớ nhung thường xuyên là điều khó tránh khỏi. Việc thực hiện quy tắc không liên lạc sẽ giúp bạn giảm thiểu tần suất nghĩ về họ, có thời gian để nguôi ngoai và ưu tiên cho bản thân.

Lợi ích của việc cắt đứt liên lạc với người cũ

Tiến sĩ Ernesto Lira de la Rosa, nhà tâm lý học tại Hope for Depression chia sẻ: “Việc cảm thấy khó chịu, buồn bã, lo lắng, tuyệt vọng, bất lực và bối rối sau khi chia tay là điều bình thường.”

Khi cắt đứt liên lạc với người cũ, bạn sẽ có thêm thời gian để xử lý mối quan hệ và cảm xúc của mình. Điều này có thể giúp bạn chữa lành trái tim, chấp nhận rằng mối quan hệ đã kết thúc và bắt đầu hẹn hò lại khi bạn đã sẵn sàng. Stockard cho biết thêm, việc tuân theo quy tắc “không liên lạc” sẽ ngăn bạn lặp lại vòng xoáy độc hại của mối quan hệ cũ, mặc dù giai đoạn đầu có nhiều khó khăn nhưng đây sẽ là định hướng để bạn tiến về phía trước.

Dù không phải lúc nào bạn cũng có thể hoàn toàn cắt đứt liên lạc sau khi kết thúc một mối quan hệ. Chẳng hạn, bạn sẽ cần duy trì liên lạc nếu cả hai có con chung, làm việc cho cùng một công ty hoặc có cùng một nhóm bạn bè. Trong trường hợp này, Tiến sĩ Lira de la Rosa khuyên bạn nên duy trì liên lạc tối thiểu, thiết lập các kiểu trò chuyện mà bạn thấy thoải mái cũng như tạo ra ranh giới về thời gian và hành động khi ở cạnh nhau.

Cách chống lại sự cám dỗ của việc không liên lạc

Mặc dù đã cắt đứt liên lạc nhưng bạn vẫn bị ám ảnh bởi việc kết nối với tình cũ thì hãy tham khảo 5 gợi ý dưới đây để thực hiện quy tắc trên một cách hiệu quả:

1/ Viết nhật ký: Khi bạn cảm thấy muốn liên hệ với người yêu cũ, hãy lấy một cuốn nhật ký và viết xuống những gì bạn đang nghĩ. Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt và điều phối cảm xúc của bản thân một cách từ tốn trước khi hành động một cách bốc đồng.

2/ Dành thời gian với gia đình, bạn bè: Hãy trò chuyện cởi mở với những người thân thiết đáng tin cậy để xin lời khuyên khách quan đồng thời phần nào thỏa mãn nhu cầu kết nối của bản thân. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), kết nối xã hội là cách quan trọng để chúng ta có thể kiểm soát căng thẳng và tìm thấy niềm vui, đặc biệt khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Ảnh: Getty Images

3/ Tập trung vào bản thân: Đây là thời điểm tuyệt vời để tái đầu tư và hoàn thiện bản thân. Tìm ra những điều khiến bạn hứng thú, chọn cho mình một sở thích mới và rèn luyện bản thân bằng những thói quen lành mạnh để xây dựng sự tự tin và niềm vui mỗi ngày.

4/ Để điện thoại của bạn ngoài tầm với: Chúng ta có xu hướng lướt điện thoại của mình một cách vô thức khi buồn chán, dễ dẫn đến việc tự liên hệ với người yêu cũ hoặc kiểm tra trang cá nhân của họ. Trong những lúc buồn chán không có gì để làm, hãy cố để điện thoại của bản thân ra xa tầm với và đọc sách, nghe nhạc hay nấu ăn,…

Ảnh: Johner (Getty)

5/ Tìm ra nguồn gốc của sự cám dỗ: “Hãy tự hỏi bản thân những sự thôi thúc này đến từ đâu và bạn hy vọng đạt được điều gì từ việc liên lạc lại với người cũ”, Stockard nói. Nếu câu trả lời vẫn khiến bạn mong muốn trò chuyện với họ, thì hãy dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, duy trì cuộc sống bận rộn để hạn chế nghĩ đến người ấy.

Nếu bạn rơi vào cám dỗ và liên lạc với người yêu cũ, hãy nhớ rằng đó không phải là ngày tận thế. Hãy quay trở lại “không liên lạc” một lần nữa và tiếp tục tiến về phía trước.

Nguồn: Verywell Mind

Tác giả: Thu Thủy

24/08/2023, 11:21